Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Campuchia đối mặt thử thách trong vụ đánh đập đối lập


Những người ủng hộ đảng cầm quyền biểu tình trước quốc hội ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 26/5/2015.
Những người ủng hộ đảng cầm quyền biểu tình trước quốc hội ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 26/5/2015.

Một tòa án Campuchia sắp sửa đưa ra phán quyết về những cáo trạng đối với 3 nhân viên quân sự đã nhận tội đánh đập hai chính trị gia đối lập bên ngoài quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái. Theo tường thuật của thông tín viên Luke Hunt của đài VOA tại Phnom Penh, vụ án này được xem là một phép thử về vấn đề nhân quyền ở Campuchia.

Phán quyết của tòa án được xem là một phép thử về sự tôn trọng nhân quyền tại Campuchia, nơi chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến với hậu quả là một loạt các vụ kiện tụng và bỏ tù những chính trị gia đối lập và những người ủng hộ họ.

Hai ông Kung Sophea và Nhay Chamraoen thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia CNPR bị đánh trọng thương, tiếp sau một cuộc biểu tình do Tướng Kun Kim và những thành viên thuộc Trụ sở Cận vệ của Thủ tướng viết tắt là BGH thực hiện để chống phe đối lập. Vụ đối đầu này làm rúng động cả nước và những quan sát viên nhân quyền quốc tế.

Ba ông Sot Vanny, Mao Hoeun và Chay Sarit ra trình diện cảnh sát vào trung tuần tháng 11 năm ngoái, sau khi Thủ tướng Hun Sen công khai yêu cầu ba người này làm như vậy. Những người này cho rằng họ hành động một mình, vì giận giữ, và nói rằng hành động này không nằm một nỗ lực có tổ chức nào để làm im tiếng phe đối lập, một cáo buộc do những tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch đưa ra.

Ba người này nói họ trả đũa sau khi 2 chính trị gia chửi mắng họ, cáo buộc họ là tay sai của Việt Nam.

Những người biểu tình ủng hộ nhân quyền Campuchia bị đàn áp bởi cảnh sát chống bạo động khi họ tuần hành phản đối các cáo buộc chống lại các nhà hoạt động nhân quyền địa phương gần nhà tù Prey Sar, ở ngoại ô Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/5/2016.
Những người biểu tình ủng hộ nhân quyền Campuchia bị đàn áp bởi cảnh sát chống bạo động khi họ tuần hành phản đối các cáo buộc chống lại các nhà hoạt động nhân quyền địa phương gần nhà tù Prey Sar, ở ngoại ô Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/5/2016.

Tuy nhiên, một phúc trình mới của Human Rights Watch có tên là “Kéo lê và Đánh đập, Vai trò của Chính phủ Campuchia trong vụ Tấn công tháng 10 năm 2015 nhắm vào các Chính trị gia Đối lập.” Phúc trình tố cáo những vụ đánh đập được các giới chức cao cấp chính phủ và quân đội dàn dựng và nhiều người tham dự vào những cuộc tấn công này.

Ông Phil Robertson, phó Giám đốc châu Á của Human Rights Watch nói: “Dường như là có sự dính líu chặt chẽ của đơn vị cận vệ hơn là những gì đã được phát hiện cho đến nay, và việc này cần phải được điều tra cặn kẽ và bất cứ ai dính líu vào những cuộc tấn công này cần phải chịu tránh nhiệm về hành vi của mình.”

Phúc trình của Human Rights Watch bao gồm lời kể của các nhân chứng, video và hình ảnh cho thấy có ít nhất 20 người có mặt ngay tại nơi các chính trị gia và xe của họ đậu trong lúc vụ tấn công xảy ra. 10 người khác dính líu trực tiếp đến việc đánh đập, trong khi những người khác đứng nhìn và không làm gì cả.

Sau vụ hành hung, những người biểu tình được chở tới một khách sạn tại Takhmao, nằm gần tư dinh của Thủ tướng Hun Sen.

Theo phúc trình, “một tài xế của một trong những chiếc xe sau đó nói là một trong những cấp chỉ huy cận vệ khoe khoang là đã tham gia vào việc đánh đập.”

Human Rights Watch nói các kế hoạch đối phó với người biểu tình được Thủ tướng Hun Sen biết trước và được thực hiện theo hệ thống chỉ huy gồm có Tướng Kum Kim và BHQ. Lệnh của các giới chức này được chuyển qua Facebook cho Senaneak, một trong 3 tổ chức thanh niên được thành lập trong những năm gần đây để tranh thủ hậu thuẫn cho Đảng Nhân dân Campuchia CPP đương quyền.

Ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ, khi được yêu cầu bình luận về phúc trình của Human Rights Watch nói “Đây là vấn đề của Tòa án chứ không phải của chính phủ.” Ông cũng đề nghị phóng viên của VOA tiếp xúc với bộ tư pháp. Một phát ngôn viên của bộ tư pháp Campuchia từ chối bình luận về việc này.

Các vụ bắt bớ và kiện tụng tiếp sau những vụ đánh đập vào tháng 10 năm 2015 đã khiến cho lãnh tụ CNRP Sam Rainsy phải đi sống lưu vong. (Ảnh tư liệu)
Các vụ bắt bớ và kiện tụng tiếp sau những vụ đánh đập vào tháng 10 năm 2015 đã khiến cho lãnh tụ CNRP Sam Rainsy phải đi sống lưu vong. (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên ông Son Chhay, một chính trị gia nổi tiếng của Đảng Cứu quốc Campuchia, nói ông đồng ý với những kết luận của bản phúc trình. Ông nói thêm là phe đối lập đang chờ phúc đáp của Liên Hiệp Quốc về lời yêu cầu của phe đối lập đòi triệu tập một hội nghị những quốc gia đã ký vào Hòa ước Paris năm 1991 nhằm bảo đảm sự an toàn của các chính trị gia và giúp ổn định điều được gọi là môi trường chính trị thù nghịch tại Campuchia.

Ông Son Chhay nói: “Chúng tôi rất bất bình. Chúng tôi đã gửi thư đến ông Tổng thư ký Liên Hiệp Wuốc Ban Ki-moon để giải thích về tình hình chính trị tại Campuchia. Đây là một việc khẩn cấp và Liên hiệp quốc cần phải làm một việc gì đó. Liên hiệp quốc cần ngăn chận đảng cầm quyền CPP gây tổn hại cho đảng chúng tôi.”

Các vụ bắt bớ và kiện tụng tiếp sau những vụ đánh đập vào tháng 10 năm 2015 đã khiến cho lãnh tụ CNRP Sam Rainsy phải đi sống lưu vong. Một lãnh tụ đối lập khác đang bị truy tố về một vụ tai tiếng về tình dục và Thủ tướng HunSen đã cảnh báo là đảng cầm quyền CPP sẽ không dung thứ cho “Những cuộc Cách mạng Màu.”

Theo dự trù, phán quyết của Tòa án sẽ được đưa ra vào ngày 27 tháng 5.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG