Đường dẫn truy cập

Dạy đọc (3): Lấy học sinh làm trung tâm


Dạy đọc (3): Lấy học sinh làm trung tâm
Dạy đọc (3): Lấy học sinh làm trung tâm

Lời tác giả: Khi đăng loạt bài “Dạy tiếng Việt: Dễ hay khó?”, tôi nhận được khá nhiều email, chủ yếu từ phụ huynh và các thầy cô giáo dạy tiếng Việt rải rác khắp nơi, hỏi thăm về các phương pháp dạy tiếng Việt. Phần lớn tập trung vào một vấn đề cụ thể: Có nên sử dụng phương pháp đánh vần để dạy tiếng Việt hay không?

Tôi viết loạt bài này xin thay cho câu trả lời với từng người thăm hỏi. NHQ

***

Chúng ta thử so sánh "Tình huống 1" trong kỳ trước với "Tình huống 2" sau đây:

Cô giáo phát cho mỗi em một bức tranh với dòng chữ "Năm nay bà nội em năm mươi tuổi. Bà hay cười và rất sợ muỗi."[1] Rồi cô đọc, các em đọc theo. Vài lần như thế. Khi biết chắc các em đã đọc đúng, cô giáo hỏi:

"Các em cho cô biết chữ 'là' gần giống với chữ gì trong các câu trong truyện?"

Không khó khăn gì lắm để các em phát hiện ra đó chính là chữ "bà".

Cô giáo viết lên bảng chữ "bà" và chữ "là". Rồi cô hỏi học sinh:

"Các em có biết chữ 'và' viết thế nào không? Cô mách các em một điều: chữ ấy bắt đầu với âm 'v'."

Dĩ nhiên là các em sẽ có thể viết ngay được chữ "VÀ".

B À

N Ộ I

L À

V À

Cô giáo viết chữ "và" trên bảng và đọc chậm cả ba chữ "bà", "là" "và". Các em đọc theo. Cô giáo đọc lại lần nữa, thật chậm, nhấn mạnh vào các phụ âm đầu để các em nhận ra sự khác biệt giữa "b", "l" và "v".

Cô giáo lại hỏi tiếp:

"Trong mấy câu trong truyện, chữ gì gần giống với chữ "lội'?"

Các em sẽ đáp: "Nội".

Cô giáo hỏi tiếp:

"Bây giờ các em thử viết chữ 'lội' cho cô xem."

Chỉ cần một chút gợi ý, chắc chắn các em sẽ viết được chữ "lội" vì đã học cả phụ âm "l" và vần "ội".

Cô giáo lại hỏi tiếp:

"Chữ 'vội' viết như thế nào?"

Đã từng có kinh nghiệm với chữ "lội", chắc chắn các em sẽ viết được chữ "vội" theo các khuôn âm "và" và "nội".

B À

N Ộ I

L À

L Ộ I

V À

V Ộ I

Cô giáo lại chuyển sang hoạt động khác:

"Bây giờ các em hãy đọc lại câu chuyện 'Năm nay bà nội em năm mươi tuổi. Bà hay cười và rất sợ muỗi'. Các em hãy tìm thử trong hai câu ấy có những chữ nào giống hẳn nhau và những chữ nào gần giống nhau?"

Câu trả lời hẳn sẽ là:

Giống nhau: năm (nay) - năm (mươi)

Gần giống: nay - hay (cười)

mươi - cười

tuổi - muỗi

Cô giáo lại hỏi:

"Các em nói cho cô biết chữ gì gần giống với chữ 'nay' và 'hay' trong truyện?"

Nếu các em thường nói tiếng Việt ở nhà với bố mẹ, có lẽ các em sẽ biết được một số chữ như "tay", "bay", ""cay ", "gay", "ngay", "chay", v.v... Cô giáo viết tất cả các chữ ấy trên bảng. Sau đó, sẽ dạy cho các em cách đọc tất cả các chữ ấy. Khi dạy, cô nhấn mạnh vào các phụ âm đầu để học sinh có thể nhận ra sự khác biệt giữa các chữ ấy với nhau. Sau đó, trên cơ sở các khuôn âm mới này và khuôn âm "nội", "lội", "vội" đã học, cô giáo yêu cầu các em viết các chữ: tội, bội, cội, gội, hội.

Chắc chắn các em sẽ viết được.

Giáo viên là trung tâm hay học sinh là trung tâm?

So sánh hai tình huống 1 và 2, chúng ta sẽ thấy ngay ưu và khuyết điểm của hai phương pháp dạy đọc theo cách đánh vần và cách không đánh vần.

Dạy theo cách đánh vần (tình huống một), cô giáo là trung tâm ban bố và phân phối kiến thức. Cô đọc "a-bờ a ba"; các em đọc theo "a-bờ a ba". Như những con vẹt. Chắc chắn đầu óc trẻ thơ của các em không thể nào hiểu được mối quan hệ giữa những "a - bờ - a - ba" ấy. Từng âm vị, chúng hoàn toàn vô nghĩa. Các em lại càng không thể nào hiểu được tại sao các em lại phải quác miệng ra đọc đi đọc lại những âm, những chữ vô nghĩa như thế. Dạy những điều mà người đi học vừa không hiểu nội dung vừa không hiểu lý do, thực chất, là một cách nhồi sọ. Chứ còn gì nữa?

Tôi gọi cách dạy đánh vần củng cố tính thụ động và làm thui chột óc sáng tạo của học sinh, hay nói cách khác, một phương pháp phản - sư phạm là vì thế.

Cách dạy trong tình huống thứ hai thì khác hẳn. Cô giáo chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Còn việc tìm kiếm câu trả lời là của học sinh. Trong các câu trả lời của các em, có ba điều này đáng chú ý:

Phát hiện ra các khuôn vần (a/ội/ăm/ay/ươi/uổi).
Phát hiện ra các phụ âm đầu (b/l/v)
Phát hiện mối quan hệ giữa các từ khác nhau (chủ yếu là mối quan hệ ngữ âm giữa những từ có cùng phụ âm đầu hoặc cùng khuôn vần)

Phát hiện ra ba điều trên, thật ra, cũng là phát hiện ra một phần của bản chất ngôn ngữ vốn, trước hết, dựa trên âm thanh và các quan hệ.

Nhưng ba phát hiện trên, tuy đáng chú ý, nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Quan trọng hơn là ba điểm này:

  • Chính các em là những người đi đến những phát hiện ấy. Chứ chúng không có sẵn hoặc chỉ được ban bố.

    Như là hệ quả của việc trên, các em sẽ thấy vui hơn, không khí lớp sinh động hơn, phần đóng góp của các em lớn hơn, và hệ quả của những điều này là, một, nhớ kỹ và nhớ lâu hơn (vì do chính mình tìm ra); hai, thấy tự tin hơn; và ba, hứng khởi và có động cơ học tập mạnh hơn, từ đó, càng dễ tiến bộ hơn.

    Nhờ hiểu sâu, các em không những biết cách đọc mà còn biết cả cách viết nữa.

    Như vậy, sự khác biệt giữa hai tình huống 1 và 2 ở trên không phải chỉ là sự khác biệt giữa cách đánh vần và cách không đánh vần. Nó còn là sự khác biệt giữa các phương pháp luận đối nghịch, chẳng hạn, giữa chủ trương xem giáo viên là trung tâm (teacher-centred) và chủ trương xem học sinh mới là trung tâm (student-centred), giữa cách tiếp cận dựa trên hình thức (form-based approach) và cách tiếp cận dựa trên nội dung (content-based approach), giữa việc nhồi nhét vào trí nhớ (memory-based) và việc thực hành (task-based), giữa phương pháp thính thị truyền thống và phương pháp giao tiếp ngôn ngữ thông dụng từ mấy chục năm nay. Nghỉa là, nói cách khác, giữa sự lỗi thời và sự tân tiến.

Không cần thiết

Nếu ở trong nước, với việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ nhất, người ta có thể nêu lên lý do này lý do nọ để từ chối thay đổi, ở hải ngoại, trong việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, người ta không có lý do gì để tiếp tục một thói quen lỗi thời và có nhiều tai hại như vậy cả. Nhất là, nên lưu ý, hầu hết học sinh hoặc sinh viên học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai đều đã học, với những mức độ khác nhau, ngôn ngữ thứ nhất – hoặc, với trẻ em gốc Việt, ngôn ngữ chính thống ở nơi định cư, nghĩa là đã có kinh nghiệm về học chữ rồi.

Điều này giải thích lý do tại sao hầu như tất cả các sinh viên Úc, dù chưa biết bất cứ một chữ tiếng Việt nào cả, vẫn có thể đọc gần đúng câu tôi tự giới thiệu như đã kể ở trên. Sinh viên Úc còn thế, học sinh gốc Việt, vốn đã ít nhiều học tiếng Việt trong gia đình với bố mẹ, chắc chắn còn có khả năng đọc được dễ dàng và chính xác hơn.

Bởi vậy, xin nhấn mạnh lại một lần nữa: Việc dạy đánh vần hoàn toàn không cần thiết.

Tuy nhiên, bác bỏ phương pháp dạy tập đọc theo lối đánh vần, chúng ta sẽ dùng cách gì để thay thế?

[1] Ví dụ này cố tính pha chút hài hước để nhẹ không khí trong lớp.

Phát hiện ra các khuôn vần (a/ội/ăm/ay/ươi/uổi).
Phát hiện ra các phụ âm đầu (b/l/v)
Phát hiện mối quan hệ giữa các từ khác nhau (chủ yếu là mối quan hệ ngữ âm giữa những từ có cùng phụ âm đầu hoặc cùng khuôn vần)

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG