Đường dẫn truy cập

Hòa ước Ấn Độ có thể chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài hơn 60 năm


Các nhà hoạt động của Hội đồng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa của Nagaland (NSCN) giơ băng-rôn và khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình ở New Delhi.
Các nhà hoạt động của Hội đồng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa của Nagaland (NSCN) giơ băng-rôn và khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình ở New Delhi.

Những mối hy vọng về việc chấm dứt cuộc nổi dậy lâu năm nhất ở Ấn Độ đã gia tăng với một hòa ước có tính chất dấu mốc tại tiểu bang Nagaland ở miền đông bắc. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Dehli, vẫn còn những mối nghi ngờ về sự thực thi hoà ước về lâu về dài.

Chính phủ Ấn Độ đã đạt được một thoả thuận hoà bình với Hội đồng Quốc xã Nagaland, một nhóm nổi dậy đã tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang trong hơn 6 thập niên để đòi thành lập một quốc gia riêng của người Naga.

Nagaland là một trong 7 tiểu bang hẻo lánh ở đông bắc Ấn Độ mà chính phủ đã chiến đấu chống lại một số nhóm nổi dậy. Khu vực bất ổn này giáp ranh với Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar và Bhutan.

Sau khi hòa ước được loan báo hôm thứ hai, thủ tướng Narendra Modi nói rằng việc chấm dứt một trong những cuộc nổi dậy lâu năm nhất là “một thời điểm có tính chất lịch sử.”

Ông Modi cũng cho biết ông muốn phát triển khu vực mà ông gọi là “vệ binh của biên cương phía đông của Ấn Độ và là cửa ngỏ tiến vào các nước Đông Á.”

Ông Modi cho biết: "Hoà bình, an ninh và sự chuyển đổi kinh tế của vùng đông bắc là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi từ bấy lâu nay. Nó cũng nằm ở tâm điểm của chính sách đối ngoại của tôi, nhất là Chính sách Hành động hướng Đông"

Những cuộc nổi dậy ở vùng đông bắc đã cản trở công cuộc phát triển và gây phương hại cho những dự án xây dựng đường bộ và đường sắt để nối Ấn Độ với các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Ông Modi tin rằng sự hội nhập của Ấn Độ với các quốc gia này sẽ giúp cho kinh tế nước ông phát triển mạnh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị nói rằng có nhiều chướng ngại ở trước mặt. Chính phủ không cho biết chi tiết về hòa ước đạt được với phiến quân Naga, là những người đòi thành lập một quốc gia riêng bao gồm những phần đất mà đa số cư dân là người Naga tại các nước láng giềng.

Tuy hòa ước được ký kết với nhóm nổi dậy chính của người Naga, nhưng những nhóm khác vẫn chưa tán thành. Một nhóm của người Naga kình địch với nhóm Hội đồng Quốc xã Naga hồi tháng 3 vừa qua đã huỷ bỏ một thoả thuận ngưng bắn kéo dài 15 năm với chính phủ và đã giết hại khoảng 30 quân nhân trong những vụ tấn công riêng rẽ. Nhóm kình địch này nói hòa ước hôm thứ hai là “một sự bán đứng.”

Mặc dầu vậy, một số người hy vọng là hòa ước này sẽ tạo được đà tiến để có những thoả thuận tương tự với các nhóm nổi dậy khác ở miền đông bắc.
Thủ tướng Modi nói rằng “khi cuộc nổi dậy lâu đời nhất được giải quyết, đó là một tín hiệu để những nhóm nhỏ hơn từ bỏ vũ khí.

Ông Modi nói: "Khi chúng ta rời bỏ con đường tranh chấp để đi theo con đường cao quý của đối thoại, thì đó là một bài học và là một niềm hứng khởi trong thế giới có nhiều rối ren này.

Ngoài vùng đông bắc, Ấn Độ cũng chiến đấu chống lại những phần tử đòi ly khai ở vùng Kashmir và những phiến quân theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông ở miền đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG