Đường dẫn truy cập

Các nhóm nhân quyền chỉ trích quyền lực mới của giới quân sự Thái


Quân đội Thái được trao thêm quyền kiểm soát tội phạm. Nhưng các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại luật mới có thể dẫn tới sự lạm dụng quyền hạn.
Quân đội Thái được trao thêm quyền kiểm soát tội phạm. Nhưng các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại luật mới có thể dẫn tới sự lạm dụng quyền hạn.

Thái Lan đã mở rộng phạm vi quyền lực của quân đội, trao cho họ thêm quyền kiểm soát tội phạm. Việc tăng thêm quyền hạn diễn ra vào lúc chính phủ thực hiện chiến dịch chống lại các mạng lưới tội phạm có tổ chức địa phương và các thành phần tội phạm trên cả nước.

Nhưng các nhà hoạt động nhân quyền đã tỏ ý lo ngại là luật mới có thể dẫn tới sự lạm dụng quyền hạn.

Các sắc lệnh mới, được ban hành trong tuần này, cho phép các nhân viên quân sự được hành động như các nhân viên cảnh sát trấn áp tội phạm để tiến hành khám xét, tịch thu tài sản, đình chỉ giao dịch tài chính và ngăn chặn nghi phạm đi ra nước ngoài.

Sắc lệnh có quy định về hơn 20 hoạt động tội phạm, bao gồm buôn người, lừa đảo, phỉ báng, đánh bạc, nhập cư, mại dâm, quan thuế, cho vay nặng lãi và các tội về súng.

Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan đã bênh vực cho các thẩm quyền đặc biệt này. Ông nói chính phủ cần các nhân viên quân sự để bù lại sự thiếu hụt trong lực lượng cảnh sát.

Các nguồn tin chính phủ đề nghị giấu tên nói với đài VOA rằng những người có quyền thế thường được cảnh sát địa phương cảnh báo trước khi nhân viên cảnh sát điều tra có thể làm tiến hành bắt giữ. Họ chỉ ra mối liên hệ giữa những nhân vật có ảnh hưởng ở địa phương với các thành phần tội phạm, cảnh sát địa phương và các chính khách cấp quốc gia.

Ông Prawit cho biết danh sách của chính phủ về những người có ảnh hưởng là mục tiêu của cuộc trấn áp bao gồm "hàng trăm sỹ quan cảnh sát và quân đội". Panitan Wattanayagorn, cố vấn của Phó Thủ tướng, cho biết quan chức này đã kêu gọi cần thận trọng khi thực thi các sắc lệnh.

"Đây là một thẩm quyền đặc biệt để quân đội sử dụng chống lại những tên trùm Mafia. Họ có mục tiêu hỗ trợ hoặc thực thi các thẩm quyền này đối với danh sách những người mà phía cảnh sát có lẽ không có khả năng xử lý hiệu quả", ông Panitan nói, trích dẫn ý kiến của ông Prawit.

"Và ông [Prawit] cho biết quân đội nên sử dụng thẩm quyền của họ một cách thận trọng. Ông sẽ giám sát việc thực thi thẩm quyền này một cách chặt chẽ để đảm bảo rằng họ không lạm dụng quyền lực", ông nói với đài VOA.

Nhưng các nhóm nhân quyền và các hiệp hội luật nhanh chóng nêu ra quan ngại về thẩm quyền mới. Họ cho rằng người ta có thể lợi dụng các hành vi phạm tội nêu trong luật này để nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ.

Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan bênh vực cho các thẩm quyền đặc biệt của quân đội.
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan bênh vực cho các thẩm quyền đặc biệt của quân đội.

Ông Sunai Pasuk, đại diện tại Thái Lan của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York, nói sắc lệnh bị xem là một hình thức thiết quân luật, có nguy cơ sẽ bị lạm dụng.

Ông nói "Thẩm quyền mà quân đội mới trao cho binh sĩ của họ nhân danh cuộc chiến chống Mafia thực ra là luật nhà binh được cải trang. Nó trao các quyền hạn không bị kiểm soát, không có trách nhiệm giải trình cho những người lính thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát mà không cần bất kỳ sự giám sát nào và họ sẽ không phải chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ hành vi sai trái hoặc vi phạm nhân quyền nào có thể xảy ra sau đó".

Theo hiến pháp lâm thời của Thái Lan, được thi hành từ khi quân đội lên nắm quyền vào năm 2014, các sắc lệnh ban hành theo điều 44 của hiến pháp, nhằm xử lý các vấn đề an ninh quốc gia, là ở ngoài phạm vi duyệt xét của ngành tư pháp. Các nhóm nhân quyền nói điều này làm tăng mối quan ngại về sự lạm dụng.

Ông Gotham Arreya, một giảng viên và một nhà vận động tại Đại học Mahidol, nói việc không có giám sát tư pháp là một mối quan ngại. Ông nói: "Điều mà tôi lo ngại là họ có thể lục soát bất cứ nơi nào mà không cần tòa án cho phép. Tôi không chắc chắn là theo sắc lệnh này thẩm quyền của các sỹ quan quân đội có thể bị kiểm soát bởi các cơ quan tư pháp hay không. Vì vậy, mối quan ngại của tôi là nó trao quá nhiều thẩm quyền cho các sỹ quan này".

Việc trao các thẩm quyền mới diễn ra vào lúc cũng có tin là chính quyền quân sự đã có lập trường cứng rắn hơn đối với các chính trị gia chỉ trích chính phủ hậu đảo chính năm 2014 cũng như những người từ chối hợp tác.

Chính phủ đã áp dụng cái gọi là các cuộc giam giữ ngắn ngày nhằm "điều chỉnh thái độ" đối với hàng chục người phê phán, chính trị gia, các nhà hoạt động và các học giả. Cũng đã có tình trạng theo dõi gắt gao các bài giảng và hội thảo chính trị, cũng như các sự kiện do Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan tổ chức.

Các biện pháp an ninh tăng cường diễn ra vào lúc Ban Soạn thảo Hiến pháp trong tuần này đã hoàn thành một dự thảo mới dự kiến sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 7/8.

Nếu hiến pháp được thông qua trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc, điều đó sẽ mở đường cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2017.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG