Đường dẫn truy cập

Vụ tàu VN mất tích: 'Cướp biển dí súng vào đầu thuyền trưởng'


Tàu Sunrise 689 thuộc Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng.
Tàu Sunrise 689 thuộc Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng.

Thuyền phó của con tàu chở dầu mất tích cho VOA Việt Ngữ biết như vậy sau khi được cướp biển thả hôm nay, 9/10.

Ông Phạm Văn Hoàng cho hay, sau những sóng gió mấy ngày vừa qua, các thuyền viên trên tàu “bây giờ tinh thần đã ổn định và khỏe lại”.

Ông cho biết thêm là có hai người bị thương, nhưng không nghiêm trọng.

Thuyền phó này kể với VOA Việt Ngữ về những gì đã xảy ra với thủy thủ đoàn:

“Cướp biển Indo trèo lên tàu và tấn công tàu. Nó bịt mặt hết. Nó có dao và súng. Nó dí dao và súng vào người rồi đó đánh trực ban ở trên buồng lái, xong nó xuống buồng thuyền trưởng, nó dí súng vào đầu thuyền trưởng và dần dần nó khống chế tất cả các thuyền viên trên tàu và nó giam giữ tại một phòng”.

Khi được hỏi vì sao lại biết đó là cướp biển Indonesia, ông Hoàng nói rằng bọn chúng nói với nhau bằng tiếng Indo.

Ông Hoàng cho biết thêm cướp biển đã lấy đi 2.000 tấn trong số khoảng 5.000 tấn dầu mà công ty ông chở thuê cho Singapore.

Cướp biển bịt mặt hết. Nó có dao và súng. Nó dí dao và súng vào người rồi đó đánh trực ban ở trên buồng lái xong nó xuống buồng thuyền trưởng, nó dí súng vào đầu thuyền trưởng và dần dần nó khống chế tất cả các thuyền viên trên tàu...
Thuyền phó Nguyễn Văn Hoàng.

Tàu Sunrise 689 thuộc Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng rời cảng ở Singapore hôm 2/10 và dự kiến đã cập cảng ở tỉnh Quảng Trị hôm 5/10 nhưng chính quyền đã mất tín hiệu với tàu này suốt mấy ngày qua, khiến thân nhân của 18 thuyền viên trên tàu “đứng ngồi không yên”.

Chị Nguyễn Thị Thu Lan, vợ của một trong 18 thuyền viên trên tàu Sunrise 689, kể với VOA về cú điện thoại ngắn ngủi của chồng chị sau khi được thả:

“Em cũng yên tâm rồi. Sáng nay chồng em có gọi về trong khoảng 30 giây, thông báo rằng tàu bị cướp biển tấn công và vứt hết trang thiết bị và điện thoại xuống biển. Tóm lại là không còn gì cả. Báo với gia đình yên tâm và bây giờ đang trên đường để đi về Việt Nam”.

Sau khi tàu mất tích, Việt Nam đã nhờ các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore giúp đỡ.

Loại bỏ khả năng tàu bị tai nạn vì thời tiết xấu, giới hữu trách Việt Nam cũng đã lường trước về khả năng con tàu bị cướp biển tấn công.

Ở Malacca là điểm nóng về cướp biển. Nó cướp tiền, của, tài sản của tàu và chủ yếu là nó bơm, lấy hàng của tàu.
Thuyền phó tàu Sunrise 689 Nguyễn Văn Hoàng.

Ông Nguyễn Vũ Điệp, quan chức công ty sở hữu tàu Sunrise 689, cho VOA Việt Ngữ hay rằng lực lượng cảnh sát biển đã lên tàu để làm việc với thủy thủ đoàn, và thay vì mũi Cà Mau như nhiều báo trong nước đưa tin, con tàu sẽ cập cảng ở Vũng Tàu.

Ông Điệp nói:

“Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Chứ bây giờ cập các đảo của Việt Nam không an toàn, và không có nhiều phương tiện để, thứ nhất là đi lại và thứ hai là để củng cố, trang bị để mình chạy về cảng trả hàng. Tối nay mình sẽ bay vào trong Sài Gòn rồi vào Vũng Tàu và gặp gỡ anh em, và trao đổi các vấn đề. Anh em qua cơn hoạn nạn thì chúc mừng anh em. Chia sẻ cùng anh em”.

Khu vực Đông Nam Á năm nay chứng kiến nhiều vụ cướp táo tợn do hải tặc thực hiện, nhất là tại Eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Malay thuộc Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia.

Thuyền phó Phạm Văn Hoàng xác nhận điều này:

“Vùng biển này thì có nhiều vụ cướp biển. Ở Malacca thì nó là điểm nóng về cướp biển. Nó cướp tiền, của, tài sản của tàu và chủ yếu là nó bơm, lấy hàng của tàu.”

Từ đầu năm tới nay, đã có ít nhất 10 vụ cướp biển tấn công rồi lấy đi hàng hóa ở khu vực Đông Nam Á.

Những sự việc này dẫn tới các lo ngại rằng tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất khu vực có thể lại trở thành một nơi hoạt động mạnh của hải tặc sau khi đã bị hải quân các nước trấn áp trong thập kỷ qua.

VOA Express

XS
SM
MD
LG