Đường dẫn truy cập

Bức tranh Úc: Người Việt


Hiện nay, có khoảng gần bốn triệu người Việt Nam đang sống rải rác trên hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Nhiều nhất là ở Mỹ (theo cuộc điều tra dân số năm 2010 là 1.548.449 người); kế tiếp là Cambodia (khoảng trên 700.000 người; chiếm 5% dân số cả nước); Pháp (khoảng 300.000 người); Trung Quốc (khoảng 280.000 người); Đài Loan (khoảng 190.000 người, bao gồm khoảng 80.000 công nhân lao động và 110.000 phụ nữ lấy chồng Đài Loan). Úc đứng vào hạng thứ 6 với 185.000 người; cao hơn Canada, hạng thứ 7, một chút (180.000 người).

Bảng liệt kê do Tiến sĩ Long S. Lê biên soạn dưới đây có thể giúp chúng ta có cái nhìn tương đối bao quát về tình hình di trú của người Việt ở hải ngoại.



Khác với Pháp, nơi lịch sử di dân của người Việt bắt đầu khá sớm, nhiều nhất là ở thời điểm bắt đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai - lúc chính phủ Pháp ào ạt tuyển lính Việt Nam để đánh nhau với Đức, Úc, cho đến năm 1975, vẫn còn khá xa lạ với người Việt Nam. Trước biến cố tháng 4/1975, trên cả nước Úc, chỉ có khoảng 700 người Việt sinh sống, bao gồm ba thành phần chính: sinh viên du học, phụ nữ Việt lấy chồng Úc, và một số trẻ mồ côi được các gia đình Úc nhận nuôi.

Ngay sau khi miền Nam bị sụp đổ, số người Việt tại Úc bỗng tăng vọt. Từ năm 1976 đến 1981, có 56 chiếc tàu với 2.100 người tị nạn đi từ Việt Nam đến thẳng nước Úc. Tuy nhiên, phần lớn các thuyền nhân được nhận định cư tại Úc sau khi đến một quốc gia nào đó gần Việt Nam, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Làn sóng tị nạn đầu tiên được nhập vào Úc là năm 1980 với 12.915 người. Sau đó, số người đến Úc vẫn gia tăng, tuy nhiên, phần lớn qua ngả đoàn tụ gia đình hơn là thuyền nhân từ các trại tị nạn ở các nước láng giềng của Việt Nam.

Dưới đây là bảng thống kê số người Việt Nam định cư tại Úc qua các cuộc điều tra dân số Úc từ năm 1976 đến nay:

Năm kiểm tra dân số Người sinh ở Việt Nam
1976 2.427
1981 41.096
1986 83.028
1991 121.813
2001 154.831
2006 159.850
2011 185.000

Có thể nói, tuy dân số cộng đồng người Việt tại Úc chỉ đứng hàng thứ sáu trên thế giới, tuy nhiên, đó lại là cộng đồng người Việt tị nạn đứng hàng thứ hai, chỉ sau Mỹ, và trên Canada. Nhìn vào bảng dưới đây, chúng ta sẽ thấy Úc nhận người tị nạn nhiều hơn bất cứ nước nào khác, trừ Mỹ.

Nước đến định cư Kiểu ra đi
Bằng tàu hoặc đi bộ ODP (Orderly Departure Program) Tổng cộng
Úc 14.70% 7.69% 11.62%
Canada 13.66 9.67 11.9
Pháp
3.58 3.25 3.44
Mỹ 56.26 72.89 63.57
Các nước khác (bao gồm các nước Âu châu, Nhật và New Zealand) 11.8 6.5 9.47
Tổng cộng 100.00% 100.00% 100.00%

Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn đầu. Gần đây, như hầu hết các nơi khác, tính chất tị nạn ấy càng lúc càng loãng nhạt dần. Thế vào đó là những người di dân, phần lớn là các sinh viên, sau khi tốt nghiệp, xin ở lại Úc theo diện tay nghề; hoặc là người sang Úc theo diện đoàn tụ gia đình (với con cái hoặc với người phối ngẫu có quốc tịch Úc).

Ví dụ trong tài khóa 2010-2011, có 4.709 người Việt được nhận thường trú tại Úc. Trong số đó, có 1.383 người được nhận vì có tay nghề cao, chiếm 29%; 3.323 người được nhận vì được bảo lãnh, trong đó 2/3 là do người phối ngẫu có quốc tịch Úc bảo lãnh, chiếm 71%. So với các sắc dân khác, số người được bảo lãnh sang Úc chiếm tỉ lệ khá cao (6.1% trên tổng số 54.000 người được nhận từ khắp thế giới); nhưng số người được ở lại vì có tay nghề cao lại thấp, chỉ có 1.2% tổng số di dân.

Ngoài những người có quốc tịch hoặc được thường trú, ở Úc còn có khá nhiều người Việt có visa ngắn hạn. Ví dụ, vào ngày 30 tháng 6 năm 2011, có 16.340 du học sinh Việt Nam tại Úc. Với con số ấy, Việt Nam đứng hạng thứ tư trong tất cả các nước có du học sinh tại Úc. Cũng trong năm 2011, có 23.906 người Việt Nam đến Úc với tư cách du khách. (Xem Country Profile: Vietnam trên trang web của Australian Department of Immigration and Citizenship).

Cộng đồng người Việt tại Úc khá già. Tuổi trung bình là 42.1, cao hơn tuổi tác trung bình của người Úc đến 5 năm. Về phái tính cũng có sự chênh lệch đáng kể: Nữ chiếm 53% trong khi nam chỉ có 47%. Tỉ lệ thất nghiệp là 7.2%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 5.2%. Nghề nghiệp chính là lao động chân tay (19%); kỹ thuật viên và buôn bán chiếm 18%; những người có trình độ chuyên môn chiếm 17%.

Người Việt tại Úc, như ở phần lớn các nước khác, có khuynh hướng sống tập trung, gần nhau. Và cũng giống như hầu hết các cộng đồng di dân khác, thích cư ngụ ở những khu vực có mức độ đô thị hóa và kỹ nghệ hóa cao. Hai tiểu bang có đông người Việt nhất cũng là hai tiểu bang lớn nhất nước Úc (New South Wales, 40%; và Victoria, 36%). Ở hai tiểu bang ấy, người Việt thích sống ở hai thành phố lớn nhất (Ở New South Wales là Sydney, và ở Victoria là Melbourne). Rất ít người Việt sống ở các vùng quê, xa trung tâm của thành phố cũng như của tiểu bang.


Ở đâu có đông người Việt nhất định ở đó sẽ có những trung tâm thương mại với các tiệm ăn đủ loại, từ phở đến bún bò, hủ tiếu, cơm tấm sườn bì… và các tiệm tạp hóa, ở đó, hầu như người ta có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết cho các bữa ăn của người Việt. Trước năm 1975, nghe nói nhiều sinh viên du học ở nước ngoài thèm nước mắm độ chỉ muốn bỏ học để quay về Việt Nam. Bây giờ, ở các khu chợ người Việt tại Úc (cũng như ở Mỹ, Canada, Pháp…), hầu như không thiếu một món gì. Có khi còn đa dạng hơn ở Việt Nam. Đa dạng chủ yếu nhờ có nhiều nguồn: Không phải chỉ có hàng nhập từ Việt Nam mà còn có cả hàng nhập nhiều nước Á châu khác. Nhiều nhất là từ Thái Lan.

Và, có lẽ từ nước… lạ nữa.

Không thể tránh được.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG