Đường dẫn truy cập

Tâm sự của nữ sinh Việt đầu tiên tại trường ĐH điếc duy nhất của thế giới


Shugaba Barack Obama ya ziyarci gidan 'Bob Marley' a Jamaica, Afrilu 8, 2015.
Shugaba Barack Obama ya ziyarci gidan 'Bob Marley' a Jamaica, Afrilu 8, 2015.
Trường đại học Gallaudet ở thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ, là trường đại học duy nhất trên thế giới có các chương trình và dịch vụ được thiết kế đặc biệt dành cho các sinh viên điếc hoặc bị lãng tai. Một đạo luật do Quốc hội thông qua chính thức thành lập ngôi trường vào năm 1864. Bản hiến chương về quyết định thành lập trường do cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln ký. Hiện nay, trường có sáu phần trăm là sinh viên quốc tế. Vào năm 2013, trường đã có thêm sự xuất hiện của một sinh viên người Việt Nam đầu tiên. Chị là Thủy Tiên, cô gái đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Chị đã chính thức trở thành sinh viên của trường Gallaudet với một suất học bổng toàn phần bao gồm học phí, vé máy bay, và chi phí ăn ở tại trường. VOA Tiếng Việt đã có dịp nói chuyện với chị qua Skype để hiểu rõ hơn về hành trình tới Mỹ thực hiện mục tiêu lấy tấm bằng thạc sĩ về giảng dạy Ngôn ngữ Ký hiệu (NNKH).

Trở về căn phòng tại ký túc xá tại trường sau một ngày dài tình nguyện giúp các tân sinh viên học kỳ mùa xuân hoàn thành thủ tục làm hồ sơ nhập học và nhận phòng trong ký túc xá, chị Tiên kể cho VOA nghe về chuyến đi du lịch vừa rồi trong đợt nghỉ đông. Chị nói đây là lần đầu tiên chị đi du lịch thành phố New York. Chị đã xem nhiều lần những hình ảnh về Tượng Nữ thần Tự do và Times Square (Quảng trường Thời đại) trên tivi và báo chí, vì vậy mà khi đặt chân đến đây, chị đã cảm thấy xúc động.

Chapel Hall, một khu giảng đường của trường Gallaudet
Chapel Hall, một khu giảng đường của trường Gallaudet
Được biết, học bổng WDL mà chị đăng ký là do đơn vị Nippon của Nhật Bản hợp tác với trường Gallaudet thành lập. Thông qua sự giới thiệu của giáo viên, chị đã thông báo cho bạn bè đăng ký cùng. Chị Tiên cho biết, hồ sơ xét tuyển bao gồm lịch sử học tập, thành tích học tập ở trường phổ thông, bảng điểm, và một bài viết trình bảy về một dự án nhỏ cho tương lai sau khi tốt nghiệp Gallaudet. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký, chị Tiên nói rằng chị đã rất ngạc nhiên khi nghe tin vui và cũng không tin rằng mình vừa giành được một suất học bổng toàn phần lấy bằng thạc sĩ ngành giảng dạy NNKH. Suất học bổng của chị bao gồm học phí, vé máy bay, và chi phí ăn ở. Trong khi đó, gia đình và bạn bè của chị ở Việt Nam thì đều ủng hộ chị.

Lý do chị quyết định sang Mỹ du học bởi lẽ chị muốn cải thiện quan điểm của cộng đồng xã hội Việt Nam về nhu cầu, về NNKH, và về khả năng của cộng đồng người điếc ở Việt Nam.

Lý giải cụ thể hơn về những điều này, chị Tiên chia sẻ, thứ nhất, xã hôi ở Việt Nam vẫn chưa tin vào khả năng làm việc và học tập của người điếc. Ví dụ như việc đa số người bình thường nghi ngờ người điếc làm giáo viên. Hay hiện tại, mới chỉ có bảy giáo viên điếc đi làm.

Một buổi thảo luận trong lớp học tại trường Gallaudet
Một buổi thảo luận trong lớp học tại trường Gallaudet
Thứ hai, xã hội cũng chưa hiểu biết rõ về NNKH của người điếc. Chị cho biết, mọi người nghĩ rằng NNKH là do người nghe nói bình thường sáng tạo ra cho người điếc, nhưng thực ra, NNKH là ngôn ngữ mẹ đẻ của người điếc. Cũng giống như các ngôn ngữ khác trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Việt, NNKH của mỗi nước là khác nhau. Thế giới không có một NNKH chung nào cho tất cả người điếc sống ở các nước. Việt Nam, Thái Lan, Mỹ hay bất kỳ nước nào đều có hệ thống NNKH của riêng nước đó. Ví dụ, vào năm 2002, chị đã đến Mỹ và giao tiếp với người Mỹ nên đã biết sơ qua về NNKH của Mỹ. Do đó trong lần này tới Mỹ để du học, chị đã bắt kịp và giao tiếp nhanh với mọi người bằng NNKH của Mỹ, đồng thời vẫn đang trau dồi vốn tiếng Anh của mình. Chị Tiên chia sẻ, khi tới một quốc gia mới, ban đầu thì chị thường giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể, cử chỉ, điệu bộ, biểu cảm trên mặt. Sau đó chị sẽ dần dần học NNKH tại địa phương đó. Chị cho biết nếu giao tiếp nhiều thì việc học và thông thạo một NNKH mới là rất nhanh.

Một buổi trao đổi của các sinh viên theo học ngành thông dịch ngôn ngữ ký hiệu ở Gallaudet
Một buổi trao đổi của các sinh viên theo học ngành thông dịch ngôn ngữ ký hiệu ở Gallaudet
Ngoài ra, chị cũng nhấn mạnh rằng người điếc có khả năng làm việc như những người khác. Ví dụ, trong quá trình xét tuyển thông dịch viên NNKH trên truyền hình, thay vì tìm giáo viên nghe nói bình thường giảng dạy ở các trường chuyên biệt, những giám khảo xét tuyển thông dịch viên NNKH cần là những người điếc vì điều đó sẽ phù hợp hơn và tạo cơ hội cho người điếc được làm việc bình đẳng như những người khác.

Và cuối cùng, chia sẻ quan điểm về việc dùng từ ‘Điếc’ hay ‘Khiếm thính,’ chị Tiên cho biết chị muốn mọi người dùng từ ‘Điếc.’ Chị chia sẻ rằng, theo quan điểm của những người nghe nói bình thường, nếu dùng từ ‘Điếc’ thì họ sẽ thấy áy náy và tội nghiệp người điếc vì từ điếc nghe nặng, giống như xúc phạm, tuy nhiên người điếc thì coi đây là chuyện bình thường.

Theo thông tin trên website của Trung tâm Nghiên cứu-Thúc đẩy Văn hóa Điếc của Đại học Đồng Nai, tác giả Hòa Nguyễn, đồng thời là cựu giáo viên của chị Tiên, có một bài viết về sử dụng ‘Khiếm thính’ hay ‘Điếc.’ Theo tác giả, "Khiếm thính" theo nghĩa Hán Việt có hai nghĩa. Một là "mất khả năng nghe". Những người điếc từ khi lọt lòng mẹ thì họ vốn đã không có khả năng nghe cho nên họ không thể mất đi khả năng mà họ chưa từng có được. Nghĩa thứ hai là "thiếu khả năng nghe". Khi chúng ta gọi họ là "thiếu khả năng nghe" đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta cho bản thân mình - "người Nghe" - là người có đầy đủ khả năng hơn họ, không thiếu khả năng nghe, còn họ - "người Điếc" - thì thiếu khả năng đó.

Khi những người tự gọi mình là Điếc có nghĩa là họ nhìn nhận một sự thực về bản thân họ là họ không nghe được. Và điều đó giúp họ nhận ra được là có những người thì nghe được. Như vậy thế giới được chia thành nhóm người khác biệt: nghe và không nghe.

Chị Thủy Tiên thuyết trình về văn hóa Việt Nam
Chị Thủy Tiên thuyết trình về văn hóa Việt Nam
Theo tác giả bài viết, trong cách phân tính như thế, những người nghe thì tạo ra ngôn ngữ giao tiếp với nhau dựa trên những âm thanh và ngôn ngữ này thể hiện qua lời nói. Còn những người không nghe được thì họ tạo ra ngôn ngữ theo hình ảnh mà họ nhìn thấy và được thể hiện qua bàn tay, gọi là ngôn ngữ ký hiệu.

Năm 2014 là năm đầu tiên chị Thủy Tiên ăn Tết xa nhà, trong không khí Tết đến xuân về, chị tâm sự rằng, chị rất nhớ gia đình và thèm những món ăn do người mẹ thân yêu của chị nấu. Nhưng trước mắt, chị vẫn cần hoàn thành nốt kỳ học năm nay cho việc học tiếng Anh. Sau năm nay, chị dự định sẽ đăng ký chương trình Special Master cũng tại Gallaudet kéo dài một năm để tìm hiểu thêm về chuyên ngành. Nếu trình độ tiếng Anh đạt qua hai bài thi chuẩn hóa là Toefl iBT và GRE, chị sẽ thi thẳng vào chuyên ngành để thực hiện những ước mơ, mục tiêu của mình trong tương lai.

Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Hồng Hoa và ban Việt ngữ xin được gửi lời cám ơn quý vị đã đồng hành với chuyên mục Câu chuyện Phụ nữ trong năm qua. Xin chúc quý vị một năm mới an khang, mạnh khỏe, và hạnh phúc.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG