Đường dẫn truy cập

Cơ hội nào cho các nhà làm phim nữ tại Hollywood?


Đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Kathryn Bigelow tại buổi ra mắt phim 'Zero Dark Thirty' ở rạp Dolby, Hollywood, California. 10/12/2012 REUTERS/Mario Anzuoni
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Kathryn Bigelow tại buổi ra mắt phim 'Zero Dark Thirty' ở rạp Dolby, Hollywood, California. 10/12/2012 REUTERS/Mario Anzuoni

please wait

No media source currently available

0:00 0:07:40 0:00
Tải xuống

Trong ngành điện ảnh hiện nay, đang có một sự thiếu cân bằng về giới tính. Một trong những dấu hiệu của điều này là tại Hollywood, số lượng nữ đạo diễn chỉ chiếm 5%. Trong lịch sử trao giải Oscar, vào năm 2010, bà Kathryn Bigelow là nữ đạo diễn đầu tiên giành được giải thưởng danh giá cho hạng mục quan trọng, Đạo diễn Xuất sắc nhất cho phim The Hurt Locker. Tuy vậy, sau chiến thắng này, đại diện phái nữ trong ngành điện ảnh lại bất ngờ sụt giảm một cách trầm trọng. Thực trạng ngành điện ảnh hiện nay đối với phụ nữ là như thế nào và đâu là cơ hội cho các nhà làm phim nữ? Xin mời quý vị theo dõi Câu chuyện Phụ nữ tuần này do Hồng Hoa tổng hợp.

Nữ diễn viên Freida Pinto, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, đã bắt đầu nghiệp diễn xuất năm 22 tuổi. Khi đó, đạo diễn Danny Boyle đã chọn cô cho vai Lakita trong bộ phim ‘Triệu phú Ổ chuột,’ phát hành năm 2008. Theo CNN, mặc dù lần đầu tham gia đóng phim, nhưng nữ diễn viên Freida Pinto đã nhận được rất nhiều lời khen với vai Lakita, một cô gái sống trong một khu ổ chuột và được huấn luyện để trở thành gái mại dâm. Bộ phim sau đó đã đoạt giải Oscars cho phim hay nhất, giải Quả Cầu Vàng, và giải BAFTA của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Điện ảnh Anh Quốc. Pinto cũng đã được đề cử giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải BAFTA.

Nữ diễn viên Pinto trong một cảnh phim 'Triệu phú Ổ chuột' (Ảnh: Warner Bros. Pictures)
Nữ diễn viên Pinto trong một cảnh phim 'Triệu phú Ổ chuột' (Ảnh: Warner Bros. Pictures)
Dường như diễn xuất chưa phải là tất cả với cô Pinto. Cô chia sẻ rằng cô tin là cô đang trên đường trở thành một nhà sản xuất phim bởi vì có rất nhiều câu chuyện mà cô đã từng đọc và cảm thấy được truyền rất nhiều cảm hứng.

Nữ diễn viên Pinto cũng chỉ trích rằng thế giới điện ảnh là hiện do đàn ông chiếm lĩnh. Cô nói rằng nếu cô có thể tham gia vào quá trình sản xuất phim và cộng tác với một ai đó, thì đây là một cách để khiến cô cảm thấy rằng trong nền công nghiệp phim ảnh chủ yếu do đàn ông chiếm lĩnh này, phụ nữ vẫn có tiếng nói. Theo cô, cách duy nhất để có thể giải quyết vấn đề đó là có thêm nhiều nữ tác giả và nữ đạo diễn. Khi đó, bộ phim sẽ có một góc nhìn khác khi cả tác giả kịch bản và đạo diễn là phụ nữ. Đôi khi, có một suy nghĩ sai lầm rằng một nữ đạo diễn không thể giải quyết những vẫn đề mang tính đàn ông, nhưng nữ đạo diễn Kathryn Bigelow nhất định đã chứng mình rằng suy nghĩ này là sai lầm.

Hiệu ứng Bigelow

Theo tờ The Week, khi bà Kathryn Bigelow chiến thắng giải Oscar cho Đạo diễn Xuất sắc nhất với bộ phim The Hurt Locker sản xuất năm 2010, điều này đã rọi sáng một khoảng tối trong nền điện ảnh khi những nhà làm phim là nữ vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.

Trong lịch sử trao giải Oscar, phải mất tới 82 lần trao giải mới có một phụ nữ giành được chiếc cúp cho hạng mục Đạo diễn Xuất sắc và chỉ có ba phụ nữ được đề cử với cùng hạng mục. Ba người được đề cử là nữ đạo diễn Lina Wertmuller cho phim Seven Beauties năm 1976, nữ đạo điễn Jane Campion cho phim The Piano năm 1993, và cuối cùng là nữ đạo diễn Sofia Coppola cho bộ phim Lost In Translation năm 2003.

Chiến thắng của bà Bigelow đã đem lại rất nhiều hy vọng cho các nhà làm phim nữ cũng như các nhà bình luận đến nỗi thuật ngữ ‘Hiệu ứng Bigelow’ đã ra đời. Thuật ngữ này nói đến khả năng phá vỡ rào cản của bà Bigelow và việc này đã tạo ra một cơ hội vô cùng lớn cho phụ nữ làm việc tại Hollywood và nuôi dưỡng những sự thay đổi có thật.

Sự góp mặt của phụ nữ trong ngành điện ảnh

Mặc dù chiến thắng lịch sử của đạo diễn Bigelow đã đem lại sự thay đổi lớn trong nền điện ảnh, nhưng con số trong thực tế về sự tham gia của phụ nữ lại giảm sút. Vào năm 2012, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ trên Truyền hình và Phim ảnh, bà Martha Lauzen, nói rằng phụ nữ chỉ chiếm 5% trong số các đạo diễn ở Hollywood, giảm bốn điểm từ năm 1998. Vào tháng Năm vừa rồi, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng hình ảnh đại diện cho phụ nữ trong các bộ phim ăn khách đã tụt xuống mức thấp nhất trong năm năm qua. Bên cạnh đó, chưa đầy 30% nhân vật có lời thoại trong các bộ phim ăn khách năm ngoái là phụ nữ trong khi con số này từ ba năm trước là 32.8%. Và chỉ hai tuần trước, một cuộc điều tra các kịch bản được bán sau khi viết tiết lộ rằng phần trăm số lượng nữ tác giả bán được kịch bản đã giảm từ 14% trong thập niên 90 xuống còn 9% trong hai năm vừa qua.

Diễn viên Henry Cavill tại buổi ra mắt phim Man of Steel ở New York 10/6/ 2013. REUTERS/Lucas Jackson
Diễn viên Henry Cavill tại buổi ra mắt phim Man of Steel ở New York 10/6/ 2013. REUTERS/Lucas Jackson
Trong nền điện ảnh hiện nay, không chỉ sự tham gia của phụ nữ trong vai trò sản xuất ít hơn đàn ông, sự thiếu cân bằng này còn thể hiện qua đề tài phim. Trong một bài phát thanh của đài NPR, tác giả Linda Holmes đã thảo luận về cuộc săn lùng phim về phụ nữ của bà. Trong số 617 buổi chiếu phim ở thủ đô Washington D.C., có tới 561 buổi chiếu phim về đàn ông, bao gồm các bộ phim ăn khách hiện nay là Man of Steel, This is the End, và Star Trek Into Darkness. Trong 31 suất chiếu, chỉ có ba bộ phim có dàn diễn viên cân bằng nam nữ là Before Midnight, Shadow Dancer, và Wish You Were Here. Cuối cùng, bốn bộ phim về phụ nữ hoặc các cô gái, được chiếu trong 25 suất chiếu là The East, Fill the Void, Frances Ha, và What Maisie Knew.

Chỉ riêng tại DC, 90% các buổi chiếu có nội dung xoay quanh đàn ông, trong khi đó, con số này ở các vùng thưa dân hơn là 100%. Theo tác giả Holmes, vào thời điểm bà thực hiện cuộc nghiên cứu, bộ phim Frances Ha là bộ phim có nội dung xoay quanh phụ nữ được biết tới nhiều nhất, nhưng cũng chỉ được chiếu tại 213 rạp chiếu phim trên toàn nước Mỹ. Trong khi đó, bộ phim Before Midnight có sự cân bằng nam nữ được chiếu tại 891 rạp. Đáng lưu ý, bộ phim hài The Internship, mặc dù nhận được rất nhiều lời chê và đang rất khó khăn trong việc đạt lại doanh thu, đã được chiếu tại 3399 rạp.

Theo bà Holmes, tại rất rất nhiều nơi ở Mỹ hiện giờ, nếu bạn muốn xem một bộ phim ở rạp về phụ nữ; bất cứ đề tài nào về bất cứ người phụ nữ nào; và đó không phải là phim tài liệu hay phim họat hình; thực sự bạn không thể tìm thấy được điều mà bạn muốn.

Phim độc lập, nơi các nữ đạo diễn tỏa sáng

Tuy nhiên, vẫn còn một mảng khác mà phụ nữ có thể tỏa sáng. Đó là mảng phim độc lập. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thành công hơn khi sản xuất các bộ phim độc lập. Liên hoan phim Sundance đã tạo ra một làn sóng đầu năm nay khi thông báo một thông tin chưa từng có tiền lệ: số lượng đạo diễn tham gia gửi phim trong cuộc tranh tài là 50-50 giữa nam và nữ đạo diễn. Và năm nay, các bộ phim độc lập cũng cho thấy một sự hòa trộn đa dạng trong cốt truyện khi không thiên quá về nhân vật nam hay nữ.

Các tấm băng rôn treo trên phố Main trong đợt liên hoan phim Sundance ở Park City, Utah, 17/1/2013.
Các tấm băng rôn treo trên phố Main trong đợt liên hoan phim Sundance ở Park City, Utah, 17/1/2013.
Trong một bài gần đây phổ biến trên Broken Projector, người dẫn chương trình Scott Beggs và Geoff La Tulippe đã thảo luận về sự thiếu cân bằng giới tính tại Hollywood với nhà viết kịch series truyền hình Bunheads kiêm nhà làm phim, bà Beth Schacter. Khi được giải thích điều gì đang biến mất khi ngày càng có ít các nhà làm phim nữ, bà Schacter trả lời rằng bà sẽ phải nói là không có điều gì đang biến mất cả. Phụ nữ không có nhiều các cốt truyện khác nhau để kể, đó là vấn đề. Vấn đề cốt lõi đó là ý niệm phụ nữ kỳ diệu, đặc biệt, hay khác biệt theo một cách nào đó. Những nữ tác giả hay nữ đạo diễn giỏi cho ra đời những câu chuyện hay để viết, để kể, không liên quan gì tới giới tính của họ cả. Các nam đạo diễn có phim hay cũng không liên quan gì tới giới tính của họ. Bà nói rằng, trải nghiệm của bà về thế giới không dựa trên giới tính của bà là gì, mà dựa trên trải nghiệm thực của bà với thế giới.

Theo tờ The Week, tác giả Schacter đã đánh trúng nhưng đồng thời cũng đã sai lầm về một điểm, đó là không có sự bắt buộc nào về giới tính trong khi sáng tạo nghệ thuật. Dĩ nhiên, cả đàn ông và phụ nữ đều có thể và nhất định làm được những bộ phim hay, hấp dẫn về cả đàn ông và phụ nữ. Nhưng điểm mấu chốt không nằm ở đề tài làm phim, mà nằm ở góc nhìn, quan điểm về cuộc sống. Bất kỳ trải nghiệm nào của một người phụ nữ cũng sẽ đưa ra một quan điểm khác biệt với trải nghiệm của đàn ông. Sự khác biệt này được tạo ra không phải do sự khác biệt về mặt sinh học, mà bởi vì sự khác biệt thuộc về cá nhân và môi trường mà liên quan chặt chẽ với giới tính của họ.

Một nghiên cứu gần đây của Sundance chỉ ra rằng các nữ đạo diễn sẽ có khả năng đưa các nhân vật nữ lên màn ảnh hơn là các nam đạo diễn. Có thêm các nhà làm phim nữ có nghĩa là sẽ có thêm nhiều câu chuyện tập trung vào những trải nghiệm của phụ nữ hơn, giống như việc các nam đạo diễn tập trung vào sản xuất các bộ phim xoay quanh các nhân vật nam trong suốt hàng thập kỷ qua, một thói quen đã trở nên bình thường mà nhiều người không nhận ra.

Nguồn: CNN, The Week.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG