Đường dẫn truy cập

Biển Đông – Kinh tế và Xung đột


Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, hình do Thông tấn xã Việt Nam chụp và phát hành ngày 14/6/2011
Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, hình do Thông tấn xã Việt Nam chụp và phát hành ngày 14/6/2011

Tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông luôn đứng đầu bảng với tư cách là nguồn gốc gây bất ổn định ở Đông Nam Á. Quần đảo Trường Sa, với khoảng hơn 40 đảo và bãi đá lớn nhỏ, là nơi tranh chấp giữa Malaysia, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia và Brunei, trong đó chủ chốt nhất là 5 nước đầu tiên.

Mặc dù các bên đều mong muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình, bạo lực quân sự đã từng được sử dụng và có thể sẽ còn được sử dụng nữa, với nhiều khả năng gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Ngày nay, các bên đều có lợi từ sự ổn định trong khu vực và điều này khiến cho triển vọng xảy ra xung đột quân sự có vẻ thấp, nhưng tiềm năng xảy ra xung đột quân sự thì vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể ngày một lớn.

Kinh tế chính trị của Biển Đông

Những hòn đảo và bãi đá trên Trường Sa đều thuộc loại rất nhỏ, nhiều bãi đá lúc chìm lúc nổi theo sự lên xuống trong ngày của mực nước biển. Những hòn đảo và bãi đá này đều nằm rất xa đất liền và dân thường không thể sinh sống ở đó được. Vậy cái gì làm cho chúng trở nên hấp dẫn đến vậy? Học giả Joshua P. Rowan thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Southwest Missouri State University, cho rằng có 3 lý do quan trọng ngoài cá và san hô:

Thứ nhất là mở rộng biên giới quốc gia và vùng đặc quyền kinh tế: Tất cả các nước đang tranh chấp trong vùng Trường Sa đều đã ký vào Công ước quốc tế về Luật biển. Nó quy định mỗi nước có quyền mở rộng biên giới lãnh thổ của mình tới 12 hải lý ra biển. Ngoài ra mỗi nước còn có được sở hữu Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) vượt khỏi phạm vi lãnh thổ tới 200 hải lý. Như vậy, sở hữu được các hòn đảo ở Trường Sa sẽ giúp các nước mở rộng vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, công ước này quy định rằng không thể dùng các bãi đá để xác định biên giới và vùng đặc quyền kinh tế. Các bãi đá, theo định nghĩa, là những nơi con người không thể sống và thực hiện các hoạt động kinh tế. Một số nước như Trung Quốc đã khai thác vấn đề này và tìm cách biến các bãi đá nửa chìm nửa nổi thành những nơi con người có thể sinh sống bằng cách âm thầm vận chuyển đất đá – vật liệu xây dựng từ đất liền ra xây dựng các công trình kiên cố trên biển.

Thứ hai là dầu mỏ và khí đốt: Vùng đặc quyền kinh tế sẽ không có nhiều ý nghĩa cho lắm nếu nó thuộc vùng biển nghèo tài nguyên. Điều đáng mừng (hay đáng lo?) là Biển Đông là một vùng biển có dầu mỏ và khí đốt.

Nhiều nguồn tin, đặc biệt là từ Trung Quốc, cho rằng trữ lượng dầu mỏ trong vùng Trường Sa lên tới 105 tỉ thùng và nếu tính cả vùng Biển Đông thì lên tới 213 tỉ thùng. Tuy nhiên, ước lượng của Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng trữ lượng dầu mỏ của toàn bộ vùng Biển Đông chỉ vào khoảng 7 tỉ thùng mà thôi, rất thấp so với một số vùng biển khác trên thế giới (xem Bảng Một). Trung Quốc cũng ước lượng có khoảng 2000 ngàn tỉ cubic feet khí đốt dưới lòng Biển Đông trong khi Bộ Năng lượng Mỹ ước tính chỉ khoảng 150,3 ngàn tỉ cubic feet. Có vẻ như người Trung Quốc trong cơn khát năng lượng đã có cái nhìn quá lạc quan về tài nguyên dầu mỏ trên Biển Đông.

DẦU MỎ Ở BIỂN ĐÔNG SO VỚI CÁC KHU VỰC KHÁC TRÊN THẾ GIỚI

Trữ Lượng

Dầu Mỏ

Đo Được

(Tỉ Barrels)

Trữ Lượng Khí Đốt Đo Được

(Ngàn Tỉ
Cubic Feet)

Mức Độ Khai Thác Dầu Mỏ

(Triệu Barrels/Ngày)

Mức Độ Khai Thác Khí Đốt

(Ngàn Tỉ
Cubic Feet /Năm)

Vùng biển Caspian

17.2-32.8

232

1.6

4.5

Vùng biển Bắc

13.8

178.7

6.4

9.4

Vùng Vịnh

674.0

1,923.0

19.3

8.0

Biển Đông

(ước tính) 7.0

(ước tính) 150.3

2.2

3.2

Số liệu về dầu mỏ của năm 2003 và khí đốt của năm 2002.
Nguồn: Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ


Thứ ba là kinh tế chính trị: Kiểm soát Biển Đông cũng đồng thời có nghĩa là kiểm soát tuyến giao thương lớn số 2 của thế giới. Hàng năm có khoảng hơn một nửa các tàu vận tải hạng nặng của thế giới đi qua các eo biển Malacca, Sunda và Lombok từ Borneo và Mindanao tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản mang theo dầu mỏ, khoáng sản, cao su, gỗ, và thủy sản. Ngược chiều của dòng vận tải này là các tàu hàng chở đầy thành phẩm và bán thành phẩm từ các công xưởng của Đông và Đông Bắc Á. Riêng lượng dầu mỏ và khí hóa lỏng đi qua Biển Đông lớn gấp 3 lần lượng dầu khí đi qua kênh Suez và gấp 15 lần lượng dầu khí đi qua kênh Panama.

Bất cứ nước nào kiểm soát được vùng biển này cũng có thể ngăn trở việc vận chuyển hàng hóa qua đây và qua đó “bức tử” eo biển Malacca, các trung tâm kinh tế như Singapore và Hồng Kông, và các nền kinh tế đang nổi lên ở Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam), đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế ở Đông và Đông Bắc Á. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông một phần là muốn kiểm soát con đường vận chuyển huyết mạch đó. Tất nhiên thay vì đi qua Biển Đông, các tàu vận tải có thể đi xuôi xuống phía Nam, qua vùng biển của Indonesia rồi ngược lên Đông Bắc Á. Tuy nhiên, nếu đi theo lộ trình này thì chi phí vận chuyển tăng lên khá nhiều.

Ngoài vấn đề thương mại, kiểm soát Biển Đông còn có ý nghĩa về mặt quân sự. Trong thời kỳ Thế Chiến II, Quân đội Hoàng gia Nhật Bản đã coi Biển Đông là vùng biển đặc biệt cần quan tâm của cỗ máy chiến tranh của Đế quốc này. Chính vì thế, họ đã chiếm đóng đảo Ba Bình – là đảo lớn nhất ở Trường Sa và có cả chỗ dùng để neo đậu tàu ngầm. Đối với Trung Quốc, kiểm soát được Biển Đông còn tạo ra một vùng đệm an toàn về hải phận và không phận theo đó đối phương không thể sử dụng để tấn công vào đại lục.(còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG