Đường dẫn truy cập

Lập pháp Mỹ nghi vấn nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba


Thượng nghị sĩ Bob Menendez của đảng Dân chủ.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez của đảng Dân chủ.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nêu thắc mắc liệu sự giao tiếp với Cuba đang được đẩy mạnh chung cuộc có đem lại lợi ích hay sẽ là một trở ngại.

Tại một cuộc điều trần tại Thượng viện hôm thứ Tư, trước ngày diễn ra vòng đàm phán kế tiếp giữa Hoa Kỳ và Cuba, thượng nghị sĩ Bob Menendez gọi cuộc giao tiếp đó là "đơn phương."

Ông Menendez nói: "Tôi không biết đổi lại chúng ta sẽ được cái gì. Chúng ta không được gì đổi lại cả."

Ông nói thêm: "Nhưng phía Cuba thì lại được rất nhiều." Và ông cho rằng nếu đây là cách thức thương lượng của Hoa Kỳ, thì nước này có "vấn đề" thực sự trước mắt.

Trong nhiều chuyện khác, ông Menendez viện dẫn những báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Cuba. Ông nói những vụ vi phạm này đã "tiếp tục không ngừng với trên 1.600 vụ bắt giữ độc đoán vì lý do chính trị" trong năm nay.

Ông Menendez cho biết: "Tổng thống Obama có thể đã vươn tay ra quá xa nhưng phía anh em Castro thì lại nắm chặt quả đấm lại."

Mở cửa các Đại sứ quán

Ra điều trần trước Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện, các giới chức bộ Ngoại giao thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm, ngay cả trong khi Hoa Kỳ theo đuổi quan hệ ngoại giao bình thường với Cuba.

Bà Roberta Jacobson, trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Tây bán cầu, cho biết: "Những bất đồng đáng kể vẫn còn giữa hai chình phủ."​

​Bà nói thêm: "Trong khi tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực của chúng ta nhằm tái lập quan hệ ngoại giao, chúng ta vẫn chưa đạt được mục đích."

Bà Jacobson sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đi dự vòng đàm phán thứ tư với Cuba về việc phục hồi bang giao.
Bà Jacobson sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đi dự vòng đàm phán thứ tư với Cuba về việc phục hồi bang giao.

Hôm thứ Năm, bà Jacobson sẽ dẫn đầu một phái đoàn Hoa Kỳ đi dự vòng đàm phán thứ tư với Cuba về việc phục hồi bang giao. Phái đoàn Cuba sẽ do bà Josefina của Bộ Ngoại giao Cuba hướng dẫn.

​Các cuộc đàm phán ở Washington sẽ tập trung một phần vào những bước cần thiết để mở cửa lại các đại sứ quán.

Hồi đầu tuần này, Phó giám đốc Bộ Ngoại giao Cuba Gustavo Machin tuyên bố đây có thể là vòng đàm phán "chót" trước khi mở cửa các đại sứ quán.

Duy trì ưu thế

Trong cuộc điều trần tại Quốc hội hôm thứ tư, thượng nghị sĩ Ben Cardin nêu nghi vấn liệu việc bình thường hóa quan hệ có thể đưa tới việc Hoa Kỳ mất đi lợi thế trong việc giải quyết những vụ vi phạm nhân quyền của Cuba hay không.

Ông viện dẫn những mối quan ngại về Cuba trong báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao về các tập tục nhân quyền, kể cả những vụ bắt giữ tùy tiện, không được xét xử công bằng và hạn chế quyền tự do phát biểu, báo chí và Internet.

Bà Jacobson đáp: "Chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục viết các báo cáo về nhân quyền một cách trung thực và thẳng thắn về những gì được mô tả là đang xảy ra ở Cuba."

Bà nói tăng cường quan hệ Hoa Kỳ-Cuba sẽ đưa đến việc Hoa Kỳ có "thêm một công cụ" để sử dụng.

Theo bà Jacobson: "Tiếp xúc thẳng, kể cả đối thoại về nhân quyền, sẽ giúp tiến tới."

Những cuộc đàm phán ngày thứ Năm sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên ở cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro của Cuba gặp nhau trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ châu ở Panama hồi tháng 4.

Các cuộc đàm phán cũng diễn ra trước kỳ hạn chót để Quốc hội cứu xét quyết định của Tổng thống Obama gạt Cuba ra khỏi danh sách các Quốc gia bảo trợ khủng bố.

Những vụ kiện chưa được giải quyết

Thượng nghị sĩ Ben Cardin nêu nghi vấn liệu việc bình thường hóa quan hệ có thể đưa tới việc Hoa Kỳ mất đi lợi thế trong việc giải quyết những vụ vi phạm nhân quyền của Cuba hay không.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin nêu nghi vấn liệu việc bình thường hóa quan hệ có thể đưa tới việc Hoa Kỳ mất đi lợi thế trong việc giải quyết những vụ vi phạm nhân quyền của Cuba hay không.

Trong khi đó, hai nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đệ trình dự luật đòi hỏi Cuba phải giải quyết các đơn kiện chưa được dàn xếp với Hoa Kỳ.

Các thượng nghị sĩ Marco Rubio và David Vitter nói có tới 8 tỷ đôla "chưa được giải quyết trong những vụ kiện của công dân và doanh nghiệp Mỹ" có liên quan đến tài sản bị các chế độ Castro tịch thu, vẫn còn đang tồn đọng.

Trong một thông cáo, các nhà lập pháp nói số tiền này là "khoản tịch thu tài sản của Hoa Kỳ lớn nhất trong lịch sự Mỹ chưa được bồi hoàn bởi một chính phủ nước ngoài."

Cố vấn Bộ Ngoại giao Thomas Shannon nói với các nhà lập pháp hôm thứ Tư rằng mục đích lớn hơn của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ với Cuba là tăng cường hợp tác khu vực về một loạt nhiều vấn đề.

Ông Shannon nói: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ thực sự có khả năng làm thêm nữa trong lãnh vực an ninh. Chúng ta sẽ có khả năng làm nhiều hơn trong lãnh vực cấm phổ biến hạt nhân. Chúng ta sẽ khả năng làm nhiều hơn trong lãnh vực chống ma túy nhờ sự kiện này."

VOA Express

XS
SM
MD
LG