Đường dẫn truy cập

Ô nhiễm không khí tăng cao tại các thành phố nghèo nhất thế giới


Sự sụt giảm chất lượng không khí tại các thành phố làm gia tăng nguy cơ bị đột quị, đau tim, ung thư phổi, và những chứng bệnh cấp tính về đường hô hấp.
Sự sụt giảm chất lượng không khí tại các thành phố làm gia tăng nguy cơ bị đột quị, đau tim, ung thư phổi, và những chứng bệnh cấp tính về đường hô hấp.

Một cuộc nghiên cứu cho thấy có hơn 80% người dân thành thị chịu tác hại của mức ô nhiễm không khí cao lên đến mức báo động gây nên khoảng 7 triệu trường hợp chết yểu mỗi năm. Phúc trình mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí tại các thành thị cho thấy những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất sống tại các thành phố nghèo nhất trên thế giới. Thông tín viên Lisa Schlein của Đài VOA gửi bài tường thuật về từ trụ sở của WHO ở Geneva.

Cuộc nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí tại các thành phố tăng gần gấp đôi trong hai năm qua tại 3.000 thành phố thuộc 103 quốc gia.

Phúc trình ghi nhận 98% những thành phố với hơn 100.000 dân tại các nước nghèo nhất chịu mức ô nhiễm không khí cao hơn mức ô nhiễm được WHO khuyến cáo. Con số này tại những nước giàu là 56%.

WHO cảnh báo sự sụt giảm chất lượng không khí tại các thành phố làm gia tăng nguy cơ bị đột quị, đau tim, ung thư phổi, và những chứng bệnh cấp tính về đường hô hấp, trong đó có hen suyển. Tuy nhiên, bà Maria Neira, Giám đốc Y tế công cộng và Chính sách Môi trường của WHO, nói những hành động hiệu quả có thể được thực hiện để cải thiện chất lượng không khí và ngăn ngừa bệnh tật và tử vong.

Bà Neira cho biết: “Quí vị sẽ thấy tại các thành phố có những biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí, thì mức ô nhiễm không khí sụt giảm và do đó những nguy cơ nhiễm bệnh vì ô nhiễm không khí cũng sụt giảm.”

Cuộc nghiên cứu cho thấy tử vong gây ra bởi những hạt vi lượng, như sul-phát, ni-trát và các-bon đen có thể sụt giảm 15% bằng cách giảm mức ô nhiễm không khí.

Ông Carlos Dora, phối trí viên của Ban Y tế Công cộng và Chính sách Môi trường của WHO, nói ngay cả những thành phố nghèo nhất cũng có thể cải thiện chất lượng không khí bằng cách sử dụng những chiến lược có thể áp dụng được như dùng các nguồn điện tái tạo, như năng lượng mặt trời và gió, và những phương tiện chuyên chở công cộng ít gây ô nhiễm.

Ông Dora phát biểu: “Nếu bạn có những phương tiện đi lại sạch như đi xe đạp, đi bộ hay những hệ thống giao thông cao tốc, nơi nhiều người được chuyên chở trong một số ít xe, thì bạn sẽ ít có ô nhiễm không khí. Hay nếu bạn có những thành phố như New York, dùng chất đốt sạch để sưởi ấm hay làm mát những tòa nhà…thì tình trạng ô nhiễm không khí sẽ được cải thiện rất đáng kể.”

Phúc trình cho biết thêm những thành phố và thị trấn có chất lượng không khí tệ hại nhất thuộc vùng Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, tiếp theo là các quốc gia châu Phi.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG