Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Co rút bàn tay


Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Ngô Hiệp email đến câu hỏi về ‘Co rút bàn tay’, như sau:

“Kính Chào Bác sĩ,

Tôi tên là Ngô Hiệp, 56 tuổi. Gần một tháng nay tôi thường xuyên bị triệu chứng co rút bắp thịt, mà người Việt mình thườg gọi la VỌP BẺ. Vọp bẻ thường xảy ra ở các vùng bắp thịt ở chân hay đùi, riêng tôi thì lại bị vọp bẻ ở bàn tay và các ngón tay mỗi lần vận dụng tay để cố gắng làm một việc gì đó... Thí dụ: Là một thợ máy sửa xe, đôi khi tôi cố gắng lắp một “bolt or nut” vào một vị trí nào đò chật hẹp, cần sự khéo léo của bàn tay. Chừng 5 hoặc 10 phút thì mầy ngón tay và đôi khi cả bàn tay lại bị hiện tượng vọp bẻ hay còn gọi là chuột rút, rất là đau đớn.

Tôi không biết chứng bệnh này tên gọi tiếng Anh là gì và làm sao để điều trị. Xin Bác Sĩ vui lòng hướng dẫn cho.

Thành thật cám ơn và chúc Bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe.”


Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

please wait

No media source currently available

0:00 0:09:48 0:00
Tải xuống

Co rút bàn tay

Carpal spasm.(carpal có nghĩa là cổ tay, spasm=co rút, cơ co lại ngoài ý muốn, không tự duỗi ra)

Các ngón và bàn tay phần lớn được điều khiển bởi những cơ bắp có thân cơ nằm trong cánh tay (forearm, avant bras), tức là phần giữa cổ tay và khuỷu tay. Những sợi gân từ từ các cơ ở trên chui qua một đường hầm gọi là đường hầm cổ tay (carpal tunnel), rồi mới nối với các ngón tay. Lúc các cơ này co lại, thì các ngón tay cũng co theo (flexion of the fingers). Cùng trong hầm này có một sợi dây thần kinh lớn, điều khiển một số cơ bên phía ngón cái của bàn tay và phụ trách cảm giác 2/3 bàn tay bên phía đó. Nếu người bệnh dùng các cơ bàn tay nhiều (như đàn piano, đánh máy liên tục ngày này qua ngày khác), khuỷu tay cử động nhiều, các gân có thể viêm, vùng hang cổ tay trở nên quá chật hẹp và median nerve bị đè lên (nerve compression) làm cho bàn tay bị đau, cũng như những cơ ở mu bàn tay bên phía ngón cái bị teo lại trong trường hợp nặng.Trường hợp này gọi là hội chứng đường hầm cổ tay (carpal tunnel syndrome).

Nói chung mức calcium, magnesium trong máu thấp cũng như cơ thể thiếu nước (dehydration) có thể làm cơ dễ co rút. Nguyên nhân calcium máu thấp thường gặp nhất là do thiếu vitamin D. Những khảo cứu gần đây cho thấy khá đông đàn ông ở Sài Gòn cũng như Hà Nội thiếu vitamin D trong máu. Ở đàn bà thì tỷ số thiếu vitamin D cao hơn. Nếu có phương tiện thì đo mức calcium, vitamin D trong máu xem có thấp không.

Phòng ngừa:

Ra nắng để giúp da tạo nên vitamin D.Trên lý thuyết, nếu ra nắng vài phút mỗi ngày lúc thời tiết tốt có thể giúp cơ thể cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết.

Uống vitamin D thêm (1-70 tuoi: 600 unit/day), hay ăn những thức ăn giàu vitamin D (salmon, mackerel, tuna, catfish,fish liver, fish oil). Nếu có phương tiện, người ta đo mức vitamin D trong máu (25 OH D) và cố gắng giữ trên 30 ng/ml. Ở ngoài nắng đủ lâu để da phỏng nhẹ (mild sunburn) cũng giúp cơ thể chúng ta tạo ra chừng 20,000 đơn vị vitamin D. Chúng ta (người lớn, 19-65 t ) cần chừng 600 đơn vị mỗi ngày (thức ăn hoặc uống thuốc bổ), mức an toàn chừng < 4000 units/ ngày (The Endocrine Society, Practice Guideline, 2011). Ở Mỹ, trong sữa uống, trong một số nước cam có thể nhà sản xuất có tăng cường thêm vitamin D. Các viên thuốc 'bổ' có thể cung cấp cho cơ thể những nhu cầu căn bản về vitamin cũng như các chất khoáng.

Nhớ uống nước đầy đủ, chừng hai lít nước mỗi ngày, nhất là nếu làm việc trời nóng nực, ra mồ hôi nhiều.

Cho các ngón tay được duỗi giãn (stretching) thường xuyên.

Về hội chứng hầm cổ tay, có thể giảm thiểu những cử động liên tục, dai dẳng của cổ tay và bàn tay, tránh những máy móc làm chấn động, rung chuyển bàn tay, cổ tay (như máy khoan, máy vặn bùi lon).

Nếu có triệu chứng như tê đau, co rút ở những vùng cơ thể khác, cần đi khám bs còn sớm hơn nữa.

Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 13 tháng 6, năm 2013


Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

----------------------------------------

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG