Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: Nang dưới niêm mạc hành tá tràng


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Lê Hoàng gởi thư đến câu hỏi như sau:

“Kính gửi Bác sĩ

Tôi tên Lê Hoàng, 44 tuổi, ở Phú Thọ, Việt Nam.

Xin Bác sĩ vui lòng giải đáp thắc mắc về nang dưới niêm mạc hành tá tràng (submucous duodenal cyst).

Tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và Quân Y viện 108 về đau dạ dày. Sau khi nội soi tại Bệnh viện Bạch Mai và siêu âm nội soi tại Quân y viện 108, Bác sĩ kết luận tôi vị viêm loét dạ dày và hành tá tràng và có “nang dưới niêm mạc hành tá tràng đường kính 8mm.

Xin hỏi Bác sĩ:

1/ Nang dưới niêm mạc hành tá tràng có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào? và nên phẫu thuật không, thường phẫu thuật bằng cách nào? (Tôi hiểu đây là U lành?)

2/ Kỹ thuật siêu âm nội soi có đáng tin cậy không?

Cám ơn Bác sĩ.”

please wait

No media source currently available

0:00 0:10:22 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Nang ruột tá tràng (duodenal cyst)

Đây là một câu hỏi về một đề tài rất chuyên môn trong y khoa. Tôi chỉ xin nêu vài ý niệm căn bản để chúng ta hiểu sơ qua vấn đề mà thôi.

Tá tràng là khúc ruột non đầu tiên nối tiếp theo dạ dày, tên Anh ngữ là duodenum, do duodeni có nghiã là 12 ngón tay, một tá, từ đó tiếng Việt gọi là tá tràng, hoặc trước đây gọi là “thập nhị chỉ tràng” (khúc ruột dài 12 ngón tay). Đoạn đầu tiên của tá tràng là khúc thức ăn từ dạ dày đổ vào, lúc acid từ dạ dày còn nhiều.

Đoạn này các nhà phẫu thuật tưởng tượng thấy giống củ hành nên tiếng Anh gọi là duodenal bulb, chúng ta gọi là hành tá tràng. ‘Bulb” nằm phía sau gan và túi mật (gallbladder) và trên đầu tuyến tuỳ tạng, trước ống dẫn mật chung (dẫn mật từ gan vào ruột non; common bile duct).

Cho nên tất cả các bộ phận này hành tá tràng, tuỳ tạng, gan, ống dẫn mật đều liên hệ với nhau lúc bình thường cũng như lúc bệnh tật.

Khác với các u trong dạ dày, đại đa số những u trong tá tràng là u hiền. Những trường hợp nang ruột tá tràng rất hiếm. Các nang này có thể là u mạch (varices, u lâm ba: lymphangioma) hay không phải mạch máu như duplication cyst, Brunner's gland hyperplasia (phồn thực tuyến Brunner).

Nội soi siêu âm (endoscopic ultrasound, endosonography) giúp cho biết nhiều chi tiết về u, cho biết khối u dưới niêm mạc có phải do một bộ phận khác bên cạnh ruột đè vào hay là do u mọc trong vách ruột, hình dạng (morphology) có vẻ lành hay độc, nhưng thường không dứt khoát được và phải cần sinh thiết được hướng dẫn bởi siêu âm. (1)

Trong những trường hợp hiếm mà chúng ta tìm thấy nang trong vách hành tá tràng kèm theo triệu chứng tiêu hoá, bệnh lý có thể không giới hạn trong ruột non mà cũng có thể nang tồn tại do ảnh hưởng một bệnh khác trong tuỳ tạng (pancreas), hay ống dẫn mật (bile duct).

Những bệnh đi đôi kèm theo thường gặp nhất trong trường hợp có nang trong tá tràng là bệnh viêm tuỳ tạng bên cạnh tá tràng (paraduodenal pancreatitis, groove pancreatitis (viêm tuỳ tạng trong phần rãnh giữa tuỳ tạng và tá tràng) hoặc những ổ mô tuỳ tạng nằm lạc chỗ trong tá tràng bị viêm (ectopic pancreatic tissues). Yếu tố cơ nguy quan trọng nhất trong bệnh viêm tuỳ tạng là người bệnh uống nhiều rượu (alcoholism). (2)

Nguyên nhân u hiền (benign) hay không là do bác sĩ từng soi ruột cho bệnh nhân nắm đủ tin tức để kết luận. Nếu bác sĩ điều trị cần tin tức thêm mới kết luận được, có thể cần tham vấn thêm các chuyên gia khác, các bác sĩ chuyên khoa khác thêm ý kiến trước khi quyết định.

Trường hợp phức tạp, có thể là sau khi khảo sát nhiều mặt với sự tham gia của bác sĩ chuyên về đường tiêu hoá (gastroenterologist), nếu cần bác sĩ giải phẫu, bác sĩ chuyên về chẩn đoán hình ảnh (radiologist) như làm MRI, bác sĩ bệnh lý học (pathologist) để diễn giải các sinh thiết (biopsy) nếu có.

Đây chỉ là những nhận xét sơ đẳng. Vị thính giả nên hỏi thẳng bác sĩ đang điều trị tổng quát cho mình cũng như bác sĩ soi ruột. Hơn nữa, đây là một loại bệnh hiếm có, cần người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và nghiên cứu hồ sơ từng trường hợp kỹ lưỡng để đi tới kết luận thích hợp. Điều thực tế nhất mà bệnh nhân có thể làm ngay là nếu uống rượu, phải bỏ rượu, vì đây là yếu tố cơ nguy quan trọng nhất trong loại bệnh này.

Chúc bệnh nhân may mắn.

-------------------------------------------

(1)Vikram Bhatia, Masahiro Tajika, Archana Rastogi

Upper gastrointestinal submucosal lesions-Clinical and endosonographic evaluation and management

http://www.tropicalgastro.com/articles/31/1/Upper-gastrointestinal-submucosal-lesions-Clinical-and-endosonographic-evaluation-and-management.html

(2) Knipe,H., Paraduodenal Pancreatitis

http://radiopaedia.org/articles/paraduodenal-pancreatitis

-------------------------------------------

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

********

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG