Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ cổ vũ phát triển kinh tế, dân chủ ở châu Phi


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lên đường đi thăm châu Phi hôm thứ Ba trong chuyến công du 11 ngày. Trọng tâm của chuyến đi là nhằm củng cố các định chế dân chủ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Ngoại trưởng Clinton sẽ đi thăm ít nhất 6 quốc gia trong chuyến đi lần này, kể cả: Nam Sudan, Uganda, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi.

Chặng dừng chân đầu tiên sẽ là Dakar. Tại đây, Ngoại trưởng Clinton sẽ đọc một bài diễn văn, mà theo thông cáo báo chí, sẽ ca ngợi “tính bền bỉ của các định chế của Senegal” và nêu bật “đường lối xây dựng đối tác của Hoa Kỳ.”

Ông J. Peter Phạm, Giám đốc Trung tâm Châu Phi Michael S. Ansari có trụ sở đặt ở Washington, nhận định rằng chuyến đi này phản ánh tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của vùng phía nam sa mạc Sahara của châu Phi đối với Hoa Kỳ. Ông Phạm nói:

“Không những chỉ các mối nguy tiềm tàng về một khu vực vô chính phủ rộng lớn có thể chứa chấp khủng bố và các tổ chức cực đoan khác, như chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây ở Somalia và Bắc Mali, mà còn vì Hoa Kỳ ngày càng lệ thuộc vào các nguồn năng lượng từ châu Phi, cả tại Bắc Phi lẫn vùng Vịnh Guinea. Hiện mức nhập khẩu năng lượng của Hoa Kỳ từ các khu vực này đã vượt mức nhập khẩu năng lượng của Mỹ từ vùng Vịnh Ba Tư.”

Đây là chuyến đi đầu tiên của ngoại trưởng Hoa Kỳ tới thăm Châu Phi, kể từ khi chính phủ của Tổng Thống Obama công bố chiến lược mới đối với vùng phía Nam sa mạc Sahara của Châu Phi hồi tháng Sáu năm nay.

Chính sách này có 4 cột trụ: củng cố các định chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mậu dịch và đầu tư; tăng tiến hòa bình và an ninh; và khuyến khích phát triển.

Ông Alex Vines là người đứng đầu chương trình châu Phi tại tổ chức nghiên cứu chính sách và tư vấn Chatham House cho rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Clinton là nhằm “quảng bá các hoạt động kinh doanh của các công ty Hoa Kỳ.”

Ông Vines nói: “Suốt năm qua, chính phủ của Tổng Thống Obama đã đẩy mạnh đáng kể các nỗ lực nhằm đảm bảo các công ty Mỹ tích cực vận động để được tiếp cận thị trường và tăng thị phần. Đó là mục đích của chuyến đi, cho nên có thể nói chuyến công du này chủ yếu có tính cách thương mại.”

Ông Vines nói việc Hoa kỳ tăng đầu tư thương mại sẽ có lợi cho châu Phi, địa điểm tập trung các nền kinh tế tăng nhanh nhất thế giới và cũng là nơi có đà gia tăng dân số nhanh nhất thế giới.

Ông Vines nói: “Đây cũng là một đáp ứng muộn trước những hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi. Tiểu vùng Sahara của châu Phi hiện được coi như một vùng đầy cơ hội, thay vì một khu vực có nhiều rủi ro, nơi mà theo truyền thống, các công ty Mỹ tỏ ra rất bảo thủ, ngoại trừ trong lãnh vực dầu mỏ.”

Tháng Sáu vừa qua, Ngoại trưởng Clinton đã đi thăm Ethiopia, Zimbabwe và Tanzania. Trong chuyến đi này, Ngoại trưởng Clinton đã nêu lên mối quan ngại về viện trợ của Trung Quốc và đường lối đầu tư của nước này tại châu Phi.

Bà Clinton nói những về mặt thực hành, các hoạt động đầu tư của Trung Quốc không luôn luôn phù hợp với các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận về sự minh bạch và quản lý tốt.

Ông Peter Phạm thuộc Trung tâm châu Phi Michael S.Ansari nhận định rằng chuyến đi lần này là một cơ hội cho Ngoại trưởng Mỹ để đưa ra những lập luận bênh vực các lợi ích của chính sách châu Phi của Mỹ, so với các giao dịch với những nước khác, kể cả Trung Quốc.

“Nêu bật sự tương phản giữa lối tiếp cận toàn diện, lâu dài của Hoa Kỳ sẽ mang lại lợi ích tối hậu cho các nước châu Phi và người dân ở lục địa này như một tổng thể, thay vì các thỏa thuận chỉ có lợi cho thành phần được ưu đãi về chính trị, hoặc các mối lợi ngắn hạn nhưng không bền vững trong trường kỳ.”

Nghị trình làm việc của Ngoại trưởng Clinton trong chuyến đi lần này gồm việc khích lệ các nền dân chủ thành công như tại Senegal và Malawi, hai quốc gia nơi diễn ra một sự chuyển giao quyền hành ôn hòa trong năm nay, một chặng dừng chân chiến lược tại Uganda và Kenya để bàn thảo về về các vấn đề an ninh khu vực.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Ngoại trưởng Clinton cũng sẽ đến thăm Nam Sudan, quốc gia mới nhất của luc địa này để “tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ và khuyến khích tiến bộ trong các cuộc thương thuyết với Sudan hầu có thể đạt được một thỏa thuận về an ninh, dầu mỏ và quốc tịch.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra hạn cho hai nước Sudan, phải đạt được một thỏa thuận hòa bình trước ngày thứ Năm tuần này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG