Đường dẫn truy cập

Con lai Hàn ở Việt Nam ‘tổn thương’ vì ‘Hậu duệ mặt trời’


Áp phích phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc.
Áp phích phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc.

Bộ phim Hàn Quốc đang làm mưa làm gió khắp châu Á, trong đó có Việt Nam, nhưng lại đang bị coi “làm đau lòng” các con lai Hàn bị bỏ rơi ở Việt Nam bởi những người cha là binh sĩ Triều Tiên.

Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc đang làm tốn nhiều giấy mực của báo chí trong nước, cũng như được mang ra thảo luận nhiều trên mạng xã hội.

Ca sĩ Bảo Anh cũng nằm trong những fan hâm mộ bộ phim đang gây sốt này. Ảnh chụp từ trang ngoisao.net
Ca sĩ Bảo Anh cũng nằm trong những fan hâm mộ bộ phim đang gây sốt này. Ảnh chụp từ trang ngoisao.net

Nhiều người trẻ cũng như các nghệ sĩ nổi tiếng ở trong nước thậm chí còn ghép ảnh của mình trong các bộ quân phục xuất hiện trong bộ phim nhờ một app (ứng dụng) đặc biệt.

Chính vì điều này, ông Trần Văn Ty, 45 tuổi, một người tự nhận là con rơi Hàn Quốc ở Việt Nam, nó đã gợi lại “nỗi đau của gia đình ông”.

Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:

“Khi tôi xem nội dung của bộ phim đó, tôi cảm thấy nỗi hận. Tôi hận chính mình không làm được, không lên tiếng được, không tranh đấu được. Những người mẹ của chúng tôi mang trong mình một nỗi đau, nỗi hận lớn, nhưng cả một dân tộc Việt Nam họ không biết gì hết.”

Ông Ty nói thêm rằng bộ phim được “hư cấu quá nhiều để đưa vào thị trường Việt Nam” để theo lời ông “xoa lấp đi, xoá mờ đi lớp trẻ, nhân dân Việt Nam”.

Trong khi đó, báo chí trong nước dẫn lời nhiều người xem bộ phim nói về “đề tài quân nhân, tình yêu nước và tinh thần trách nhiệm” rằng “khán giả đang thưởng thức một món ăn giải trí đơn thuần, đừng ép họ phải trở thành cuốn bách khoa toàn thư am hiểu tường tận từ quá khứ tới hiện tại”.

Trái lại, cũng có người nói rằng “không thể coi quân phục như chuyện đùa” và “phải hành xử đúng đắn để đỡ làm tổn thương nạn nhân chiến tranh”.

Khi tôi xem nội dung của bộ phim, tôi cảm thấy nỗi hận. Tôi hận chính mình không làm được, không lên tiếng được, không tranh đấu được. Những người mẹ của chúng tôi mang trong mình một nỗi đau, nỗi hận lớn, nhưng cả một dân tộc Việt Nam họ không biết gì hết.”
Ông Trần Văn Ty, con rơi Hàn Quốc ở Việt Nam, nói.

Tháng Mười năm ngoái, bà Trần Thị Ngải, 74 tuổi, thân mẫu của ông Ty, một trong 10 phụ nữ tự nhận bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam, đã viết thư yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye phải công khai xin lỗi vì những gì lực lượng của nước bà gây ra đối với họ hàng chục năm trước.

Ông Ty cho biết nhiều tháng trôi qua nhưng chưa thấy động tĩnh nào từ chính quyền Seoul.

Trong khi đó, hồi tháng Hai vừa qua, tại một buổi lễ kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát các dân thường ở Bình Định do binh sĩ Triều Tiên thực hiện, Giáo sư Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt, đã gửi lời xin lỗi đến thân nhân các gia đình có người tử nạn.

Các bức ảnh được báo chí trong nước đăng tải cho thấy vị giáo sư này quỳ gập người xuống đất để tạ lỗi. Ông được trích lời nói rằng “thật là xấu hổ” và ông “sẽ luôn ghi nhớ” về vụ thảm sát này. Về việc làm trên, ông Ty nói:

“Sau câu chuyện đó [lên tiếng kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi] thì có một vài vị mang danh là giáo sư đến vùng tác chiến của họ ngày xưa ở Bình Định để xin lỗi người dân bị thảm sát ở đó. Nhưng mà họ dùng chiêu thức đó để xoa dịu người dân Việt Nam. Nhưng nay đã 26 năm kể từ khi tôi lên tiếng, chưa nghe được một câu nói nào từ chính phủ Hàn và người dân Hàn về hành vi hãm hiếp phụ nữ Việt Nam hoặc là họ có con lai ở Việt Nam. Tôi cũng đi tìm đến nơi đó nhưng mà khi tôi gặp họ thì họ lại đi về, họ không trả lời bất kỳ một câu hỏi gì về con lai Hàn hoặc những người mẹ bị hãm hiếp.”

Nay đã 26 năm kể từ khi tôi lên tiếng, chưa nghe được một câu nói nào từ chính phủ Hàn và người dân Hàn về hành vi hãm hiếp phụ nữ Việt Nam hoặc là họ có con lai ở Việt Nam...
Ông Ty nói.

Ông Ty kêu gọi “chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam đồng lên tiếng để họ [Hàn Quốc] phải nhìn thấy rằng dân tộc Việt Nam có sự đoàn kết, dân tộc Việt Nam cũng là dân tộc có văn hóa”.

Các nạn nhân bị tấn công tình dục chính thức khởi động chiến dịch tìm lại công lý hôm 15/10 bằng việc gửi một lá thư ngỏ tới Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và gửi thêm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, với sự hỗ trợ của tổ chức ‘Voices of Vietnam’ ở Hoa Kỳ.

Bà Trần Thị Ngải, một trong các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam. Bà là một trong những phụ nữ ký yêu cầu gửi Tổng thống Park Geun-hye.
Bà Trần Thị Ngải, một trong các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam. Bà là một trong những phụ nữ ký yêu cầu gửi Tổng thống Park Geun-hye.

Bức thư có đoạn: “Chúng tôi viết cho bà hôm nay vì chúng tôi lo sợ rằng các câu chuyện của chúng tôi sẽ bị lãng quên. Nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi chính thức, một sự thừa nhận hay bồi thường từ chính phủ của bà. Chúng tôi kêu gọi bà hãy sử dụng quyền lực và năng lượng của mình để làm dịu bớt nhiều thập kỷ chúng tôi phải chịu đựng nỗi thống khổ và con cái chúng tôi, bị gọi là Con lai đại Hàn, phải chật vật sinh sống.”

Chính phủ Việt Nam chưa công bố con số thống kê các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc tấn công tình dục, nhưng theo bức thư, hiện có khoảng 800 phụ nữ trong số hàng nghìn người từng bị hãm hiếp vẫn còn sống.

Có hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với lực lượng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và người đứng đầu chính quyền Seoul khi ấy là ông Park Chung-hee, thân phụ của đương kim Tổng thống Park Geun-hye.

Truyền hình vệ tinh VOA 31/3/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG