Đường dẫn truy cập

Ðôi bơi nghệ thuật Mỹ nhắm đến HCV Olympic


Ðôi bơi nghệ thuật Mỹ Mary Killman và Mariya Koroleva tại cuộc thi tranh suất dự Olympic London 2012 tại Trung tâm Olympic Park, London (18/4/2012).
Ðôi bơi nghệ thuật Mỹ Mary Killman và Mariya Koroleva tại cuộc thi tranh suất dự Olympic London 2012 tại Trung tâm Olympic Park, London (18/4/2012).
Rất khó có thể tìm được một đôi bơi nghệ thuật có khả năng biểu diễn hoàn hảo hơn đôi vận động viên Mary Killman và Mariya Koroleva. Thông tín viên Parke Brewer có bài tường trình về đôi bơi nghệ thuật này của Mỹ sẽ đi tranh tài tại Olympic London. Tấn Chương trình bày chi tiết.

Tên gọi thân mến của đôi vận động viên bơi nghệ thuật này là “MK bình phương” bởi ký tự đầu của tên và họ của hai vận động viên này trùng với nhau. Mary Killman và Mariya Koroleva có rất nhiều điểm giống nhau, như cả hai có thể mừng chung ngày sinh nhật -- Killman sinh ngày 9 tháng 4 còn Koroleva sinh ngày 10 tháng 4, mặc dù Koroleva năm nay 22 tuổi, lớn hơn Killman một tuổi.

Killman cho biết cô và Koroleva trở thành bạn với nhau rất nhanh: “Chúng em cùng làm chung với nhau rất nhiều thứ. Chúng em giống như là hai chị em. Cũng lạ là làm sao hai tụi em có rất nhiều điểm gần giống nhau. Rất nhiều lần đã xảy ra chuyện một ai đó hỏi chúng em một câu hỏi và cả hai chúng em cùng lúc đưa ra câu trả lời trùng khớp với nhau, khiến cho người hỏi hết sức ngạc nhiên.”

Ðôi vận động viên này nay đang tập luyện với nhau ở bang California, nhưng xuất xứ của họ rất khác nhau. Killman có quê ở Texas, còn Koroleva sinh ra ở Nga. Koroleva cùng với gia đình di dân sang Hoa Kỳ khi cô lên 9 tuổi sau khi Liên Xô tan rã. Cha của cô sau đó có việc làm trong ngành tin học ở bang California. Lúc đó Koroleva biết rất ít tiếng Anh, nhưng cô đã chọn cơ hội thử môn thể thao mới.

Koroleva nói: “Khi học lớp 4, em tình cờ nhận được một tờ quảng cáo nói ‘học thử bơi nghệ thuật 2 tuần lễ miễn phí.’ Em nghĩ ‘tại sao lại không?’ Em không biết tiếng Anh nhiều, em không có bạn bè, thực sự là như vậy. Em nghĩ đây sẽ là một cơ hội tốt để gặp gỡ nhiều người và để cố thử một điều gì mới. Và rồi dường như mọi sự khởi đầu từ đó.”

Mary Killman, người biểu diễn đôi với Koroleva, theo môn bơi lội trước khi chuyển sang bơi nghệ thuật. Killman cũng là một thành viên trong đội bơi nghệ thuật 8 vận động viên của Mỹ, nhưng đội bơi 8 người này không tranh được suất dự Olympic London.

Killman nói bơi nghệ thuật là môn thể thao có tính thẩm mỹ rất cao, và nó được chấm điểm ở nhiều góc độ thẩm mỹ, ngay cả trang phục cũng quan trọng.

Killmand nói: “Ban giám khảo sẽ chấm điểm vận động viên vươn cao khỏi mặt nước được bao nhiêu, các động tác nhanh cỡ nào. Còn về mặt nghệ thuật, thì các động tác kết hợp như thế nào với nhạc nền, vận động viên biểu diễn trông có vẻ yêu thích bài biểu diễn của mình hay không.”

Koroleva nói để bài biểu diễn của mình được hoàn hảo phải cật lực tập luyện rất lâu, mất rất nhiều thời gian:

“Nhiều người hỏi em nín thở được bao lâu, hay là làm sao em có thể làm được động tác đó. Tất cả là một quá trình tập luyện rất kỳ công. Tụi em bắt đầu tập từ khi còn rất nhỏ, bắt đầu bằng bài tập bơi lặn dọc theo chiều dài của hồ bơi. Ban đầu chúng em không thể nào làm được vì buồng phổi quá nhỏ, không giữ đủ hơi để đi hết đường bơi. Nhưng qua thời gian tập luyện sẽ quen dần. Tóm lại là mất rất nhiều năm tháng tập luyện và lập đi lập lại các bài tập.”

Mariya Koroleva và Mary Killman hy vọng là sự khổ công tập luyện của họ sẽ nhận được kết quả tại Olympic London. Trong cuộc tranh tài cuối cùng trước Thế vận hội mùa Hè này, đôi vận động viên này đã đoạt được huy chương vàng giải Thụy Sĩ Mở rộng diễn ra trước đây trong tháng 7 này.

Bơi thẩm mỹ và thể dục nhịp điệu là hai môn thể thao Olympic dành riêng cho phái nữ. Bơi thẩm mỹ lần đầu tiên trở thành môn thể thao Olympic vào năm 1984, nhưng chỉ có nội dung đơn và đôi, cho đến năm 1996 thì nội dung đồng đội mới được đưa vào tranh tài.

Tại cuộc thi tranh suất dự Olympic diễn ra hồi tháng 4 vừa qua được tổ chức tại thủ đô nước Anh, đội bơi thẩm mỹ của Hoa Kỳ không tranh được vé dự Olympic London. Ðây là lần đầu tiên Mỹ không có đội bơi thẩm mỹ tranh tài kể từ năm 1996, khi nội dung bơi thẩm mỹ đồng đội xuất hiện lần đầu tiên tại Olympic Atlanta, và đội Mỹ đã đoạt huy chương vàng.

Tại Olympic 2004 ở Athens, đôi bơi thẩm Mỹ Alison Bartosik và Anna Kozlova của Mỹ giành được huy chương đồng, đứng sau Nga và Nhật Bản.

Hai nước vừa nêu này đã nổi lên thành cường quốc của môn bơi thẩm mỹ. Nga đã giật hàng loạt huy chương trong các nội dung bơi thẩm mỹ trong suốt 3 kỳ Olympic vừa qua, và giành tất cả huy chương vàng ở nội dung đồng đội và đôi kể từ năm 2000.

Ðôi Anastasia Ermakova và Anastasia Davydova đoạt huy chương vàng hai kỳ Olympic liên tiếp gần đây nhất để đưa Nga lên vị trí cao nhất thế giới trong môn thể thao này.

Năm 2008, Canada và Mỹ không tiến được đến bục huy chương Olympic ở Bắc Kinh, khi hai nước này xếp thứ 4 và thứ 5 sau Nga, Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Canada là 1 trong 8 nước có đội bơi nghệ thuật dự thi Olympic London. Các nước kia là Australia, Trung Quốc, Ai Cập, Anh, Nhật Bản, Nga và Tây Ban Nha.

Các cuộc tranh tài bơi thẩm mỹ của Olympic London sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 10 tháng 8.
XS
SM
MD
LG