Đường dẫn truy cập

Con mèo đi về đâu?


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi mới đọc được mẩu tin nho nhỏ, mà chắc chả mấy ai bận tâm, mẩu tin cũng nhẹ nhàng tình “củm” có tựa đề là “How did this Swedish cat turn up in south France?”. Tức là có một chú mèo tên là Glitter sống ở Bromolla, miền nam Thụy Điển mất tích đã 8 tuần. Anh chủ Sammy Karlsson tưởng chừng như sẽ không có hy vọng tìm lại được Glitter nữa thì bỗng dưng vào đúng tuần lễ Thanksgiving, anh nhận được một cuộc gọi từ vùng Nimes tại miền nam nước Pháp hỏi anh về chú mèo lông xù này. Sammy ngạc nhiên tới mức anh tưởng người ta đang đùa cợt mình, nhưng khi bức hình được gửi đến, thì chú mèo đó chính xác là Glitter của anh. Trong một bài phỏng vẫn, anh nói đùa rằng “Có lẽ Glitter đã phải lòng một cô gái Pháp nào đó, và chàng quyết định đội chiếc mũ bê rê.” Hiện chàng mèo đang được tiêm phòng và làm quốc tịch Pháp sau đó sẽ được gửi trả về với chủ tại Thụy Điển.

Câu chuyện mới đáng yêu làm sao, cứ tưởng tượng một chú mèo thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu, chu du hơn 1,700km, mà tự dưng cũng muốn mình được như thế, vô lo vô nghĩ. Điện ảnh quốc tế cũng có vô số những bộ phim kể về các con vật nuôi đi lạc và được trải nghiệm đủ sắc màu, mùi vị cuộc sống khi không ở bên cạnh chủ. Hoặc có những tác phẩm văn học với chủ đề chú chó, chú mèo đi vạn dặm để tìm chủ của mình…

Chợt nhớ Việt Nam cũng có một tác phẩm đọc rất đỗi ám ảnh, Lão Hạc của Nam Cao. Lão Hạc có con Vàng, ngoan ngoãn nghe lời, rồi vì cuộc sống túng quẫn nghèo khổ mà cũng phải bán nó đi, cảnh cậu Vàng bị bắt, Nam Cao tả: “Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm im như nó trách tôi, nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!” Sau đó, lão Hạc ăn bả chó tự vẫn, vẫn rất nhiều bài phân tích rằng lão chết bởi nghèo quá, khổ quá, mà tôi nghĩ, là lão không sống nổi với bản thân mình sau khi lừa bán đi “cậu” Vàng, lão thấy mình đê tiện và đốn mạt quá.

72 năm sau, con cháu của lão Hạc vẫn sống khơi khơi hàng ngày bằng dăm ba bữa thịt chó. Đến cuối tháng, họ ăn thịt chó thịt mèo càng ác liệt để…giải đen. Những quán thịt chó cứ nằm chồm hỗm giữa mọi nẻo đường góc phố, họ buộc chó mèo gầy gộc trước cửa quán, treo lủng lẳng các bộ phận thân thể để giao bán. Quán hun khói xôn xao, người ra vào nhộn nhạo. Ông Nam Cao “đội mồ sống dậy” chắc ngẩng mặt lên trời mà tiếc, biết thế hồi ấy ta cho lão Hạc tự thịt luôn cậu Vàng, mở tiệc thết rượu, ấy có phải là tác phẩm hợp thời hợp thế không? Việc lên án ăn thịt chó, mèo tại Việt Nam đã trở thành đề tài bàn tán từ rất lâu, những người yêu động vật lên tiếng khản cổ để bảo vệ quyền lợi của vật nuôi cuối cùng cũng giơ tay hàng vì các lý do cùn hết sức kiểu như: dừng ăn thịt gà thịt heo đi rồi kêu người ta dừng ăn thịt chó, mèo; nước Hàn cũng ăn thịt chó nè, qua đó kêu người ta không ăn trước đi…

Trước hết, tôi khẳng định tại các thành phố, đô thị lớn tại Hàn, không có cửa hàng thịt chó. Việc một cửa hàng giăng biển “Thịt chó ABC” tại giữa thủ đô Seoul chẳng hạn, là một hình ảnh hết sức mất mặt, chính quyền có thể yêu cầu xử phạt đóng cửa tiệm ngay lập tức. Nơi nào bán thịt chó chỉ được phép in cái biểu tượng đỏ đỏ nho nhỏ trong thực đơn, và có xưởng nuôi giống như các loại con vật khác chứ không đi bắt trộm chó lang thang đi lạc như ở xứ ta, vì không ai đảm bảo được chất lượng thịt không rõ xuất xứ nguồn gốc. Với lại, dân nước họ cũng không gân cổ lên cãi chày cãi cối khi bị lên án ăn thịt chó mèo, họ xấu hổ lắm, họ thường lắc đầu nguầy nguậy từ chối đây đẩy, bảo rằng chỉ có người vùng quê mới làm cái việc kém văn minh ấy thôi. Cho nên qua Hàn một thời gian lâu, tôi vẫn chưa gặp được nhân vật máu mặt nào ăn thịt chó để dò hỏi cả, xem cái món đó có được xếp vào dạng “văn hóa ẩm thực quốc gia” chăng?

Thứ hai, việc mỗi dân tộc ăn thịt con này, không ăn thịt con kia, thường mang tính tâm linh biểu tượng. Người Hindu không ăn thịt bò vì chúng là hiện thân của thần thánh hay người Isarel nhất quyết không đụng đến thịt lợn vì cho rằng đây là thứ thịt dơ bẩn...Cả ngàn năm nay chó mèo đã trở thành biểu tượng của tình yêu vô tư lự, của tình bạn không vụ lợi và của sự trung thành hết mực. Con người văn minh không ăn thịt chúng bởi đó là hành động tự hạ thấp giá trị bản thân. Đối với những người như vô số dân Việt, có lẽ họ không thấy và không cho rằng chó, mèo mang biểu tượng như vậy, cho nên ăn thịt con nào cũng như nhau, có khác là ở hương thơm, mùi vị. Thế nên việc cấm họ ăn thịt những vật nuôi như vậy là rất khó hiểu. Bởi không tồn tại một giá trị biểu tượng đẹp đẽ như thế, cho nên ở cái xã hội nhốn nháo như nước ta, con người đôi khi còn không có được cái giá trị đúng nghĩa như con người, thì nói chi đến con mèo? Sểnh chân ra khỏi cửa là bàn nhậu thẳng tiến. Chuyện chú mèo đội mũ bê rê mãi chỉ là hình ảnh đẹp vô thực ở xứ cổ tích xa xôi nào đó mà thôi.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG