Đường dẫn truy cập

Du hành và nhập cuộc


Du hành và nhập cuộc
Du hành và nhập cuộc

Trong bài “Cuộc du hành vào thế giới thơ”, tôi nêu lên một luận điểm chính: Đọc thơ, thực chất là du hành, hơn nữa, là nhập cuộc vào một thế giới ảo của thơ.

Vấn đề là: tại sao văn học lại cho phép con người được tự do nhập cuộc như vậy? Theo Wolfgang Iser, lý do chính là vì văn bản chứa nhiều khoảng trống. Đó là những chuỗi câu, những chuỗi chi tiết xuất hiện lần lượt, kế tiếp nhau. Đọc là móc nối các câu văn, các chi tiết ấy lại thành một sự vận động mạch lạc và nhất quán. Đọc, do đó, cũng là một quá trình tiên liệu và hồi cố liên tục. Điều này, một mặt, dẫn đến sự tham gia tích cực của người đọc, mặt khác, làm cho những gì được viết ra trên văn bản trở thành chính kinh nghiệm của người đọc (1).

Theo tôi, cách giải thích như thế chưa đủ thuyết phục. Có hai lý do. Thứ nhất, những khoảng trống trong văn bản là đặc điểm chung của mọi loại diễn ngôn bằng chữ viết, không riêng gì của văn học. Thứ hai, sự nhập cuộc của người đọc, trên thực tế, tế nhị và phức tạp hơn nhiều.

Trước hết, như một kẻ du hành nhởn nhơ nhìn ngắm từng hình ảnh, lắng nghe từng âm điệu, người đọc, một cách vô ý thức, dần dần chịu sự tác động của những hình ảnh và âm điệu đó, cuối cùng, trở thành nạn nhân của chúng. Đọc bài “Chiều” của Xuân Diệu, chẳng hạn. Thoạt đầu, chúng ta cảm thấy thú vị trước nhạc điệu trầm buồn hiu hắt của bài thơ, trước hình ảnh Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu trong bài thơ. Dần dần, càng đọc, hình ảnh ấy, nhạc điệu ấy cứ thấm sâu vào chúng ta, khiến tâm hồn chúng ta tự nhiên cũng ngẩn ngơ, cũng hiu hiu khẽ buồn. Nói như Xuân Diệu, trong bài “Nhị hồ”: Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi. Ở đây không phải tiếng đàn mà là tiếng thơ. Ở khía cạnh này, hẳn nhiên là ma lực của thơ không mãnh liệt bằng ma lực của âm nhạc. Nhưng về lâu về dài tác động của thơ lại lớn hơn tác động của âm nhạc. Âm nhạc làm cho người ta cảm cái cảm của nó, thơ không những làm cho người ta cảm cái cảm của nó mà còn làm cho người ta nhìn cái nhìn của nó. Đọc bài “Chiều” của Xuân Diệu, chúng ta không nhìn nhà thơ buồn để mà tội nghiệp cho ông. Ngược lại, chúng ta nhìn cái nhìn của nhà thơ. Cái bị nhìn ở đây là buổi chiều, êm êm chiều ngẩn ngơ chiều. Nói cách khác, cái mà tôi gọi là nhập cuộc ở trên thực chất là một sự nhập vai.

Lý do chính để người đọc có thể nhập vai được là vì tính chất tương đối tự trị của tác phẩm văn học. Như đã phân tích ở trên, khác với ngôn ngữ trực tiếp, văn học là một loại diễn ngôn ở xa tác giả và ở ngoài ngữ cảnh, mối liên hệ giữa nó và hiện thực bị cắt đứt. Tính chất quy chiếu không còn nữa: tác phẩm văn học trở thành một thứ hiện thực rỗng, một thứ “terra nullius” để ai cũng có thể đến dựng lều và cắm cờ được. Nếu thơ chỉ là, luôn luôn là tiếng nói của tác giả, một người cụ thể thì người đọc sẽ không có lý do gì để đọc những câu thơ kiểu Tôi buồn khóc như buồn nôn / ngoài phố / nắng thủy tinh / tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ / thanh tâm tuyền / buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường... trừ một lý do duy nhất, may ra: sự tò mò. Nhưng người ta đọc thơ không phải vì tò mò. Đọc thơ không phải là đọc lén nhật ký của người khác. Nếu thơ chỉ, mãi mãi chỉ quy chiếu đến hiện thực chung quanh nhà thơ thì người đọc cũng sẽ không có lý do gì để đọc thơ, bất cứ là loại thơ gì, khi họ ở một hoàn cảnh khác, một thời điểm khác. Bởi vậy, điều kiện cần thiết để người đọc có thể nhập vai là: tác phẩm văn học phải là một thế giới trống.

Trong lời đề từ tập Tôi không còn cô độc (2), Thanh Tâm Tuyền coi nhà thơ là hoàng đế trong lãnh thổ thơ của hắn. Thực ra, đó chỉ là một hoàng đế đã thoái vị. Khi bài thơ hoàn tất, chiếc ngai vàng trở thành vô chủ. Ai ngồi cũng được. Trong cách nhìn này, chữ “tôi” trong đoạn thơ trên không còn là Thanh Tâm Tuyền và ngay cả cái tên Thanh Tâm Tuyền cũng không phải là Thanh Tâm Tuyền thật. Cả chữ “tôi” lẫn cái tên Thanh Tâm Tuyền đều biến thành những từ thay thế cho người đọc: người đọc đang lên tiếng bằng lời của Thanh Tâm Tuyền.

Từ đây chúng ta có thể đi đến một luận điểm khác: nếu làm thơ là ảo hoá hiện thực thì đọc thơ sẽ là hiện thực hoá cái hiện thực ảo ấy. Đọc thơ là kéo một thế giới tưởng tượng về lại cuộc đời, là đẩy văn viết về chỗ xuất phát ban đầu của nó: lời nói, là biến cái vĩnh cửu thành cái cụ thể. Qua việc đọc, một bài thơ trở thành tiếng nói của một người cụ thể, trong một hoàn cảnh, một thời điểm cụ thể, nhằm bộc lộ một nỗi niềm cụ thể. Bài thơ không hiện hữu như một văn bản mà như một kinh nghiệm; không phải kinh nghiệm của tác giả mà là kinh nghiệm của người đọc; nhưng kinh nghiệm của người đọc ở đây lại chỉ là kinh-nghiệm-đọc-văn-bản.

***

Chú thích:

1. Iser, W., “The Reading Process: A Phenomenological Approach”, in trong tập Modern Criticism and Theory, A Reader, D. Lodge biên tập, 1988, Longman, London, tr. 211-228.

2. Thanh Tâm Tuyền (1956), Tôi không còn cô độc, Người Việt, Sài Gòn, tr. 9.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG