Đường dẫn truy cập

Không kích gây phương hại hòa đàm ở Kachin


Các vụ không kích của quân đội Miến Ðiện đã buộc hàng ngàn người sắc tộc Kachin phải bỏ chạy lánh nạn.
Các vụ không kích của quân đội Miến Ðiện đã buộc hàng ngàn người sắc tộc Kachin phải bỏ chạy lánh nạn.
Phiến quân ở miền bắc Miến Ðiện nói các cuộc không kích của quân đội đang tiếp diễn nhắm vào người sắc tộc Kachin đang buộc hàng ngàn người bỏ chạy và nêu nghi vấn về vòng hòa đàm tiếp theo, dự trù vào cuối tháng này. Thông tín viên đài VOA từ Bangkok gửi về bài tường thuật sau đây.

Các nguồn tin từ Ðạo quân Ðộc lập Kachin KIA nói rằng trong ngày hôm nay lực lượng chính phủ Miến Ðiện đã tiếp tục không kích vào các vị trí quân sự chỉ cách tổng hành dinh của KIA ở Laiza có vài kilomét. Các nguồn tin này nói rằng một thường dân đã thiệt mạng sau khi nhà bị bốc cháy. Hàng ngàn thường dân vốn đã bị thất tán nay lại buộc phải dời cư lần nữa để tránh bạo động.

Các vụ tấn công bằng máy bay đầu tiên nhắm vào các nhóm sắc tộc đánh dấu một sự leo thang đáng kể trong vụ xung đột giữa quân đội Miến Ðiện với phe Kachin, nhóm sắc tộc duy nhất trong số 17 nhóm sắc tộc dọc theo biên giới Miến Ðiện mà chính phủ chưa thương thảo được một thỏa thuận hòa bình.

Giới hữu trách của KIA nói rằng các máy bay Thành đô F-7 do Trung Quốc chế tạo, các máy bay và trực thăng cơ huấn luyện đã được sử dụng trong các cuộc tấn công mà họ nói là không có sự khiêu khích. Chính phủ thì nói trên các cơ quan truyền thông nhà nước là các vụ tấn công là để tự vệ, và lên án KIA là đe dọa các đoàn quân của lực lượng chính phủ.

Những người chứng kiến nói quân đội chính phủ đã lấn đất, tiến vào các vị trí từ đó có thể dễ dàng tấn công tổng hành dinh của KIA, cũng như các mục tiêu dân sự.

Ông La Rip là giám đốc của cơ quan tỵ nạn Kachin. Ông cho biết 15 ngàn người bị thất tán sinh sống ở Laiza và vùng phụ cận trong 4 trại tạm trú đang lâm nguy, không có đủ tiếp liệu thực phẩm và không tiếp cận được với cứu trợ quốc tế. Ông cũng lo ngại rằng họ có thể buộc phải chạy trốn qua Trung Quốc.

Ông La nói: “Tình hình leo thang thêm và những vụ oanh tạc và pháo kích tiếp tục đến thị trấn Laiza và chúng tôi phải lo cho 15 ngàn người bị thất tán ngay trong nước vốn đã ở đây, cộng thêm với cư dân Laiza, nếu họ phải chạy qua Trung Quốc từ Laiza, chúng tôi không biết sẽ phải làm gì và làm cách nào để thích ứng với tình hình khẩn cấp.”

Một binh sĩ Kachin ở tuyến đầu, đối mặt với quân đội chính phủ Miến Điện.
Một binh sĩ Kachin ở tuyến đầu, đối mặt với quân đội chính phủ Miến Điện.
Mặc dầu phiến quân và các giới chức còn một vòng đàm phán nữa dự trù vào giữa tháng này, giới lãnh đạo KIA lo ngại rằng các vụ tấn công cho thấy các nỗ lực nhắm đạt được hòa bình sẽ gặp trở ngại vì kế hoạch của quân đội định chiếm vùng đất giầu tài nguyên này bằng vũ lực.

Ông Min Zaw Oo, giám đốc Trung tâm Hòa bình Myanmar, đã dự các cuộc hoà đàm trước đây trong tư cách người điều giải trung lập và nói rằng ông tin tất cả các bên liên hệ có thể tiếp tục hạ giảm tình hình leo thang và tiến tới đối thoại chính trị, bất chấp cuộc giao tranh đang tiếp diễn.

Ông Min cho biết: “Cường độ mất tin tưởng vẫn còn bao trùm. Vì lý do đó, chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán nhằm đi tới việc chấm dứt giao tranh. Do đó tôi tin rằng cả hai bên vẫn còn cơ hội trở lại bàn thương nghị và giải quyết vụ xung đột qua đường lối chính trị, qua phương tiện đối thoại.”

Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khiển trách Miến Ðiện về các vụ tấn công. Lãnh tụ đối lập chính của Miến Ðiện, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố bà sẽ không can thiệp trừ phi có sự yêu cầu của chính phủ. Các nhóm sắc tộc vũ trang khác như Karen, đã thỉnh cầu Tổng thống Thein Sein ngưng giao tranh trong bang Kachin trong khuôn khổ một thoả thuận ngưng bắn đơn phương.

Các tổ chức quốc tế về nhân quyền đã lên án lực lượng chính phủ là vi phạm nhân quyền trong suốt cuộc xung đột kéo dài 18 tháng, kể cả việc tuyển mộ lính trẻ em và nhắm mục tiêu vào thường dân. Tổ chức nhân đạo Free Burma Rangers cáo buộc rằng vũ khí hóa học đã đươc sử dụng trong các cuộc tấn công nhắm vào người Kachin. Ông Phil Robertson là phó giám đốc chi nhánh châu Á của tổ chức Human Rights Watch.

Ông Robertson nói: “Hằng số duy nhất trong suốt tiến trình này là một quân đội vi phạm nhân quyền đã không bị kiềm chế bằng bất cứ cách nào bởi những người được mệnh danh là dân sự đang nắm quyền. Lập luận của chúng tôi từ trước tới nay vẫn là các vấn đề nhân quyền này phải được ghi nhận, phải được bao gồm trong các tiến trình hòa bình để thực sự khai triển lòng tin và tìm ra một phương cách tiến tới mà họ sẽ phải giải quyết với sự kiện là đã có những vụ vi phạm thường xuyên trước đây và không ai bị gán cho trách nhiệm.”

Tin tức từ bên trong Miến Ðiện rất khó kiểm chứng bởi lẽ các phóng viên không có mặt tại khu vực xảy ra xung đột.

Trong các vòng hòa đàm trước đây với phe Kachin, các yêu cầu của phiến quân đòi quyền tự quyết và kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên như gỗ, hầm mỏ và sông ngòi đã tỏ ra là những điểm thương nghị không giải quyết được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG