Đường dẫn truy cập

Mỹ: TQ đặt giàn khoan gần Việt Nam là hành động 'khiêu khích'


Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC.
Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC.
Hoa Kỳ nói việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới một khu vực của Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là hành động 'khiêu khích'.

Quyết định dời vị trí của giàn khoan nêu bật thái độ ngày càng táo bạo của Trung Quốc trong việc tranh giành các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Tại một cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Ba, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói rằng động thái này là 'không có ích lợi' và càng làm tăng thêm những căng thẳng trong khu vực.

Bà Psaki nói: “Xét những căng thẳng trong thời gian gần đây trong Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho giàn khoan hoạt động trong các vùng lãnh hải đang tranh chấp, là một hành động khiêu khích, không giúp ích gì cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Bà Psaki nói những sự cố như vậy chỉ ra nhu cầu của các bên tranh giành chủ quyền phải kiểm chứng các đòi hỏi chủ quyền của mình dựa trên luật pháp quốc tế và vận động để đạt những thỏa thuận về các loại hoạt động được cho phép trong các vùng tranh chấp.

Giàn khoan nước sâu được đặt tại vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam có 220 km, trong phạm vi vùng lãnh hải mà Hà nội tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Hà Nội 'quyết liệt phản đối' hoạt động khoan dầu và đòi Bắc Kinh dời giàn khoan đang được các tàu quân sự Trung Quốc dàn ở chung quanh bảo vệ.

Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định giàn khoan dầu này nằm trong một khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và nói rằng nhà chức trách Việt Nam không nên 'gây rối'.

Giàn khoan HD 981 thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc – gọi tắt là CNOOC, công ty dầu khí quốc gia lớn thứ 3 của Trung Quốc. Trước đây giàn khoan này đã được dùng tại vùng biển gần Hong Kong.

Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc hôm thứ Hai cảnh cáo tất cả các tàu bè phải lánh xa giàn khoan, ít nhất là trong phạm vi 5 km.

Ngoài Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh trong Biển Đông, một khu vực có tính chiến lược, và giàu tài nguyên dầu khí.

Các nước đòi chủ quyền tại đây tố cáo Trung Quốc là ngày càng dùng những chiến thuật hung hăng hơn để tranh giành chủ quyền tại vùng biển này. Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ khu vực này, dựa trên những bản đồ thời xa xưa.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG