Đường dẫn truy cập

Mỹ trông cậy Singapore, Indonesia tiếp tay xoa dịu căng thẳng Biển Đông


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chuyện tại một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Indonesia ở Jakarta, 3/9/12
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chuyện tại một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Indonesia ở Jakarta, 3/9/12
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang có mặt tại châu Á để thảo luận về những nỗ lực của các nước đồng minh của Mỹ là Indonesia và Singapore, nhằm giúp xoa dịu những căng thẳng về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong Biển Đông.

Sau các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Clinton nói rằng Hoa Kỳ, như mọi nước khác, có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, và các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở trong Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phát biểu:

“Chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực nên cộng tác với nhau để giải quyết tranh chấp mà không bị cưỡng ép, không bị trấn áp tinh thần, không bị đe dọa, và lẽ dĩ nhiên là không sử dụng vũ lực.”

Indonesia đã đóng một vai trò thiết yếu để đạt tiến bộ hướng tới mục đích đó, đặc biệt khi các bộ trưởng ngoại giao khu vực không đạt được thỏa thuận với nhau hồi tháng 7 vừa rồi. Singapore cũng thế.

Singapore đóng vai chủ động trong các nỗ lực trung gian hòa giải các cuộc tranh chấp tại Biển Đông trong khuôn khổ các quan hệ ngày càng lớn mạnh với Hoa Kỳ.

Ông Joshua Kurlantzich, một nhà phân tích các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại ở Washington, nói:

“Theo tôi nghĩ, Singapore ngày càng tách xa vai trò đã đóng từ trước tới nay, là vô cùng gần gũi với Hoa Kỳ, tuy nhiên Singapore hình như không đề cập công khai tới điều đó và vẫn cố gắng để duy trì vị thế là một nước giữ thế cân bằng. Tôi nghĩ chúng ta đang cùng Singapore tiến gần hơn tới một liên minh truyền thống.”

Nhà phân tích Justin Logan thuộc Viện Cato có trụ sở ở Washington, đồng ý rằng Singapore đang xích lại gần hơn với Washington, nhưng ông nói đây có thể không phải là một liên minh truyền thống. Ông Logan nói:

“Hoa Kỳ muốn có các nước đồng minh rất nhiệt thành. Trong khi tôi tin là người Singapore có khuynh hướng đi theo một lối tiếp cận dè đặt hơn, có tính toán và thận trọng hơn. Đúng là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Singapore đã cải thiện tốt hơn. Singapore được chú ý nhiều hơn ở Washington. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một mối quan hệ mật thiết, đôi khi sôi nổi mà Hoa Kỳ từng có trong quá khứ.”

Ông Logan nói Singapore hiểu vị thế của họ trước những tuyên bố chủ quyền khác biệt tại Biển Đông:

“Tất cả các bên đều muốn ngồi xuống để thảo luận với Singapore. Họ nhận thức được rằng ai cũng muốn thân thiện với Singapore. Với vị thế chiến lược của Singapore trong vụ này, tôi nghĩ Singapore đang tham gia trò chơi ngoại giao rất khôn khéo để làm bạn với tất cả mọi người vì mọi người đều muốn thân thiện với họ.”

Đây là một thế cân bằng mà nước láng giềng Indonesia chia sẻ. Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Natalegawa đã tiếp người tương nhiệm Trung Quốc và nhanh chóng xác định rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, không tìm cách gây áp lực với Trung Quốc.

Các tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ nằm trong lịch trình thảo luận của Ngoại trưởng Clinton ở Bắc Kinh và Brunei, cũng như tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương sẽ diễn ra ở Nga.

VOA Express

XS
SM
MD
LG