Đường dẫn truy cập

Không còn nước dân chủ nào chịu đăng cai Olympic 2022 nữa


Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ quyết định trao quyền đăng cai Olympic 2022 cho thành phố nào vào tháng 7 năm 2015?
Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ quyết định trao quyền đăng cai Olympic 2022 cho thành phố nào vào tháng 7 năm 2015?

Đến lượt Na Uy chuẩn bị rút lui, cuộc đua tranh quyền đăng cai Olympic mùa Đông 2022 nay chỉ còn Trung Quốc và Kazakhstan.

Hôm thứ Tư, với lý do lo ngại về tài chính, chính phủ Na Uy đã biểu quyết không tài trợ cho việc đăng cai Olympic 2022 để hậu thuẫn cho nỗ lực của Oslo tranh đăng cai thế vận hội mùa đông này. Kết quả biểu quyết này có nghĩa là Oslo sẽ đi theo con đường của Stockholm, Krakow và Lviv - đó là rút khỏi cuộc đua.

“Olympic thì tuyệt vời thật,” Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu khi có tin Quốc hội nước ông biểu quyết không tán thành. “Nhưng còn rất nhiều vấn đề khác mà chúng ta phải giải quyết.”

Với diễn biến mới nhất này, cuộc đua nay chỉ còn lại hai đối thủ, đó là Bắc Kinh của Trung Quốc và Almaty của Kazakhstan. Trong bối cảnh Qatar sẽ là chủ nhà World Cup của FIFA năm 2022 bất chấp những chỉ trích, và Oslo chuẩn bị tuyên bố bỏ cuộc đua, 2022 sẽ là năm của các nước toàn trị làm chủ các đại hội thể thao thế giới.

Khi Krakow của Ba Lan loan báo rút khỏi cuộc đua hồi tháng 5, các nhà phân tích quốc tế nói rằng công chúng đã nhận ra là những lợi ích kinh tế dài hạn từ việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn của thế giới như World Cup hay thế vận hội chẳng có gì đáng kể.

Trước tin Na Uy quyết định không tài trợ, các nhà bình luận nay nói rằng điều này có nghĩa là ngày càng có ít quốc gia dân chủ muốn đăng cai các sự kiện thể thao thế giới đó, còn những nền dân chủ đã nhận đăng cai rồi, như Brazil, sẽ làm việc đó bất chấp sự chống đối của đông đảo quần chúng.

Sự soi rọi của dư luận chưa dừng lại ở đó. Nói về Bắc Kinh, chủ nhà của thế vận hội mùa Hè 2008 vẫn còn vô số hứa hẹn chưa làm tròn sau khi dư luận quốc tế kêu gọi họ cải thiện thành tích nhân quyền trước khi Olympic khởi tranh. Bắc Kinh vừa không có núi cao, vừa chỉ cách Pyeongchang của Nam Triều Tiên có 1.100 kilômét, nơi Olympic 2018 sẽ diễn ra, và cách Tokyo chỉ 2.000 kilômét, nơi sẽ diễn ra Olympic 2020. Nếu được trao cho Olympic 2022, Bắc Kinh sẽ trở thành thành phố duy nhất trong lịch sử là chủ nhà của thế vận hội mùa hè lẫn mùa đông. Thế nhưng mặt bên kia của những yếu tố tiêu cực đó, Trung Quốc hiện có hàng tấn tiền mặt và sẵn sàng chi tiêu cho những đại hội như vậy.

Nói về Almaty. Thành phố của Kazakhstan có nhiều núi non hơn Bắc Kinh, nhưng không có tiền mặt. Tuy nhiên ông Andrey Kryukov, một giới chức của Ủy ban Olympic Kazakhstan, hồi trước đây trong năm nói với hãng thông tấn Reuters rằng “sẽ không tiêu tốn ngân sách quá lớn,” bất chấp tấm gương ngân sách của Sochi.

Hồ sơ nhân quyền của Kazakhstan cũng là chuyện đáng quan tâm. Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã cai trị nước này suốt hơn 20 năm qua kể từ khi tách khỏi Liên Xô. Nếu giành được quyền đăng cai, Almaty sẽ là thành phố chủ nhà Olympic ít được biết tiếng nhất, và là thành phố Trung Á đầu tiên đăng cai thế vận hội.

Còn nếu một ứng cử viên - hoặc Bắc Kinh, hoặc Almaty - bỏ cuộc, thành phố còn lại duy nhất mặc nhiên là chủ nhà Olympic 2022. Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ quyết định trao quyền đăng cai Olympic 2022 cho thành phố đó vào tháng 7 năm 2015.

XS
SM
MD
LG