Đường dẫn truy cập

Ðảng Dân chủ Hong Kong họp với Bắc Kinh về vấn đề bầu cử


Nhà lập pháp Thang Gia Hoa, một trong 10 người ngồi vào bàn họp với các giới chức Bắc Kinh.
Nhà lập pháp Thang Gia Hoa, một trong 10 người ngồi vào bàn họp với các giới chức Bắc Kinh.
Trung Quốc đã hứa rằng công dân Hong Kong sẽ có thể bầu vị hành chánh trưởng quan của lãnh địa này vào năm 2017, và được bầu quốc hội vào năm 2020. Nhưng khi kỳ hạn đến gần hơn cho việc phổ thông đầu phiếu, thì các quy định về cách thức dân chúng sẽ bỏ phiếu vẫn còn rất chia rẽ. Một cuộc tham khảo ý kiến ở Thượng Hải giữa các chính trị gia Hong Kong và các giới chức Bắc Kinh đã kết thúc, và một số người thân đảng Dân chủ ở Hong Kong từ chối không chịu tham gia thương thuyết. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Rebecca Valli gửi về bài tường thuật sau đây.

Hội nghị Thượng Hải nằm trong khuôn khổ một cuộc thương nghị để tìm ra các quy định về cách thức Hong Kong sẽ bỏ phiếu vào năm 2017.

Cuộc tranh luận về chi tiết đã chia rẽ các chính trị gia ở Hong Kong, nhất là trong nhóm thân dân chủ nơi một số nhà lập pháp nhất mực đòi công chúng hoặc đảng phái đề cử các ứng cử viên, điều mà Bắc Kinh đã cực lực từ chối.

Nhà lập pháp toàn dân chủ Thang Gia Hoa nói 14 trong số 27 nhà lập pháp Hong Kong trong nhóm của ông đã đồng ý đi Thượng Hải để hội ý.

“Vào lúc nhóm người đầu tiên tới nơi, một trong các nhà lập pháp bị phát hiện có mang theo tài liệu ngày 4 tháng 6, có liên quan đến vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, mà hải quan Trung Quốc coi là một vấn đề phi pháp. Họ tìm cách thuyết phúc ông Lương, tức nhà lập pháp này, chớ nên mang theo những tài liệu bất hợp pháp đó, và ông Lương đã từ khước, và kết quả là ông phải quay lại Hong Kong mà không đến được Thượng Hải.”

Các nhà lập pháp khác trong nhóm thân dân chủ đã tẩy chay cuộc họp để ủng hộ ông Lương.

Ông Thang là một trong 10 người rút cục đã ngồi vào bàn họp với các giới chức Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ cuộc họp rất thân thiện. Mỗi bên nêu ra suy nghĩ và các lập luận hỗ trợ cho các chủ trương của mình. Không đạt được sự đồng thuận mới nào, và không có ai trông đợi rằng một vấn đề phức tạp như cải cách dân chủ ở Hong Kong có thể được giải quyết chỉ trong một cuộc họp.”

Bắc Kinh đã khẳng định rõ rằng họ không muốn dân chúng Hong Kong trực tiếp chọn các ứng cử viên vào chức hành chánh trưởng quan.

Thay vì thế, chính quyền muốn điều họ gọi là một uỷ ban đề cử “đại diện rộng rãi” chọn các ứng cử viên ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử.

Giới hữu trách ở Bắc Kinh nói một sự sắp xếp như thế là dựa vào Bộ luật Cơ bản, tức tiểu hiến pháp của Hong Kong đã có hiệu lực sau khi thành phố được trao trả cho Bắc Kinh vào năm 1997.

Nhưng một số đảng viên dân chủ ở Hong Kong lo sợ rằng một sự sắp xếp như thế sẽ loại trừ ra khỏi cuộc đua các chính trị gia có lập trường chỉ trích Hoa lục.

Họ đã vận động đòi một cuộc tuyển lựa các ứng cử viên mang tính cách dân chủ hơn, kể cả việc dành cho dân chúng và các đảng phái ở Hong Kong quyền được đưa ra các tên tuổi.

Ông Vương Diệu Tông, một giáo sư chính trị học tại trường Ðại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nói rằng tuy cuộc họp ở Thượng Hải là một nỗ lực bước đầu hướng tới thỏa hiệp, vẫn còn rất nhiều sự chia rẽ.

Ông Vương nói “Hai bên có các định nghĩa khác nhau về quyền phổ thông đầu phiếu, vì thế khó mà bàn về những vấn đề này. Nhưng đây là một bước đầu.”

Một số đảng viên toàn dân chủ, trong đó có ông Lương Quốc-Hùng, nhà lập pháp đã bị cấm ở phi trường đêm thứ sáu vừa qua, nói rằng họ muốn các giới chức ở lục địa đề nghị mở thêm các cuộc họp ở Hong Kong.

Một cuộc hội ý công chúng kéo dài 5 tháng đang được xúc tiến ở Hong Kong, và có thể đem lại thêm thông tin về điều mà công luận cho là các kế hoạch được đề xuất tính đến nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG