Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc sắp biểu quyết về nghị quyết Crimea


Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power, phải, phát biểu trong 1 cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về cuộc khủng hoảng Ukraina, 13/3/2014
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power, phải, phát biểu trong 1 cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về cuộc khủng hoảng Ukraina, 13/3/2014
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm nay sẽ biểu quyết về một nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo nhằm hối thúc các nước trên thế giới không thừa nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra ở vùng Crimea của Ukraina.

Cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật này chỉ dành cho cư dân ở Crimea hai sự lựa chọn: sáp nhập vào Nga hoặc tăng cường đáng kể quyền tự trị bên trong Ukraina. Theo dự liệu, đa số cử tri ở khu vực ven bờ Hắc hải này sẽ chọn việc sáp nhập vào Nga. Crimea là nơi đa số cư dân là người nói tiếng Nga và là nơi hải quân Nga đã đặt căn cứ từ thế kỷ thứ 18.

Các nhà ngoại giao cho biết họ dự kiến Nga sẽ phủ quyết nghị quyết này của Hội đồng Bảo an. Trong khi đó, những người ủng hộ nghị quyết nói rằng 13 trong số 15 thành viên của Hội đồng sẽ bỏ phiếu chấp thuận.

Trung Quốc chưa cho biết họ sẽ biểu quyết như thế nào. Nếu đồng minh thân cận của Moskova này bỏ phiếu trắng, điều đó sẽ chứng tỏ Nga bị cô lập rất nhiều trong cộng đồng quốc tế.

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật này “không thể có hiệu lực.”

Ngày hôm nay, hàng vạn người đã tụ tập ở trung tâm thành phố Moskova để tham gia những cuộc biểu tình đối nghịch nhau về vấn đề Crimea.

Những người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý đã vẫy cờ Nga và cờ Liên Sô trong lúc tuần hành tới Quảng trường Cách mạng. Nhiều người mặc trang phục giống nhau với hai màu đỏ và đen.

Những người chống đối vẫy cờ Ukraina và cờ Nga. Một số người tỏ ý lo ngại là sự can thiệp của Nga ở Crimea có thể đưa tới chiến tranh.

Trong khi đó, các quan sát viên quốc tế hôm nay bắt đầu tới Crimea để theo dõi cuộc đầu phiếu ngày mai. Những người này được Nga và các giới chức Crimea thân Nga mời đến.

Ông Alexander Simov, một nhà báo Bulgarie trong toán quan sát viên, nói với đài VOA ông tin rằng cuộc đầu phiếu này là hợp pháp. Một quan sát viên khác, giáo sư Johan Backman của Đại học Helsinki, nói rằng các cường quốc Tây phương không hiểu rõ tình hình ở Crimea.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng nếu Nga chấp nhận Crimea tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga thì đó sẽ là “một sự thôn tính cửa sau” bất hợp pháp.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ sáu cho biết ông vẫn hy vọng có được một giải pháp ngoại giao. Nhưng ông Kerry nói rằng rõ ràng là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không thực hiện hành động nào cho tới sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG