Đường dẫn truy cập

Đại sứ Ted Osius: Việt Nam sẽ đến gần với Mỹ hơn


Khách dự chụp hình lưu niệm với Đại sứ Ted Osius (ảnh Bùi Văn Phú).
Khách dự chụp hình lưu niệm với Đại sứ Ted Osius (ảnh Bùi Văn Phú).

“Đại hội Đảng tại Việt Nam vào đầu năm tới sẽ ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ”, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius phát biểu trong buổi tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở San Jose hôm 14/7.

Ông cho biết đến nay đã có năm ủy viên Bộ Chính trị thăm viếng Hoa Kỳ và chuyến đi tuần qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người luôn nghi ngờ quan hệ với Mỹ, là một chuyến đi lịch sử trong quan hệ hai nước.

Theo lời đại sứ, một thăm dò nội bộ cho thấy có đến 92% người Việt, già cũng như trẻ, từ cả ba miền bắc trung nam muốn có quan hệ thân thiết hơn với Hoa Kỳ. Còn quốc gia nào quan trọng đối với tương lai của Việt Nam thì Hoa Kỳ cũng đứng cao nhất, Nhật Bản được một nửa so với Mỹ, Nga ít hơn nữa và con số dành cho Trung Quốc rất thấp.

Ông nói: “Giới trẻ ở Việt Nam ngày nay muốn đất nước của họ như Mỹ, chứ không muốn giống Trung Quốc.”

Đây là thời điểm để hai nước nắm bắt lấy cơ hội xây dựng mối quan hệ tốt hơn, kể từ khi nối lại bang giao cách đây hai mươi năm và người đại diện Hoa Kỳ tại Hà Nội tỏ ra lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ-Việt.

Hơn 100 người đã tham dự buổi thảo luận với Đại sứ Ted Osius tại phòng họp của hội đồng thành phố San Jose. Nghị viên Ash Kalra điều hợp chương trình.

Ông Ted Osius nhận nhiệm sở từ cuối năm 2014 và là vị đại sứ Mỹ thứ sáu tại Việt Nam kể từ khi bang giao hai nước mở ra vào năm 1995.

Là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên đến Hà Nội sau khi hai nước thiết lập bang giao, ông Osius có nhiều kinh nghiệm làm việc ở đó. Ông nói được tiếng Việt và am hiểu lịch sử Việt Nam. Đại sứ Mỹ đã dùng tiếng Việt để chào mọi người và giải thích tại sao ông nói giọng bắc. Ông bắt đầu học tiếng Việt với một giáo viên nói giọng nam, sau đó học thêm với các giáo viên nói giọng bắc, nên tiếng Việt của ông bây giờ có giọng bắc. Sau đó ông nói tiếng Anh để bắt đầu bài nói chuyện.

1. Giáo dục và quan hệ hai nước

Đại sứ Ted Osius (ảnh Bùi Văn Phú).
Đại sứ Ted Osius (ảnh Bùi Văn Phú).

Đại sứ Ted Osius đã nhắc đến chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuần qua với kết quả tốt trong nhiều lãnh vực. Việt Nam đã ký hợp đồng mua hàng của Mỹ trị giá 13 tỉ đô-la. Hà Nội cũng đồng ý cho mở Đại học Fulbright tại Việt Nam, một đại học mà lãnh đạo Việt Nam từ cấp cao nhất đã hứa sẽ cho được độc lập và quyền tự do học thuật. Đại học Fulbright – Fulbright Economic University – chú trọng vào lãnh vực giảng dạy kinh tế và dự kiến sẽ mở trường đầu tiên vào năm tới, năm 2017 và 2018 sẽ mở thêm hai địa điểm nữa.

Đại học này có ưu tiên cho những người hoạt động dân chủ hay cho con cái họ, Đại sứ Osius cho biết tiêu chí nhận vào dựa trên thành tích học tập và sẽ không có phân biệt vì bất cứ lí do nào vì đó là chính sách của Hoa Kỳ. Để được nhận vào trường, các em phải là học sinh giỏi.

Nhiều câu hỏi về giáo dục và các chương trình học bổng được nêu lên. Quỹ học bổng VEF (Vietnam Education Fund) đến năm 2018 sẽ hết ngân sách; ông Osius cho biết phiên bản VEF 2.0 đang được bàn thảo và có những người ở Việt Nam sẵn sàng đóng góp 1 đô-la cho mỗi đô-la gây quỹ được. Đại sứ nói trên 300 du sinh cấp tiến sĩ đã đến Mỹ học tập trong các ngành về khoa học và kỹ thuật qua quỹ VEF là một đóng góp tốt cho nền giáo dục của Việt Nam và ông muốn chương trình học bổng này được tiếp tục.

Hiện có 17 nghìn sinh viên từ Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ và ông muốn con số này tăng lên nữa vì đại sứ quán Mỹ không có giới hạn trong việc cấp visa cho sinh viên Việt đến Mỹ học tập.

Du sinh có phải đa số là thành phần con cái cán bộ giầu có? Ông Osius cho biết họ từ những gia đình có nhiều tiền nên có thể gửi con qua Mỹ học, một số có quan hệ chính trị nhưng không phải tất cả. Sứ quán thường đưa nhân viên đến các trường trung học năng khiếu nói chuyện với học sinh về những chương trình học bổng tại Hoa Kỳ và khuyến khích các em nộp đơn.

Theo lời Đại sứ Osius, chương trình Peace Corps, bị đình trệ từ năm 2008, chắc chắn sẽ mở ra trong năm nay với thiện nguyện viên Mỹ được đưa về một số tỉnh để dạy tiếng Anh.

Về việc những tổ chức thiện nguyện của người Mỹ gốc Việt muốn trực tiếp giúp các em thiếu nhi có cơ hội đến trường và bị nhà nước làm khó dễ, ông Osius nói những công tác như thế là việc làm rất tốt. Theo ông, nhà nước vẫn chưa hiểu được là người Việt hải ngoại không phải là kẻ thù của chế độ. Ông biết có nhiều hội đoàn thiện nguyện về Việt Nam làm việc, nhưng nếu không muốn gặp rắc rối thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam, dù có những điều luật mình không thích.

Đại sứ còn nói ông không hiểu vì sao đến nay nhà nước Việt Nam vẫn không cho các giáo hội góp phần vào việc giáo dục bằng cách mở trường học, cơ quan từ thiện.

2. Đầu tư, nhân quyền và TPP

Đại sứ Ted Osius, phải, và Nghị viên Ash Kalra (ảnh Bùi Văn Phú)
Đại sứ Ted Osius, phải, và Nghị viên Ash Kalra (ảnh Bùi Văn Phú)

Khi nào Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường? Đại sứ Osius cho biết có tất cả 6 điều kiện của lập pháp Mỹ, do Bộ Thương mại phụ trách, khi nào Việt Nam hội đủ thì sẽ được công nhận. Theo ông, đây không phải là điều kiện chính trị mà là những điều luật của luật pháp Mỹ.

Trả lời câu hỏi về những dự án của người Việt hải ngoại sau khi thành công bị nhà nước đưa ra đủ thứ luật lệ để làm khó dễ nên có người mất tất cả. Đại sứ Osius thừa nhận là vấn đề đó không chỉ xảy ra với công ty của người Việt hải ngoại mà cho các công ty của người nước ngoài nói chung. Chỉ những công ty lớn như Intel, Boeing, GE hay Proctor&Gamble mới không bị công an đòi tiền.

Ông hy vọng là sau khi Việt Nam tham gia TPP, sự minh bạch và những điều kiện đầu tư vào Việt Nam sẽ được cải tiến vì những ràng buộc pháp lý kèm theo.

Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh đến sự quan trọng khi Việt Nam gia nhập TPP. Trong các thảo luận giữa Tổng Bí thư Trọng và Tổng thống Obama, mà ông cũng có tham dự, Tổng thống Obama đã rất thẳng thắn nói rõ với lãnh đạo Việt Nam là cần có cải tiến nhân quyền, cho công nhân lập công đoàn độc lập, người dân tự do hội họp, phát biểu, có tự do tôn giáo.

Đó là những quan tâm mà người Mỹ gốc Việt đã bày tỏ với ông. Các dân biểu Ed Royce, Loretta Sanchez, Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Mike Honda, Dana Rohrabacher cũng đã yêu cầu Tổng thống Obama đặt vấn đề với lãnh đạo Việt Nam.

“Muốn gia nhập TPP hay bắt giam những blogger, muốn tăng GDP 30% hay bỏ tù người bất đồng chính kiến. Việt Nam sẽ không thể vào TPP trừ khi có tiến bộ trong hồ sơ nhân quyền”, Đại sứ Osius nói.

Đại sứ cho biết từ ngày ông nhận nhiệm sở chỉ có một người hoạt động nhân quyền bị bắt. Con số tù nhân lương tâm tuy giảm nhưng vẫn còn quá cao.

Một bình luận cho rằng Hà Nội sẽ làm đủ cách để vào TPP, rồi họ cũng sẽ hành xử tồi tệ như trước đây sau khi gia nhập WTO, BTA. Hiện nay công an không bắt giam nhưng họ đánh đập dã man những người hoạt động cho nhân quyền. Đại sứ thừa nhận có chuyện này, nhưng nhân quyền tại Việt Nam không thể đi lùi. Ông đã đón tiếp tại tư dinh một người chỉ vì muốn bảo vệ cây xanh Hà Nội và bị đánh. Chuyện đến nhà đại sứ Mỹ có thể nguy hiểm cho họ, và vài người bạn nữa cùng đến, nhưng anh nói không sợ, Đại sứ Osius kể lại.

Còn nếu một người hoạt động cho dân chủ nhân quyền và bị truy bức hay nguy hiểm đến tính mạng và chạy vào sứ quán Mỹ, ông đại sứ có cho tị nạn không? Ông Osius nói sứ quán sẽ liên lạc với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc để giải quyết vấn đề.

Đại sứ Ted Osius nói ông là “Chief Human Rights Officer” và các nhân viên sứ quán đều là “Human Rights Officer” và đi đâu cũng mang trong túi tấm giấy nhỏ về những quyền căn bản để khi cần thảo luận với quan chức nhà nước Việt Nam.

Liệu Hoa Kỳ có kế hoạch giúp đưa đến sinh hoạt dân chủ, đa đảng tại Việt Nam, ông khẳng định: “Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị và không có ý định thay đổi chế độ tại Việt Nam.”

“Tôi không thể tiên đoán tương lai của Việt Nam. Tôi không thúc đẩy dân chủ nhưng tôi thúc đẩy cho quyền làm người của dân Việt.”

Ông đại sứ giải thích rằng ông muốn người Việt được hưởng những quyền ghi trong Hiến pháp 2013, những cam kết với quốc tế về quyền con người và giúp Việt Nam trở thành một quốc gia tôn trọng pháp quyền (rule of law).

Phía Hoa Kỳ đã góp ý với nhà nước Việt Nam trong việc sửa đổi một số điều luật dân sự và hình sự cho phù hợp với những công ước quốc tế đã ký. Quốc hội Việt Nam đang soạn thảo một bộ luật về tôn giáo và có tham khảo với Mỹ để có được một bộ luật cởi mở hơn.

Một người nêu lên trường hợp có cô em gái bị cấm xuất cảnh chỉ vì làm việc nấu bếp trong một ngôi chùa không thuộc giáo hội quốc doanh. Đại sứ Osius cho biết tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là rất khó khăn, ông và một số dân cử đã có dịp gặp Hoà thượng Thích Quảng Độ, hiện vẫn bị quản chế tại chùa.

3. Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà và Bức Tường Đá Đen

Khách trong buổi thảo luận tại phòng họp của hội đồng thành phố San Jose (ảnh Bùi Văn Phú)
Khách trong buổi thảo luận tại phòng họp của hội đồng thành phố San Jose (ảnh Bùi Văn Phú)

Nhiều người lên tiếng yêu cầu ông đại sứ quan tâm đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà và thương phế binh Việt Nam Cộng hoà. Khi được hỏi ông có dự định thăm nghĩa trang không, ông Osius nói chưa, nhưng không có nghĩa ông sẽ không thăm. Hiện ông có chiến lược là thực hiện việc đưa hài cốt của những người chết trong các trại học tập cải tạo về một nơi để gia đình họ có thể thăm viếng vì đó là một truyền thống Việt.

Theo lời đại sứ, nhiều người ở Quận Cam không thích nghe ông nói về hoà giải. Ông thừa nhận đây là việc khó khăn vì hoà giải đòi hỏi nỗ lực từ hai phiá.

Về hoà giải Mỹ-Việt, có người hỏi rằng trước nay đã có lãnh đạo Việt Nam nào đã đến thăm đài tưởng niệm chiến binh Hoa Kỳ hy sinh tại Việt Nam (Vietnam War Memorial) ở Thủ đô Washington chưa. Đại sứ Osius cho biết trong chuyến đi Mỹ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có đề nghị đến thăm đài tưởng niệm này, nhưng ông Trọng chọn thăm Đài Tưởng niệm Thomas Jefferson. Đại sứ Osius xem việc làm đó cũng có ý nghĩa vì Jefferson đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập mà sau này Hồ Chí Minh đã dùng nhiều ý tưởng trong đó để viết Tuyên ngôn Độc lập cho Việt Nam.

Hỏi ông đã có thăm, chính thức hay không chính thức, Lăng Hồ Chí Minh? Đại sứ Osius cho biết khoảng hai mươi năm trước ông đã vào thăm, khi mới đến Việt Nam làm việc và Đại sứ Pete Peterson khi còn làm việc ở Hà Nội cũng đã vào thăm.

4. Chuyện lá cờ vàng

Tham dự thảo luận có đại diện tổ chức cộng đồng, hội đoàn từ thiện, nhân quyền, tổ chức đấu tranh dân chủ và báo chí Việt ngữ trong vùng (ảnh Bùi Văn Phú)
Tham dự thảo luận có đại diện tổ chức cộng đồng, hội đoàn từ thiện, nhân quyền, tổ chức đấu tranh dân chủ và báo chí Việt ngữ trong vùng (ảnh Bùi Văn Phú)

Trong buổi tiếp xúc, có sự kiện một phụ nữ khi vào phòng họp đeo trên cổ một dây vải hình cờ Việt Nam Cộng hoà và đã bị nhân viên của Nghị viên Ash Kalra yêu cầu tháo ra. Bà cho đó là vi phạm nhân quyền của bà.

Đại sứ Osius trả lời: “Tôi tuyệt đối tôn trọng biểu tượng và lá cờ này. Bà mang trên người không có vấn đề gì hết. Cũng như những dân biểu mang biểu tượng đó.”

Rồi đại sứ giải thích, vì là một đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ được ủy nhiệm làm việc tại Hà Nội, ông không thể “chụp hình mà phía sau hay trước bục diễn thuyết có lá cờ đó. Vì làm thế tôi sẽ không được trở lại Việt Nam làm việc được nữa. Vì vậy tôi đã yêu cầu không có treo cờ đó.”

5. Xung đột Biển Đông

Nếu Trung Quốc xâm lăng, Hoa Kỳ sẽ có giúp Việt Nam? Đại sứ Mỹ nói chỉ một quốc gia không được thông minh mới đi xâm lăng Việt Nam. Ông dẫn chứng lịch sử Việt với Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ đã được đặt tên đường đều là những anh hùng chống lại Trung Quốc, trừ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Theo lời đại sứ, Việt Nam ngày nay đang tìm mua những vũ khí phòng thủ từ Hoa Kỳ cũng như từ nhiều quốc gia khác để tự vệ nếu cần. Người Việt “tough” lắm, đó là nhận xét của Đại sứ Mỹ.

Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của Hoa Kỳ là không ủng hộ nước nào và muốn giải quyết vấn đề theo công pháp quốc tế. Trung Quốc muốn giải quyết riêng với từng nước, Hoa Kỳ muốn các nước có tranh chấp với Trung Quốc đứng chung với nhau. Đại sứ Osius nhấn mạnh, từ 239 năm nay Hoa Kỳ đã bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển, trên không cho mình và cho các nước trên thế giới, vì thế Hoa Kỳ sẽ không để cho Trung Quốc ngăn cản lưu thông. Ông nói Hoa Kỳ và Việt Nam đồng quan điểm với nhau về vấn đề này.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG