Đường dẫn truy cập

Trung Quốc ảnh hưởng tới chính sách người tị nạn của Thái Lan?


Những người Hồi giáo Uighur xếp hàng bên cạnh xe cảnh sát ở Khlong Hoi Khong, tỉnh Songkhla, Thái Lan, ngày 15 tháng 3 năm 2014.
Những người Hồi giáo Uighur xếp hàng bên cạnh xe cảnh sát ở Khlong Hoi Khong, tỉnh Songkhla, Thái Lan, ngày 15 tháng 3 năm 2014.

Các tổ chức nhân quyền và những người tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn đã tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính sách của Thái Lan về người xin tị nạn.

Các tổ chức nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự cho biết chính sách của Thái Lan về người xin tị nạn đã trở nên cứng rắn hơn trong những năm qua với sự gia tăng của những vụ bắt giữ và trục xuất, ngay cả trước khi quân đội lên nắm quyền vào năm 2014.

Nhưng lập trường cứng rắn hơn của giới hữu trách Bangkok trong việc xử lý những vấn đề liên quan tới người xin tị nạn và những nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc đã gây báo động cho các tổ chức nhân quyền vì điều mà họ cho là ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các chính sách của Thái Lan.

Phần lớn những người tị nạn đến Thái Lan với visa du lịch và hy vọng được cấp qui chế người tị nạn trong lúc họ trốn chạy những vụ bách hại người thiểu số, nhất là ở vùng Nam Á.

Bà Julia Mayerhofer, giám đốc Mạng lưới Quyền lợi Người tị nạn Á châu Thái Bình Dương, cho biết tình hình an ninh ở Thái Lan đối với người tị nạn đã xuống cấp trong nhiều năm qua.

Bà nói rằng những dấu hiệu ban đầu về đà tiến hướng tới những cách thức khác để thay cho việc giam giữ người tị nạn, nhất là trẻ em, đã tan biến.

Bà nói thêm rằng Thái Lan không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn năm 1951 và những người muốn xin tị nạn ở Thái Lan tiếp tục dễ bị tổn thương vì không có những luật lệ quốc gia và một khung sườn pháp lý.

Bà Mayerhofer nói: "Chúng tôi nhận thấy tình hình đã trở nên xấu đi trên phương diện đó. Chúng tôi nhận thấy nhiều vụ bắt giữ hơn, nhiều vụ trấn áp hơn và những trung tâm tạm giam thì thật là chật chội. Tình hình của những người tị nạn tại các khu vực thành thị hiện nay rất khó khăn".

Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi người tị nạn ở Thái Lan nói rằng có đến 10.000 người xin tị nạn thuộc 40 quốc tịch khác nhau đang sống ở những vùng thành thị, phần lớn là ở gần thủ đô Bangkok.

Những mối lo ngại hồi gần đây phát xuất từ việc giam giữ và trục xuất những người bất đồng chính kiến và những nhân vật tranh đấu người Trung Quốc.

Trong năm qua, mấy mươi người Trung Quốc xin tị nạn đã bị giới hữu trách Thái Lan trả về nước. Các tổ chức nhân quyền e rằng nhân viên tình báo Trung Quốc đã tới Thái Lan để bắt cóc những người dính líu tới một nhà xuất bản ở Hồng Kông chuyên xuất bản những cuốn sách phê phán giới lãnh đạo Trung Quốc.

Liên Hiệp Quốc đã nêu ra những mối quan tâm sâu sắc đối với việc Thái Lan cuối năm ngoái trục xuất hai nhân vật tranh đấu người Trung Quốc mà Liên Hiệp Quốc nói có thể bị chính quyền tra tấn và ngược đãi khi họ trở về Trung Quốc.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức Human Rights Watch, cho biết việc truy bắt những nhân vật bất đồng chính kiến ở nước ngoài rõ ràng là có sự hậu thuẫn chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Ông Robertson cho biết: "Phần lớn những việc này nói thẳng ra là phát xuất từ vụ đàn áp nhân quyền của chính phủ Trung Quốc và của ông Tập Cận Bình. Điều làm cho Trung Quốc khác với nhiều nước khác ở Đông Nam Á là họ thật sự truy bắt những người bất đồng chính kiến ở nước họ bên ngoài lãnh thổ của họ".

Ông Robertson cho rằng Trung Quốc gây sức ép để các nước Đông Nam Á trả về nước những người xin tịn nạn.

Ông Robertson nói: "Trung Quốc bám sát những người này, truy lùng những người này. Do đó chúng ta có những vụ rượt bắt người Uighur, những vụ rượt bắt những nhân vật bất đồng chính kiến, những vụ rượt bắt người những thành viên Pháp Luân Công. Đây là một mưu toan tích cực để gây sức ép lên các chính phủ khác như Thái Lan, Malaysia, Campuchia, và Việt Nam để đòi trao trả những người này".

Một thông cáo chung mà các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn ở Thái Lan gởi cho một hội nghị nhân quyền ở Geneve hồi gần đây nói rằng những người bị trục xuất phải đối mặt với rủi ro bị bách hại, tra tấn hoặc cưỡng bức mất tích một khi họ về lại Trung Quốc.

Các tổ chức này nói Thái Lan cần “tăng cường những nỗ lực” để tôn trọng nhiều hơn nữa những quyền của người xin tị nạn và người tị nạn, và nên phê chuẩn các công ước quốc tế về người tị nạn.

Một phát ngôn viên của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc nói với đài VOA rằng cơ quan này tiếp tục thực hiện những nỗ lực để bảo đảm là các giới chức và các toà án Thái Lan tôn trọng những giấy tờ do Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp phát và không được bắt giữ hoặc câu lưu những người xin tị nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG