Đường dẫn truy cập

Liệu việc điều chỉnh lại mối quan hệ Mỹ-Nga có tiếp tục hay không


Cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền Clinton, ông William Cohen.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền Clinton, ông William Cohen.
Tổng thống Barack Obama đã xem mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga là nền tảng chính sách đối ngoại của ông.

Trong chính quyền đầu tiên của ông, việc “điều chỉnh” mối quan hệ mang lại được một số kết quả cụ thể, gồm có một hiệp ước chiến lược quan trọng về kiểm soát vũ khí giảm bớt con số những vũ khí hạt nhân tầm xa.

Các nhà phân tích nêu lên một ví dụ nữa là lập trường cứng rắn hơn của Moscow về Iran. Tại Liên Hiệp Quốc, Nga bỏ phiếu trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Tehran về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này-một chính sách được Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác ủng hộ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền Clinton, ông William Cohen nói cộng đồng quốc tế phải tiếp tục làm áp lực lên Iran để nước này từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân.

Ông Cohen nói:

“Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự bất ổn định trong vùng và những nghi vấn là liệu có hành động quân sự nào trong tương lai hay không. Chúng ta hy vọng điều này sẽ không xảy ra nhưng tôi nghĩ là tất cả các quốc gia đều quan tâm đến việc phòng ngừa điều này và tôi có thể nói là Nga, Trung Quốc, và các nước phác phải tham dự vào.”

Hợp tác của Moscow về Afghanistan

Các nhà phân tích nói một dấu hiệu khác của sự hợp tác chặt chẽ Mỹ-Nga là quyết định của Moscow cho phép lực lượng Hoa Kỳ quá cảnh Nga khi đi và đến Afghanistan.
Moscow cũng đã cho Hoa Kỳ sử dụng một căn cứ quân sự của Nga tại Ulyanovsk, cách biên giới Kazakhstan 300 kilômét về phía tây bắc. Trung tâm tiếp vận này sẽ đóng một vai trò quan trọng khi những lực lượng Hoa Kỳ giảm bớt sự có mặt tại Afghanistan trong hai năm tới.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Brent Scrowcroft, phục vụ dưới thời Tổng thống Gerald Ford và George Herbert Walker Bush, nói Moscow và Washington không còn là kẻ thù như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ông Scowcroft nói:

“Nếu chúng ta nhìn chung quanh thế giới, chúng ta không có những khu vực đối đầu không thể tránh được và tranh chấp hoặc với Nga hay với Trung Quốc. Và chúng ta phải nỗ lực và lợi dụng điều này.”


Hoa Kỳ và Nga bất đồng về Syria

Trong khi có những phát triển tích cực về kiểm soát vũ khí, Afghanistan và Iran, các chuyên gia nói Washington và Moscow vẫn chia rẽ về một số vấn đề trọng yếu—gồm cả việc làm thế nào đối phó với cuộc khủng hoảng tại Syria.

Chính quyền Obama đã kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Moscow chống lại việc này và đã phủ quyết một vài nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một số áp đặt những trừng phạt kinh tế đối với Syria.

Tuy nhiên mới đây, Moscow đã tự tách rời khỏi ông Assad. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói nhà lãnh đạo Syria càng ngày càng mất kiểm soát đất nước, việc này có thể dẫn đến chiến thắng của đối lập.

Vấn đề Lá chắn Phi đạn gây tranh cãi

Một lãnh vực bất đồng khác là kế hoạch của chính quyền Obama thiết lập một lá chắn phòng thủ phi đạn đạn đạo tại châu Âu.

Washington và các đồng minh nói lá chắn được thiết lập để bảo vệ châu Âu chống lại một cuộc tấn công bằng phi đạn có thể xảy ra của những quốc gia như Iran. Moscow nói hệ thống chống phi đạn, khi được thiết trí- sẽ vô hiệu hóa lực lượng phi đạn đạn chiến lược của Nga khiến nước này dễ bị phương Tây tấn công.

Nhiều nhà phân tích nói đối với một vấn đề khác, chính quyền Obama không đủ cứng rắn để lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin đàn áp các xã hội dân sự.

Ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc dưới chính quyền George W. Bush nói:

Ông John Bolton
Ông John Bolton
“Đây là một thước đo sự tự tin của ông Putin là ông có thể hành động không sợ Hoa Kỳ trả đũa. Việc này giúp ông mạnh dạn đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, đàn áp trong lãnh vực kinh tế, thực sự nỗ lực thiết lập quyền hành-không theo kiểu cộng sản, nhưng theo một phương cách truyền thống của một chính quyền trung ương rất mạnh.”

Hoa Kỳ phải bênh vực Nhân quyền tại Nga

Ông William Cohen nói Hoa Kỳ phải bênh vực nhân quyền một cách mạnh mẽ:

“Chúng ta phải thường xuyên nêu vấn đề nhân quyền, sự cởi mở trong chính phủ, và chỉ trích bất cứ âm mưu nào đàn áp tiếng nói của người dân. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận là chúng ta sẽ phải đối phó với Nga, chúng ta nên làm việc này cởi mở, thành thực. Và công nhận là việc này không dễ dàng, và họ có quan điểm riêng của họ về điều gì đúng và điều gì có thể cho phép tại Nga. Điều chúng ta có thể làm là giữ ngọn lửa tự do. Và chúng ta không thể áp đặt việc này.”

Nhiều chuyên gia nói sẽ rất thích thú chứng kiến nếu trong nhiệm kỳ hai của mình, Tổng thống Obama đành nhiều năng lực cho mối quan hệ Mỹ-Nga như ông đã làm trong chính quyền đầu tiên.

VOA Express

XS
SM
MD
LG