Đường dẫn truy cập

Nga lấy lòng người Hồi giáo ở Crimea


Người dân Tatar biểu tình kỷ niệm 70 năm vụ trục xuất vào tháng 5 ở Simferopol, Crimea.
Người dân Tatar biểu tình kỷ niệm 70 năm vụ trục xuất vào tháng 5 ở Simferopol, Crimea.
Ba tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine, đồng ruble của Nga bây giờ trở thành tiền tệ của bán đảo này và một nửa trong số 2.3 triệu cư dân Crimea đã nộp đơn xin hộ chiếu Nga. Nhưng có một đám mây trên vùng đất ở Hắc Hải này, đó là người thiểu số Hồi giáo Crimea - người Tatar.

Một buổi triển lãm tranh ở Moscow của người Tatar ở Crimea đã thu hút khá đông những người thuộc giới thượng lưu của Nga.

Đại giáo trưởng Ravil Gainutdin, lãnh tụ tối cao của người Hồi giáo ở Nga, đã đến thăm Crimea ngay sau khi phần đất này bị sáp nhập vào Nga. Ông chào mừng 250.000 người Tatar ở Crimea gia nhập gia đình 20 triệu người Hồi giáo của Nga.

Ông nói rằng ông hy vọng người Tatar ở Crimea sẽ có điều kiện sống tốt hơn và đại diện chính trị giống như những công dân Nga.
Ông Mikhail Margelov.
Ông Mikhail Margelov.

Ông Mikhail Margelov là một thành viên của Thượng viện Nga và là một chuyên gia về Hồi giáo. Ông nhắc lại với các nhà báo là vào tháng Tư, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một đạo luật cho người Tatar hồi cư sau khi bị nhà độc tài Xô Viết Josef Stalin trục xuất hàng loạt vào năm 1944.

Ông nói rằng đạo luật mới sẽ quét sạch mọi di sản tội lỗi của vụ trục xuất năm 1944.

Nhưng tại một căn phòng bên cạnh nơi họp báo chính thức, ông Mamut Churlu, một họa sĩ người Tatar ở Crimea, cho biết nhiều người Tatar lo lắng về sự cầm quyền trở lại của Moscow. Ông nhớ lại một đêm tháng Ba khi người Crimea bỏ phiếu gia nhập Nga, một cuộc trưng cầu dân ý mà người Tatar tẩy chay.

Ông Churlu nói: “Mọi người thức trọn cả đêm để chuẩn bị hành lý sẵn sàng”, ông nói. “Họ nghĩ rằng họ sắp sửa bị trục xuất.”

Ngày 18/5 đánh dấu 70 năm vụ trục xuất. Tháng trước, có những buổi tưởng niệm và mít-tinh ở Kyiv.
Người dân Tatar biểu tình kỷ niệm 70 năm vụ trục xuất vào tháng trước ở Kyiv, Crimea.
Người dân Tatar biểu tình kỷ niệm 70 năm vụ trục xuất vào tháng trước ở Kyiv, Crimea.

Những người tham dự mít-tinh hô to khẩu hiệu “Ukraine là quan trọng nhất”. Họ mang theo những biểu ngữ với hàng chữ “Người Tatar ở Crimea và người Ukraine là anh em.”

Có đến 15.000 người Tatar đã rời khỏi Crimea sau khi Moscow nắm quyền. Bà Anifer Kursitova bỏ trốn cùng với gia đình đến Kyiv.

Bà nói rằng rất khó khăn khi trở thành người tị nạn và bà hy vọng được trở lại Crimea để sống nếu môi trường chính trị cởi mở.

Tại buổi mít-tinh ngày 18/5, ông Mustafa Dzhemilev, một lãnh đạo của người Tatar từ thời Xô Viết, kêu gọi kết thúc sự kiểm soát của Nga ở Crimea. Ông nói: “Tôi hy vọng là trong tương lai gần nhất, người Tatar ở Crimea sẽ có một ngày mới để ăn mừng, đó là ngày chấm dứt sự chiếm đóng”.

Nhưng ngày đó có lẽ còn xa.
Ông Sergei Aksyonov.
Ông Sergei Aksyonov.

Ông Sergei Aksyonov, thủ tướng trên thực tế của vùng Crimea do Nga kiểm soát, đã cấm ông Dzhemilev trở lại Crimea. Tháng trước, ông Aksyonov cấm người Tatar tụ tập vào ngày kỷ niệm trục xuất. Một số cuộc tụ tập đã diễn ra, nhưng cùng với nhiều trực thăng quân sự Nga bay lượn trên bầu trời.

Những người ôn hòa lo ngại là nếu người Tatar thiểu số ở Crimea cảm thấy bị áp bức, một số thanh niên sẽ tham gia vào những nhóm Hồi giáo nói tiếng Nga khác đang chiến đấu ở Syria. Tháng trước, một chiến binh thánh chiến người Tatar của Crimea đã kêu gọi người Tatar ở Crimea đến Syria để được huấn luyện quân sự, hay để thực hiện cuộc thánh chiến tại quê nhà.

Ông Abdul Karim Krymsky, phó chỉ huy quân đội Muhajireen, nói rằng người Hồi giáo và người Tatar ở Crimea đã bị sỉ nhục và bây giờ chính là lúc để phát động cuộc thánh chiến.

Trở lại với Moscow, thời gian sẽ cho biết liệu Điện Kremlin có thể tránh khỏi tệ nạn cực đoan hóa bằng cách mang lại cho người Tatar ở Crimea sự trợ giúp về kinh tế và bầu khí chính trị dễ thở hơn hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG