Đường dẫn truy cập

Lợi và hại trong khoản vay 1,1 tỉ đô la của Trung Quốc cho Nigeria


Một thương nhân Trung Quốc đứng bên trong cửa hàng của anh ở Lagos, Nigeria (hình lưu trữ)
Một thương nhân Trung Quốc đứng bên trong cửa hàng của anh ở Lagos, Nigeria (hình lưu trữ)
Các quan chức Nigeria cho biết khoản vay trị giá 1,1 tỉ đô la của Trung Quốc sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt và một nhà ga sân bay mới, giúp thúc đẩy nền kinh tế và giảm bớt khủng hoảng an ninh ở quốc gia này. Tuy nhiên, một số người Nigeria hoài nghi rằng khoản vay có thể chỉ là khoản tiền mà doanh nghiệp Trung Quốc bỏ ra để mua cơ hội làm ăn từ các quan chức tham nhũng Nigeria. Thông tín viên Heather Murdock tường trình từ Abuja.

Khoản vay được gọi là “khoản tín dụng ưu đãi” vì có những điều khoản thuận lợi. Lãi suất 2,5% là rất thấp so với lãi suất cho vay của các ngân hàng địa phương và Nigeria có 20 năm để trả nợ.

Chính phủ cho biết số tiền đó sẽ được sử dụng để phát triển những dự án ưu tiên trong ngành giao thông vận tải, bao gồm một hệ thống tàu cao tốc ở thủ đô và một nhà ga sân bay mới ở Lagos. Thành phố này là trung tâm tài chính của Nigeria và là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Anh Opeyemi Agbaje, một nhà hoạt động 29 tuổi, nói nếu hệ thống giao thông vận tải xuống cấp của Nigeria được tu sửa, thì đó sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc xóa bỏ tình trạng bần cùng rộng khắp và khủng hoảng an ninh dai dẳng ở Nigeria hàng nhiều thập kỷ. Anh cho biết:

"Hàng hoá sẽ được vận chuyển nhanh hơn. Tôi có thể ra chợ rồi mang hàng của mình đến nơi khác một cách nhanh chóng. Lạm phát sẽ giảm. Kinh tế cũng sẽ khá hơn và mức phát triển sẽ cao hơn. Nông sản sẽ được vận chuyển từ nơi này đến nơi khác."

Anh Agbaje nói khoản vay không hề là món quà biếu không mà là một thương vụ. Anh tin rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng khoản vay này để tăng cường sự hiện diện của mình ở Nigeria với ý định rõ ràng là khai thác nguyên liệu và bán hàng của Trung Quốc trên thị trường Nigeria. Anh nói thêm, Nigeria có rất nhiều nguyên liệu để bán và người tiêu dùng cũng không ít.

Tại một ngôi làng bên ngoài thủ đô, anh Orison Frederick, vừa tốt nghiệp cử nhân đại học, đứng trên con đường đất, gần một đống rác cao 3 mét. Anh nói rằng những dự án phát triển của Trung Quốc được lòng nhiều người Nigeria vì Trung Quốc mang công nghệ đến cho nước này, còn những nước khác chỉ mang tiền. Anh nói:

"Người Trung Quốc muốn bán ý tưởng của họ một cách dễ dàng. Họ muốn nước khác cũng phát triển được giống như họ."

Nhưng nhiều người Nigeria khác thì không lạc quan như vậy. Ông Bukhari Bello Jega là giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị, Giáo dục và Phát triển. Ông nói rằng Nigeria vẫn nhận được các khoản vay để xây dựng ngành giao thông vận tải từ nhiều năm nay, nhưng chưa thấy có gì cải thiện, phân nửa khoản tiền được kê khống trên hóa đơn, còn các quan chức tham nhũng thì chiếm số còn lại. Ông nói tiếp:

"Rốt cuộc thì những khoản vay đó chỉ phục vụ lợi ích của quan chức và tầng lớp đặc quyền cai trị, vì đó mới là những người thay mặt đất nước đứng ra ngã giá."

Ông Jega nói tình trạng tham nhũng ở châu Phi khiến cho sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu lục này trở nên nguy hiểm đối với dân thường. Ông nói trường hợp xấu nhất là Trung Quốc thâu tóm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường của châu Phi, trong khi lại vun đầy túi cho những kẻ có tiền và quyền.

Nhưng ông nói quay sang phương Tây cũng không ổn hơn, vì viện trợ của phương Tây thường có vẻ mang tính thực dân chủ nghĩa dưới vỏ bọc vị tha, gắn với những điều kiện về nhân quyền và quản trị mà không phải lúc nào cũng hợp lý trên thực tế.

Các công ty Trung Quốc nhan nhản khắp châu Phi xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện và các tòa nhà chính phủ, bao gồm trụ sở chính của Liên minh châu Phi tại Ethiopia. Ông Jega nói rằng viện trợ của Trung Quốc đến "không đi kèm ràng buộc."

"Trung Quốc đang xây dựng miễn phí rất nhiều cơ sở hạ tầng cho châu Phi để đổi lấy nguyên liệu. Về mặt lợi ích kinh tế, các nhà lãnh đạo châu Phi dễ cho phép Trung Quốc tiếp cận với nguyên liệu ở nước họ để đổi lấy phát triển cơ sở hạ tầng."

Ông Jega nói ông băn khoăn liệu mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa các nước châu Phi và Trung Quốc rồi đây sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc ra sao, vì cả hai nước này đều đang “rất khát” nguyên liệu. Căng thẳng này, theo ông, cuối cùng có thể sẽ dẫn tới một "trận chiến giành lấy linh hồn của châu Phi."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG