Đường dẫn truy cập

Nam Phi kỷ niệm Ngày Phụ nữ Quốc gia


Thứ Sáu ngày 9 tháng 8 là Ngày Phụ nữ Quốc gia tại Nam Phi. Ngày này kỷ niệm cuộc tuần hành năm 1956 của 20.000 phụ nữ chống lại những đạo luật về chứng minh nhân dân của thời kỳ phân biệt chủng tộc apatheid. Những đạo luật này hạn chế chặt chẽ việc đi lại của những người không phải là người da trắng và phân chia xã hội. Lãnh tụ còn sống duy nhất của cuộc tuần hành này nhớ lại cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng, không những do những người da màu mà còn cho phụ nữ nữa.

Bà Sophie Williams-de Bruyn ở tuổi 19 khi những nỗ lực thực hiện cuộc tuần hành bắt đầu.

Bà nói: “Nam Phi năm 1956 là một quốc gia hết sức phân cực và là một nơi rất áp chế. Và luật không cho phép những nhóm chủng tộc sống chung với nhau. Chúng tôi có đủ loại luật pháp phân rẻ chúng tôi. Chúng tôi tất cả đều tập trung vào những nơi cư ngụ riêng.”

Người da trắng, người da đen, người da màu - đó là cách xếp loại chính thức của chính phủ đối với dân số Nam Phi. Bà được sắp vào hạng da màu:

“Chúng tôi không được phép chung đụng lẫn nhau. Chúng tôi có xe buýt riêng. Họ có xe buýt riêng. Chúng tôi có trường học của chúng tôi. Họ có trường học của họ, trường học của người da trắng. Và đại loại như thế. Đó là cách thức chúng tôi lớn lên, chúng tôi sống.”

Tuy nhiên bà Williams-de Bruyn nói trong số những luật lệ kỳ thị, luật về giấy tờ cho phép sống và đi lại tại quốc gia da trắng Nam Phi là tệ hại nhất:

“Đàn ông phải mang theo và phải xuất trình khi cảnh sát hỏi. Do đó nếu bạn là đàn ông mà không có giấy này bạn bị bắt bỏ tù. Và luật này được nới rộng áp dụng cho cả phụ nữ. Và đó là lúc phụ nữ nổi loạn.”

Bà nói thêm phụ nữ sợ bị đối xử như thế và bị làm nhục mà đàn ông phải chịu đựng trong nhiều năm. Nếu giấy tờ hợp lệ không xuất trình nhanh chóng khi bị cảnh sát yêu cầu, đời sống của người đàn ông gặp nguy hiểm. Bà nói:

“Nhiều người đàn ông mất tích và họ được đưa khỏi nhà tù đến những nông trại của người Nam Phi gốc châu Âu Afrikaner. Những người này có những phần đất nông nghiệp rộng lớn và những người đàn ông được đưa tới những nông trại để đào khoai tây, thỉnh thoảng chỉ bằng tay không. Một cuộc nghiên cứu về sự mất tích của các tù nhân và khám phá ra việc này.”

Những nhóm tách biệt khác nhau thành lập các tổ chức chính trị của riêng họ được biết dưới tên là các nghị hội và được những người da trắng có cảm tình với lý tưởng của họ gia nhập. Các phụ nữ bắt đầu tổ chức tuần hành đến văn phòng Thủ tướng tại Pretoria. Họ có kế hoạch đệ trình những kiến nghị phản đối luật phải có giấy tờ cho phép sống và đi lại tại Nam Phi. Những nỗ lực của họ được sự chú ý của nhà hoạt động nổi tiếng Walter Sisulu, lúc đó là Tổng Thư Ký của Nghị hội Quốc gia châu Phi.

Ông bày tỏ sự quan tâm về an toàn của những phụ nữ đến các nhà lãnh đạo của tổ chức gồm có Helen Joseph, Rahina Moosa và Lillian Ngoyi.

“Ông Walter Sisulu hỏi những phụ nữ –và ông hơi khó chịu- ông hỏi, này các bà, các bà có biết đang làm gì không? Và bà Helen và Lillian không lúng túng và ông hỏi tiếp các bà có nghĩ là các bà đang đặt các phụ nữ vào tình trạng nguy hiểm không? Bà Helen và bà Lillian nói không, chúng tôi không đưa họ vào vòng nguy hiểm. Và ông Walter hỏi tiếp: Nhưng các bà sẽ làm gì nếu bị bắt? Bà Lillian nói nếu chúng tôi bị bắt chúng tôi biết phải làm gì. Chúng tôi sẽ có những nhà lãnh đạo khác thay thế. Chúng tôi có một đội quân lãnh đạo thứ hai.”

Tuy nhiên bà Williams-de Bruyn nói các phụ nữ không cho ông Sisulu biết tất cả những kế hoạch về đạo quân lãnh đạo thứ hai của họ:

“Sự thật là bà Lillian không nói với ông Sisulu về kế hoạch thực sự chúng tôi có. Kế hoạch thực sự là nếu cảnh sát đến và bắt giữ chúng tôi thì phụ nữ sẽ quì xuống trước chúng tôi và họ sẽ không có thể bắt giữ tất cả mọi người. Và họ sẽ ca hát và cầu nguyện. Bà không nói với ông Walter việc này.”

20.000 phụ nữ đã tuần hành đến văn phòng của Thủ tướng J.G. Strijdom. Bốn nhà lãnh đạo sẵn sàng đệ trình kiến nghị. Bà Williams-de Bruyn cho biết:

“Bà Lillian gõ cửa. Một người thư ký da trắng mở cửa. Và khi bà Lillian yêu cầu được gặp ông Strijdom, người thư ký này nói ông Strijdom không có mặt. Và bà nói ông có mặt tại đây vì ông biết chúng tôi đang đến. Do đó bà Lillian mang xấp hồ sơ của bà đặt vào người thư ký này. Và ông này không muốn nhận do đó bà Helen cũng đặt tập hồ sơ của bà vào người ông này. Do đó ông này bị tràn ngập hồ sơ và một số rơi xuống sàn và số còn lại chúng tôi vứt lên bàn và ra về. Bà Lillian nói ông hãy đưa những hồ sơ này cho cấp chỉ huy của ông.”

Bà Williams-de Bruyn nói sự can đảm mà những người biểu tình đã chứng tỏ mở đường cho phụ nữ nắm giữ chức quyền.

Một năm sau cuộc tuần hành, các nhà lãnh đạo chống apartheid thúc đẩy bà rời khỏi nước vì lý do an toàn. Bà và hai con sang Zambia nơi chồng bà ông Benny là mục tiêu của chính phủ Nam Phi sống lưu vong. Trong khi hai vợ chồng và các con chỉ trở về nước vào năm 1990, cả hai tiếp tục những nỗ lực chống apartheid và có cơ hội gặp ông Nelson Mandela sau khi ông được ra khỏi tù. Chồng của bà chết vào năm 1999.

Bà Williams-de Bruyn trong nhiều năm nhận được nhiều giải thưởng và được vinh danh nhiều lần và đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. Bà được Tổng thống Mbeki trao giải thưởng Mahatma Gandhi vào tháng 10 năm 2001.

Bà nói bây giờ là lúc trao lại ngọn đuốc cho thế hệ phụ nữ trẻ:

“Việc giải phóng phụ nữ chưa trở thành hiện thực. Còn nhiều việc tốt lành cho phụ nữ vì những gì chúng tôi đã bắt đầu và những gì phụ nữ trước chúng tôi đã bắt đầu. Bởi vì đã có những cuộc tuần hành đầu những năm 1913-cách đây 100 năm.”

Điều cốt yếu đối với các em gái và thiếu nữ là hoàn tất học vấn:

“Bạn có thể nói với các em là bầu trời có giới hạn, nhưng từ những gì tôi biết, có nhiều điều vượt quá bầu trời mà các em có thể vươn tới.”

Để vinh danh những người đã tham dự cuộc tuần hành năm 1956, hàng ngàn phụ nữ tổ chức lại sự kiện này trong năm nay bằng cách đi bộ 3 kilômét rưỡi đến tòa thị chính.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG