Đường dẫn truy cập

HRW: Ethiopia đàn áp truyền thông trước bầu cử toàn quốc


Phúc trình của tổ chức Human Rights Watch tố cáo chính phủ Ethiopia đàn áp truyền thông.
Phúc trình của tổ chức Human Rights Watch tố cáo chính phủ Ethiopia đàn áp truyền thông.

Một phúc trình mới của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch tố cáo chính phủ Ethiopia đàn áp truyền thông một cách có hệ thống trước cuộc bầu cử tháng 5 năm nay. Báo cáo công bố hôm nay chỉ ra chi tiết cách chính phủ Ethiopia giới hạn việc tường thuật tin tức độc lập kể từ 2010 tới nay. Thông tín viên VOA Marthe van der Wolf tường thuật từ Addis Ababa.

Human Rights Watch nói môi trường của truyền thông và giới ký giả độc lập ở Ethiopia đang ngày càng ảm đạm trước cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5 tới đây.

Chuyên gia nghiên cứu Felix Horne nói có sự rập khuôn các sách nhiễu của chính quyền chống lại các nhà báo tự do có quan điểm khác với nhà nước.

“Sau khi xuất hiện các bài viết liền có sách nhiễu từ giới chức chính phủ, giới chức an ninh và các cán bộ dưới hình thức các cú điện thoại và tin nhắn đe dọa cũng như đến tận nhà tìm cách làm cho tác giả phải hạ giọng các bài viết theo quan điểm của chính phủ về nhiều vấn đề. Bước kế tiếp là dọa dẫm và sách nhiễu các thành viên trong gia đình, thường xuyên bắt bớ tùy tiện hòng dọa và áp lực ký giả phải tự kiểm duyệt các bài viết của mình. Nếu các chiến thuật này không hiệu quả, bước tiếp theo sẽ là các cáo trạng hình sự.”

Phúc trình nhan đề ‘Nghề báo không phải là một tội phạm’ nói rằng trong năm 2014 có sáu nhà xuất bản độc lập bị đóng cửa vì áp lực của chính phủ, 22 ký giả, blogger, và chủ báo bị buộc tội hình sự và hơn 30 nhà báo đã chạy ra nước ngoài. Đa số ký giả bị truy tố theo các điều luật chống khủng bố bị đông đảo công luận chỉ trích. Hiện nay có một vụ truy tố khủng bố chống lại các blogger của nhóm Zone9 ở Ethioppia gây chấn động dư luận.

Theo Human Rights Watch, chính sự trấn áp như mô tả trong bản phúc trình đã dẫn tới tình trạng tự kiểm duyệt. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cũng cho biết người dân Ethiopia và các giới chức cấp thấp e ngại không dám phát biểu với báo giới vì sợ bị kỷ luật.

Chuyên gia Horne của Human Rights Watch nói sự trấn áp đã dẫn tới thực tế là các quan điểm khác với nhà nước về cuộc bầu cử sắp tới hiếm khi được thảo luận trên báo chí.

“Nhất thiết cần phải có một nền báo chí độc lập phồn thịnh, mạnh mẽ có thể đóng góp cho những đàm luận chính trị và đối thoại chính trị trong nước để mang lại những thông tin và đánh giá quan trọng về các vấn đề chính trị trong đời sống hàng ngày. Nhưng đáng buồn thay, không có được như vậy vì cuộc thanh trừng truyền thông tư nhân chúng ta thấy từ năm 2010 tới nay.”

Đảng cầm quyền lên điều hành quốc gia từ năm 1991 chiếm 99% số phiếu trong cuộc bầu cử 2010, chỉ có một ghế ở quốc hội rơi vào phe đối lập.

VOA không liên lạc được với phát ngôn nhân của chính phủ để ghi nhận bình luận, nhưng chính quyền Ethiopia nhiều lần lặp đi lặp lại rằng những người bị bắt giam là những phạm nhân chứ không phải là nhà báo.

Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Ethiopia phóng thích những nhà báo và blogger đang bị giam cầm cũng như sửa đổi các quy định pháp luật như các điều luật chống khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG