Đường dẫn truy cập

Mỹ, Ả Rập Xê Út đồng ý loại bỏ Tổng thống Syria ra khỏi quyền lực


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi, Hoàng tử Saud al-Faisal, tại Riyadh, ngày 4/11/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi, Hoàng tử Saud al-Faisal, tại Riyadh, ngày 4/11/2013.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út Saud al-Faisal tuyên bố hai nước đồng ý về mục tiêu loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad ra khỏi chính quyền. Nhưng hai bên bất đồng về cách thức nào là tốt nhất để thực hiện việc đó. Từ thủ đô Ả Rập Xê-út, thông tín viên VOA Scott Stearns tường thuật rằng Ông Kerry còn hội kiến Quốc vương Abdullah trong ngày hôm qua để thảo luận về Syria, Iran, Ai Cập và các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.

Ngoại trưởng Saud cho rằng các cơ quan truyền thông quá chú ý đến những bất đồng giữa Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ đã được tường thuật.

Tiếp theo các cuộc hội đàm hôm thứ hai ở Riyadh, Hoàng tử Saud nói bang giao thực sự dựa trên sự thành thực, cởi mở và thẳng thắn, vì thế điều tự nhiên là “các chính sách và quan điểm có thể đồng thuận về một số lãnh vực và bất đồng trong các lãnh vực khác.”

Các giới chức Hoa Kỳ tháp tùng ông Kerry cho biết các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Hoa Kỳ không oanh tạc các mục tiêu quân sự của Syria để tán đồng một kế hoạch gỡ bỏ vũ khí hóa học của nước này. Ðối với Riyadh, theo lời Hoàng tử Saud, can thiệp bẳng quân sự là một yêu cầu đạo đức.

“Nếu ta phải quyết định lựa chọn một phương án đạo đức để can thiệp hay không can thiệp, thì sự lựa chọng đó sẽ là gì? Liệu ta có để cho thảm kịch tiếp tục hay ta ra tay cứu giúp nếu có thể làm được?”

Ả Rập Xê-út đang giúp vũ trang cho phe nổi dậy chủ yếu là người Hồi giáo Sunni chống lại Tổng thống Assad.

Ông Kerry nói chính quyền Obama muốn một giải pháp thương nghị hơn, bởi vì Hoa Kỳ không có “quyền hợp pháp hay có lý do hoặc ý muốn ở giai đoạn này xen vào giữa một cuộc nội chiến.”

Nhưng ông cũng tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của các bất đồng về Syria như một vấn đề chiến thuật, chứ không phải mục tiêu.

“Ðã nhiều lần Ả Rập Xê-út tỏ ra là một đối tác không thể thiếu được. Nhưng một đối tác cấp thiết rõ ràng có các quan điểm độc lập và quan trọng của riêng mình. Và chúng tôi tôn trọng điều ấy.”

Các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út nghi ngại về việc cải thiện bang giao giữa Hoa Kỳ và Iran. Ðặc biệt, họ quan ngại về sự hỗ trợ của Iran dành cho Tổng thống Syria Assad và nỗ lực của Iran né tránh các biện pháp chế tài kinh tế gây khó khăn cho họ và đã được áp đặt vì sợ rằng Tehran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Phát biểu qua một thông dịch viên, Hoàng tử Saud nói các ý đồ của Iran đang được thử nghiệm.

“Ngay lúc này, bước quan trọng nhất mà họ có thể thực hiện là chứng tỏ thiện ý rút ra khỏi Syria và buộc cả đồng minh Hezbollah ở Liban cũng ra khỏi đó.”

Ông Kerry tái khẳng định sự cam kết của Washington đối với việc ngăn chặn Iran thủ đắc một quả bom hạt nhân và với việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực, bất kể các cuộc đàm phán trong tuần này ở Geneva về chương trình hạt nhân của Iran.

“Không có điều gì chúng tôi làm có liên quan đến cuộc thương nghị này sẽ thay đổi hay làm đảo lộn hoặc ngăn trở quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út và quan hệ trong khu vực này.”

Hoàng tử Saud nói cộng đồng quốc tế đã thất bại không bảo vệ được quyền lợi của người Palestine. Ông Kerry cho biết ông đã tường trình với ngoại trưởng Ả Rập Xê-út và Quốc vương Abdullah về các nỗ lực đạt được một giải pháp hai quốc gia cho vụ khủng hoảng Israel-Palestine.

Ả Rập Xê-út đang giúp tài trợ cho một chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn ở Ai Cập. Nhưng Hoa Kỳ lại đang ngưng một số viện trợ vũ khí cho Cairo vì các vụ bạo động tiếp theo cuộc đảo chính hồi tháng 7 lật đổ nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu lên theo thể thức dân chủ ở nước này.

Ông Kerry nói Hoa Kỳ đang hợp tác với Ả Rập Xê-út để hướng tới một sự chuyển biến kinh ế ở Ai Cập tạo điều kiện cho một cuộc chuyện tiếp qua một “chính phủ ổn định, dân chủ, bao gồm nhiều thành phần và do dân sự lãnh đạo.”

Từ Ả Rập Xê-út, ông Kerry đến Ba Lan để mở các cuộc hội đàm về thương mại và đầu tư cũng như huấn luyện quân sự hỗn hợp. Trong chuyến công du 10 ngày, ông cũng dự trù đi thăm Jordan, Israel, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Algeria và Marốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG