Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đòi chủ quyền Biển Ðông: Thách thức lớn cho ASEAN, thế giới


Ðoàn tàu đánh cá của Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam ở Biển Ðông.
Ðoàn tàu đánh cá của Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam ở Biển Ðông.
Việc Trung Quốc ngày càng khẳng định thêm chủ quyền lãnh hải ở Biển Ðông đang đề ra thách thức lớn cho tình đoàn kết trong Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á. Các cuộc họp ASEAN trong năm nay ở Campuchia đã không thương nghị được một “bộ quy tắc ứng xử” được nhiều người trông đợi và phơi bày sự chia rẽ giữa các nước thành viên. Theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Bangkok, đó là dấu hiệu cho thấy sự tranh giành vùng biển giàu tài nguyên đang căng thẳng thêm.

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra ở Việt Nam, vào lúc Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển phía nam nước này, tức Biển Ðông, một khu vực giàu trữ lượng cá và dầu khí.

Các hộ chiếu mới của Trung Quốc có hình bản đồ cho thấy Trung Quốc nhận chủ quyền phần lớn vùng này. Nhà chức trách Trung Quốc cũng tuyên bố quyền chận và lục soát các tàu bè trong vùng biển đang có tranh chấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho rằng làm như thế là vi phạm luật quốc tế.

Ông Hernandez nói: “Chúng ta sẽ có những vấn đề về tự do hàng hải và còn vấn đề thương mại hợp pháp nữa. Ðây là một mối đe dọa cho tất cả các nước, không riêng trong khu vực, mà cho tất cả các nước sử dụng các tuyến đường biển để giao thông liên lạc này.”

Hồi tháng tư năm nay, đã diễn ra một vụ đối đầu kéo dài 2 tháng giữa tàu của Philippines và Trung Quốc về vùng đánh cá trong bãi cạn Scarborough.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích việc xách nhiễu ngư dân Trung Quốc và sự kiện Việt Nam hợp tác với Ấn Ðộ trong việc thăm dò các tài nguyên đang gây tranh chấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Ông Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc phản đối việc phát triển đơn phương về dầu khí trong vùng biển Nam Trung Hoa đang có tranh chấp. Chúng tôi hy vọng các nước có liên hệ tôn trọng lập trường và quyền hạn của Trung Quốc.”

Bắc Kinh đã tránh né việc thảo luận về vấn đề này với Hiệp hội các Quốc gia Ðông nam Á, bất kể những khẳng định đòi chủ quyền chồng chéo với 4 trong số 10 nước thành viên của tổ chức là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Ðài Loan.

Tại các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN trong năm nay ở Campuchia, nước chủ nhà đã đồng ý với Trung Quốc trong các cuộc thương lượng không đi đến đâu về một bộ quy tắc ứng xử trong vùng Biển Ðông đã có từ cả chục năm nay nhằm ngăn tránh xung đột.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo tất cả các bên tránh để cho tình hình leo thang, mà ông cho là dường như nhắm mục đích ngăn chặn các cuộc thương lượng.

Ông Natalegawa nói: “…Họ muốn chận đầu bằng cách để cho tình hình căng thẳng tại chỗ trước khi các cuộc thương lượng diễn ra. Và đây là điều chúng ta cần phải cảnh báo… Bởi vì khi đó chúng ta sẽ đứng trước một tình thế ăn miếng trả miếng.”

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng căng thẳng gia tăng đã gây khó khăn cho các cố gắng đạt được một giải pháp ôn hòa:

Ông Pitsuwan nói: “Chúng ta phải là một nguời trung gian lương thiện. Chúng ta phải có một cơ chế trung lập, một cơ chế hữu hiệu cân bằng các quyền lợi đối nghịch nhau và các nước nói rằng họ có quyền lợi chính đáng trong vấn đề này.”

Lần đầu tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tham dự cuộc họp thượng đỉnh Ðông Á tại Phnom Penh. Sự kiện Hoa Kỳ ngày càng hiện diện nhiều hơn trong khu vực được nhiều nước đón nhận như một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG