Đường dẫn truy cập

Những điều cần biết về cuộc bầu cử ở Myanmar


Những người ủng hộ cho Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho dân chủ (NLD) tại cuộc mít tinh ở Yangon, Myanmar, ngày 5/11/2015.
Những người ủng hộ cho Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho dân chủ (NLD) tại cuộc mít tinh ở Yangon, Myanmar, ngày 5/11/2015.

Từ 5 thập niên, Myanmar nằm dưới sự cai trị của một tập đoàn quân nhân khép kín, đã đích thân chọn một chính phủ dân sự trên danh nghĩa vào năm 2011. Ngày Chủ nhật tới đây, quốc gia Đông Nam Á này, trước đây còn gọi là Miến Điện, sẽ bỏ phiếu trong diễn biến được chính phủ quảng bá là một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Sau đây là các chi tiết về cuộc bầu cử.

Hệ thống

Cuộc bầu cử sẽ quyết định quyền kiểm soát cơ quan lập pháp gồm 2 viện gọi là Hluttaw. Cơ quan này nằm dưới sự chế ngự của các đồng minh của Tổng thống Thein Sein, một vị cựu tướng lãnh nằm trong tập đoàn cầm quyền đã nhượng quyền cho một chính phủ bán dân sự vào năm 2011.

Quốc hội gồm Hạ viện và Thượng viện. Tại cả hai viện lập pháp, 25% số ghế được dành cho quân đội theo quy định của hiến pháp. Họ sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng chính – như quốc phòng, nội vụ và các vấn đề biên giới – và cũng sẽ có quyền phủ quyết về mọi thay đổi hiến pháp được đề xuất.

Sau cuộc bầu cử toàn quốc, các đại biểu của viện lập pháp sẽ chọn ra một tổng thống.

Cuộc bầu cử

Cuộc bỏ phiếu ngày chủ nhật sẽ là cuộc bỏ phiếu đầu tiên dưới chế độ dân sự.

Hồi tháng 5 năm 1990, Myanmar đã tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên kể từ năm 1960 khi chế độ độc tài quân trị lên nắm quyền. Bà Aung San Suu Kyi đã trở về nước hai năm trước đó để chăm sóc mẫu thân sắp chết, nhưng nhận thấy mình bị kẹt giữa những cuộc biểu tình ồ ạt chống lại tập đoàn cầm quyền. Tập đoàn đã chú ý và đặt bà trong tình trạng quản thúc tại gia vào năm 1989, cắt đứt mọi liên lạc bà có thể có với thế giới bên ngoài. Năm 1990, một cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức, và đảng mà bà Aung San Suu Kyi góp phần thành lập, Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho dân chủ, tức NLD, đã giành được hơn 80% số ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, kết quả bầu cử kỳ đó đã bị tập đoàn quân nhân cầm quyền phớt lờ, theo đúng như dự kiến.

Năm 2011, Myanmar chấm dứt gần nửa thế kỷ quân trị và từng bước bắt đầu nới lỏng những hạn chế đối với các đảng đối lập. Theo hy vọng, cuộc bầu cử này sẽ là cuộc bầu cử tự do nhất trong 25 năm, nhưng vẫn còn những quan ngại về ảnh hưởng của quân đội và những danh sách cử tri không chính xác. Ngoài ra, ủy ban bầu cử đã hủy bỏ việc đầu phiếu tại những khu vực trong nước đang chìm trong xung đột sắc tộc, có nghĩa là cuộc bầu cử sẽ không phải là bao gồm 100 phần trăm tất cả các thành phần.

Cuộc tranh cử

Có hơn 6 ngàn ứng viên và 91 chính đảng có đăng ký dự tranh 498 ghế cho nhiệm kỳ 5 năm.

Nhưng mọi con mắt đổ đang đổ dồn vào hai đảng đứng đầu rõ rệt. Một là đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển USDP, được quân đội hậu thuẫn. Đảng kia là NLD.

Đảng liên kết với quân đội, USDP, do Tổng thống Thei Sein đứng đầu, đã vận động với thành tích điều hành chính phủ trong 5 năm qua và với lời hứa bảo đảm sự ổn định.

Các quan sát viên chính trị ở Myanmar cho rằng NLD dự kiến sẽ giành được thắng lợi to lớn sau khi thắng 43 trong số 44 ghế tại quốc hội trong các cuộc bầu cử bổ túc năm 2012.

Vai trò của bà Aung San Suu Kyi

Mặc dầu được sự ủng hộ của dân chúng cũng như của đảng, bà Aung San Suu Kyi không thể được bầu làm tổng thống của Myanmar. Lo ngại rằng sự ủng hộ dành cho khôi nguyên giải Nobel hòa bình có thể đe dọa đến quyền lực của mình, tập đoàn cầm quyền Myanmar đã cấm bà không được giữ các chức vụ cao nhất nước.

Điều khoản số 59, mà người ta cho là được viết nhắm vào bà, nói rằng bất cứ ai kết hôn với một công dân nước ngoài hoặc con em là người nước ngoài, đều không thể lên làm tổng thống hay phó tổng thống. Bà Aung San Suu Kyi kết hôn với nhà sử học người Anh Michael Aris, đã tạ thế vào năm 1999. Hai người con trai của bà mang quốc tịch Anh.

Nhưng bà Aung San Suu Kyi vẫn nói rằng nếu đảng của bà thắng, thì bà sẽ điều hành chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG