Đường dẫn truy cập

HRW: Những kẻ giết người hàng loạt ở Nigeria không bị truy tố


Sau cuộc bầu cử năm 2011, bạo động đã bùng ra tại Kaduna ở “Vành đai miền Trung”, gây tử vong cho 800 người.
Sau cuộc bầu cử năm 2011, bạo động đã bùng ra tại Kaduna ở “Vành đai miền Trung”, gây tử vong cho 800 người.
Một bản phúc trình mới của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho biết hàng ngàn người đã bị giết hại trong những vụ bạo động giữa các cộng đồng trong khu vực “Vành đai miền Trung” ở Nigeria trong 4 năm qua và hầu như không có hung thủ nào bị truy tố. Theo tường thuật của thông tín viên Heather Murdock của đài VOA tại Abuja, dân chúng ở đây nói rằng nếu không có công lý thì bạo động sẽ trở nên tệ hại hơn.

Sau cuộc bầu cử năm 2011 ở Nigeria, bạo động đã bùng ra ở Kaduna, gây tử vong cho 800 người. Dân chúng ở đây nói rằng những người thực hiện vụ sát hại đó vẫn làm ăn bình thường ở Kaduna như thể chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Nhà hoạt động chính trị Sunday Mudakai, một cư dân ở Kaduna, nhận xét như sau.

"Những kẻ tạo ra vụ khủng hoảng, những kẻ gây ra hỗn loạn, những kẻ gây ra cái chết của người dân hoặc gây ra những thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm triệu Naira vẫn cứ tiếp tục là những người tự do trên đường phố. Đây là một sự việc rất đáng báo động, đáng thất vọng và rất đáng sợ."

Một bản phúc trình mới của Human Rights Watch cho biết tuy những người mục kích đã báo cáo cho cảnh sát ở hai tiểu bang Kaduna và Plateau về những vụ tấn công trong 4 năm qua, nhưng chỉ có vài người bị truy tố vì hàng ngàn vụ giết hại.

Kaduna và Plateau là hai tiểu bang nằm trên “Vành đai miền Trung”, nơi gặp nhau giữa miền nam đa số cư dân theo Cơ đốc giáo với miền bắc đa số theo Hồi giáo. Những vụ bạo động này thường được gọi là bạo động giáo phái vì thường xảy ra giữa người Hồi giáo với người Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, ở Nigeria, những sự khác biệt về bộ tộc, kinh tế, và chính trị trộn lẫn với những khác biệt về tôn giáo.

Ông Eric Guttschuss, một nhà nghiên cứu về Nigeria của tổ chức Human Rights Watch, cho biết như sau.

"Vì không có sự ứng phó hữu hiệu bên trong hệ thống tư pháp chính thức, nên những người thuộc các cộng đồng là nạn nhân của những vụ tấn công thường tự ý thi hành pháp luật và thực hiện những vụ tấn công trả thù."

Ông Guttschuss nói rằng sau khi xảy ra một vụ tấn công, cảnh sát thường tới bắt tất cả những người ở hiện trường, nhưng họ không biết người nào đã làm những gì. Ông nói thêm rằng cảnh sát ở Nigeria đôi khi cũng đòi hối lộ để điều tra tội phạm và hầu hết các nạn nhân không có tiền để trả.

Ngoài ra, theo ông Guttschuss, các cộng đồng cũng gây áp lực đòi nhà chức trách không bắt giữ những người trong cộng đồng của họ.

"Trong quá khứ, tôi đã nghe cảnh sát nói rằng họ cảm thấy sợ hãi và giới hữu trách Nigeria nói rằng họ không muốn tiến hành những vụ bắt giữ vì lo sợ là điều đó có thể làm bùng ra những vụ bạo động mới bên trong các cộng đồng này."

Tuy nhiên, trong lúc Nigeria đang trông chờ cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, cư dân ở Kaduna nói rằng nếu không thực hiện những vụ bắt giữ cho những vụ bạo động năm 2011 thì không ngăn chận được tình trạng đổ máu trong năm 2015.

Một nhà báo ở Kaduna, ông Abubakar Abba, cho biết như sau.

"Hãy nhìn vào cuộc bầu cử năm 2011. Có quá nhiều người đã phạm tội. Tôi không muốn nói tới tên của đảng chính trị này, nhưng đó là đảng đã có thể giúp cho những người phạm tội không bị giam giữ. Điều này có nghĩa là trong bất kỳ cuộc bầu cử nào họ cũng đều có thể phạm tội, bởi vì họ biết rằng họ có một người đỡ đầu có thể giúp họ ra khỏi tù."

Human Rights Watch cho rằng cảnh sát nên thành lập một đơn vị đặc biệt để điều tra và bắt giữ những kẻ chủ mưu các vụ thảm sát, và chính phủ liên bang Nigeria cần phải điều tra xem tại sao lại có quá ít người bị trừng phạt như vậy.

Trong khi đó, cư dân ở Vành đai miền Trung đang chuẩn bị ứng phó với những vụ bạo động có thể xảy ra vào đầu năm tới, khi tiểu bang Plateau tổ chức các cuộc bầu cử cấp địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG