Đường dẫn truy cập

Iraq cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận dầu khí với chính quyền người Kurd


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải), và người đứng đầu chính phủ khu vực người Kurd ở Iraq họp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, 27/11/13
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải), và người đứng đầu chính phủ khu vực người Kurd ở Iraq họp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, 27/11/13
Iraq cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không ký một thỏa thuận dầu khí với chính quyền vùng Kurdistan (KRG) của nước này. KRG dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất là vào tháng tới.

Chính phủ Iraq đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận năng lượng nào giữa Ankara và chính quyền vùng Kurdistan thuộc Iraq, tức KRG.

Chính quyền Baghdad khẳng định rằng chỉ có họ mới có thể ký các thỏa thuận năng lượng, và tuyên bố này đã bị cả Ankara và KRG phản bác.

Các chuyến vận chuyển dầu khí đầu tiên của KRG sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu vào cuối năm nay. Theo đánh giá của ông Sinan Ulgen, một học giả thỉnh giảng tại Viện Carnegie tại Brussels, hợp tác năng lượng giữa Ankara và KRG ngày càng sâu sắc. Ông nói:

“Hiện giờ và gần đây nhất đã có một loạt các thỏa thuận đầy tham vọng giữa Ankara và KRG liên quan tới việc tận dụng các nguồn dầu khí này”.

Nhiều năm qua, Ankara và KRG đã đàm phán về một thỏa thuận năng lượng toàn diện để xuất khẩu năng lượng, và xây dựng các tuyến đường ống và thăm dò dầu khí.

Ankara xem nguồn tài nguyên dầu khí lớn của vùng Kurdistan thuộc Iraq là một giải pháp cho nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ có các nguồn dự trữ năng lượng ít ỏi và đã tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn cung ứng để tránh phải phụ thuộc vào Nga và Iran.

Theo ông Semih Idiz, người phụ trách chuyên mục ngoại giao của tờ Taraf của Thổ Nhĩ Kỳ và trang web Al Monitor, không phải chỉ có Baghdad mới bày tỏ quan tâm về sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với KRG. Ông nói:

“Cả Baghdad và Washington đều chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì việc nước này có quan hệ với người Kurd. Đó là một vấn đề gây chia rẽ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Chính vì thế, Baghdad trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có các bước đi củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ đó thay vì làm cho nó suy yếu hoặc gây trở ngại”.

Thủ tướng KRG Nechirvan Barzani dự kiến sẽ tới thăm Baghdad nhằm giảm bớt các căng thẳng đó. Ông Barzani đã gặp người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Tư.

Hợp tác năng lượng giữa KRG với Thổ Nhĩ Kỳ là một yếu tố chính gây ra nhiều năm căng thẳng với Baghdad. Nhưng trong vài tuần qua, Ankara đã có nhiều động thái mạnh mẽ nhằm cải thiện mối quan hệ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Levent Gumrukcu nói rằng các nỗ lực đó đã tạo ra một môi trường tốt hơn để giải quyết các khác biệt:

“Kể cả giữa bạn bè và hàng xóm cũng xảy ra các bất đồng, nhưng điều quan trọng nhất là phải có các cuộc đối thoại có ý nghĩa và chín chắn, và tôi nghĩ đó là điều mà chúng tôi đang thực hiện với chính phủ Iraq. Đôi khi chúng tôi thừa nhận vẫn còn bất đồng nhưng chúng tôi tìm cách tiến hánh đối thoại càng nhiều càng tốt”.

Các chuyên gia năng lượng nhận định rằng với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong những năm tới, KRG rốt cuộc có thể trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn trên thế giới. Tiềm năng đó không chỉ đóng vai trò quan trọng nhằm giúp đáp ứng các nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn có thể giúp biến vùng này trở thành một trung tâm năng lượng quốc tế, một mục tiêu chiến lược của Ankara. Nhà phân tích Ulgen nói rằng cho dù có hay không có sự ủng hộ của Baghdad, mối quan hệ hợp tác gia tăng giữa Ankara và KRG vẫn sẽ tiếp tục. Ông nhận định:

“Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ là Baghdad không thể tiếp tục cản trở thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và KRG. Nhưng sẽ dễ dàng hơn và ít phiền toái hơn cũng như dễ đoán định hơn nếu Baghdad ủng hộ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không giao toàn quyền định đoạt cho Baghdad vì việc duy trì mối quan hệ năng lượng này là một vấn đề quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong tuần này, thủ tướng KRG Barzani nói rằng các chuyến vận chuyển dầu mỏ sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu sớm nhát là cuối năm nay. Các nhà quan sát cảnh báo rằng điều đó khiến các bên có ít thời gian để giải quyết thế bế tắc hiện thời giữa Ankara, KRG và Baghdad.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG