Đường dẫn truy cập

Đối phó với các cơn làm nư của trẻ em


Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Đỗ văn Toàn ở tiểu bang Arizona về việc đối phó với các cơn làm nư của trẻ em.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Đỗ văn Toàn ở tiểu bang Arizona có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Trẻ em 2 tuổi làm nư, nín thở.

Lúc cháu không bằng lòng việc gì thì cháu lên cơn làm nư. Ngoài ra, có vẻ cháu không có bịnh gì đáng kể.

Đây có lẻ là một trường hợp cố tình nín thở (phân biệt với ngưng thở là trường hợp một số trẻ sơ sinh thỉnh thoảng không thở kéo dài mấy chục giây, đôi khi đến mức tắt thở, được gọi là apnea). Cơn nín thở ở trẻ em tiếng Anh gọi là breath holding spell đi đôi với triệu chứng gọi là temper tantrum, temper là cái nết dữ, tantrum là cơn giận dữ; temper tantrum chúng ta có thể gọi là cơn nư, ví dụ như chúng ta nói để bé “khóc cho đã nư”. Tuổi lúc mới biết đi của trẻ con, lúc bé chừng mười mấy tháng đến 3-4 tuổi chưa kiểm soát được các ‘cơn bốc đồng’, sự thúc đẩy (impulses) của mình. Lúc từ 12 đến 24 tháng, chúng nghe thì hiểu được khá nhiều nhưng khả năng nói thì ít phát triển hơn, cho nên muốn nói mà nói không được có thể làm cho bé bực bội lắm. Ngoài ra đây là lúc cháu bắt đầu ý thức về sự độc lập của mình (autonomy, independence), bé muốn quyền điều khiển những gì xảy ra chung quanh mình, như muốn làm cái này, làm cái kia, mà trong lúc khả năng chưa cho phép nên lại làm cho nó bực bội (frustrated) thêm. Do đó tùy theo tâm tính từng đứa, có trẻ sẽ rên la, khóc tha ầm ĩ, lăn lộn, vật vã và như trong trường hợp bé ở đây, nín thở chừng vài chục giây đồng hồ, cho người tím ngắt, và sau đó tự nó thở trở lại vì bị ngộp nín thở không nổi nữa. Một số trường hợp hiếm, cháu có thể nín thở hoặc thở nhanh đến mức co giật (seizure) giống như cơn động kinh (epilepsy) nhưng cũng không sao cả (đương nhiên trường hợp này phải cẩn thận theo dõi và nếu cần khám bác sĩ để phân biệt có phải là động kinh hay không).

Làm thế nào giảm các cơn nư này?

1. Ta nên nhớ có thể cháu làm nư vì muốn được người khác chú ý (attention). Nếu chúng ta chứng tỏ là chúng ta quan tâm đến nó bằng cách để ý những cái gì nó thật sự làm tốt và khen thưởng, khuyến khích nó thì nó sẽ bớt đi tìm sự chú ý bằng cách đó.

2. Cho bé một sự lựa chọn nào đó, thay vì ra lệnh cho nó. Cho cháu cơ hội chọn một trong hai ba điều và giảm bớt chiều hướng đề kháng, la lối, khóc lóc.

3. Đừng để cháu trước những gì cám dỗ nó mà không được đụng tới: ví dụ biết nó sẽ phá cái máy đắt tiền thì nên cất cái máy vào một nơi ngoài tầm mắt nó. Nếu dấu những món đồ, món ăn cám dỗ không được, thì nên kiếm món gì khác làm cho nó đảng trí, quên chuyện đó đi.

4. Nhiều trẻ có rất nhiều đồ chơi, mức khó khăn sử dụng các đồ chơi này tùy theo tuổi khác nhau. Nên chọn một số đồ chơi vừa phải để cháu đừng dễ rối trí và chán, nên vừa lứa tuổi nó, vì nếu cho chơi món khó sử dụng quá, nó làm không được, bé lại quạu lên, làm nư thì lại gây chuyện phiền mọi người.

5. Bản thân người lớn cũng nên xét lại xem mình có “khó” quá không. Nếu phụ huynh gò bó bé quá, kiểm soát trẻ nhất cử nhất động, lại gặp một đứa trẻ ‘bướng” lại là một cơ hội cho bé lên cơn nóng giận dữ.

Cháu bé làm nư thì nên làm gì?

-Tất nhiên nếu bé đang ở hoàn cảnh nguy hiểm, như gần lửa, gần nước, thì phải đem nó đi chỗ khác, hoặc kiềm chế nó lại, không nhượng bộ được.

-Đừng nóng giận, la lối theo nó. Đưá trẻ làm nư vì muốn mình chú ý đến nó. Người lớn ồn ào giận dữ sẽ làm cho nó nghĩ rằng nó có thể dùng cơn nư để gây chú ý (dù là chú ý một cách tiêu cực là nóng giận, la lối). Đừng đánh đập nó, nhất là ở Mỹ, nơi mà đa số cha mẹ sẽ dễ bị buộc vào tội bạo hành với trẻ em, mà buộc tội với lý do chính đáng vì nóng giận và võ lực làm ta mất trí khôn, nguy hiểm và tạo gương xấu cho sự giáo dục em bé. Người lớn nên ý thức về tánh giận dữ của chính mình và tập kiểm soát giận dữ. (anger control).

-Xem trẻ làm nư có lý do gì mình thông cảm được không (ví dụ bé bị anh giật đồ chơi) thì an ủi vỗ về nó. Nếu nó làm nư vì muốn đòi một món gì bị cấm đoán, thì cứ làm ngơ, như không thấy, rồi bình tỉnh giải thích cho nó là không được, từ từ nó sẽ bình tỉnh lại. Tránh nhượng bộ dễ dàng vì bé sẽ dùng “chiến thuật” này nữa. Đợi lúc bé hết lên cơn, tự chủ được thì mới khen là nó ngoan vì bé không còn làm dữ nữa.

-Nếu cháu bé có những triệu chứng làm cha mẹ thấy nguy hiểm (như đập đầu vào vách, sàn nhà nhiều lần), phá hoại, cha mẹ cảm thấy nguy hiểm, mất tinh thần, trở nên quá thụ động không còn kiểm soát được tình hình, nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để khám cho em và ước định tình hình, giúp đở cho cha mẹ có những giải pháp thích đáng với hoàn cảnh. Cụ thể nếu cơn nư kéo dài quá 15 phút, xảy ra ba lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn, hoặc sau 4 tuổi mà vẫn thường xảy ra, có khả năng trẻ bị một bịnh thần kinh tâm lý nào đó cần được bác sĩ chuyên khoa khám.Ví dụ, những bé mắc chứng tự kỷ (autism) gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác, í thích bất cứ thay đổi nào trong tập tục, routine của nó, do đó dễ bị bực dọc, bực bội, có thể làm nư nhiều hơn, dữ dội hơn (các trẻ này thường được mô tả là “dữ”), và dai dẳng hơn mặc dầu cháu đã lớn.

Với thời gian, do phát triển về ngôn ngữ và khả năng tự kiềm chế và ý thứcvề những giới hạn quanh mình, dần dần các cơn nư ở trẻ con này sẽ qua đi. Chúc gia đình bé đủ kiên nhẫn để dạy dỗ em qua giai đoạn khó khăn trong sự phát triển tự nhiên của trẻ con. Cần đưa em đi khám bác sĩ định kỳ để theo dõi sức khỏe em đều đặn và được sự hổ trợ của ngành nhi khoa trong công cuộc dạy dỗ em trong nếp sống có kỷ luật.


Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG