Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên lên án hiệp ước quân sự Mỹ-Nam Triều Tiên


Nam Triều Tiên tổ chức cuộc duyệt binh qui mô lớn kỷ niệm 65 năm ngày thành lập quân đội, và đồng thời răn đe sự gây hấn của Bắc Triều Tiên, ngày 1/10/2013.
Nam Triều Tiên tổ chức cuộc duyệt binh qui mô lớn kỷ niệm 65 năm ngày thành lập quân đội, và đồng thời răn đe sự gây hấn của Bắc Triều Tiên, ngày 1/10/2013.
Bắc Triều Tiên lên án một hiệp ước quân sự và các cuộc thao diễn hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trong tuần này là mào đầu cho chiến tranh, và nhắc lại lời đe dọa tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu. Seoul và Washington nói các cuộc thao dượt, có cả sự tham gia của Nhật Bản, là có bản chất nhân đạo. Các chuyên gia phân tích chính trị nói có phần chắc lập luận của Bình Nhưỡng sẽ còn tệ hại hơn. Từ Seoul, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay đả kích Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ về việc hoạch định một khung chiến lược để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.

Kế hoạch răn đe được điều chỉnh đã được chung quyết bởi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel tuần trước trong một cuộc họp thường niên về an ninh giữa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Seoul.

Một thông cáo của Uỷ ban Tái thống nhất Triều Tiên một cách hòa bình của Bình Nhưỡng mô tả hành động vừa kể là một “âm mưu chiến tranh hạt nhân nguy hiểm.”

Ðài phát thanh Bình Nhưỡng đã đọc lời lên án hiệp định quân sự:

Phát thanh viên nói nếu các kẻ thù của họ tìm cách đe dọa họ dù ở mức độ nhỏ nhất, thì đất nước và nhân dân của họ sẽ mở các cuộc tấn công phủ đầu không thương tiếc dể tiêu diệt đến cùng.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên cũng lên án các cuộc thao diễn hàng hải giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trong tuần này gồm cả Nhật Bản và một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.

Nhật báo Rodong Sinmun nói các cuộc thao diễn, mặc dù đã được hoạch định nhiều tháng trước, đã được tính toán để phá hoại cuộc đối thoại liên Triều và là một mào đầu cho chiến tranh.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min-Seok bác bỏ lời chỉ trích vừa kể.

Phát ngôn viên này nói cuộc diễn tập giữa Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Hoa Kỳ là để cứu hộ ngoài khơi. Theo ông, đây là một cuộc thao dượt ở mức nhân đạo, để tìm kiếm và cứu hộ các tầu tư nhân hay bất cứ ai đang lâm nạn. Ông nói đây không phải là điều để chỉ trích hay là điều có thể bị chỉ trích, do đó họ coi lời phê bình của Bắc Triều Tiên là không đúng.

Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ tại Triều Tiên cũng nhắc lại quan điểm đó trong một thông cáo được phát ngôn viên Arlo Abrahamson tuyên đọc.

Phát ngôn viên Min-Seok nói tiếp: “Ðây là các cuộc tập trận hải quân tam phương giữa Hoa Kỳ, Cộng hòa Triều Tiên và Nhật Bản mang bản chất nhân đạo. Hải quân Hoa Kỳ khuyến khích đào tạo với khả năng hỗn hợp giữa Hải quân Cộng hòa Triều Tiên và Lực lượng Phòng duyên Nhật Bản để củng cố quan hệ giữa chúng tôi, chung cấp phòng vệ tập thể, và chuẩn bị cho các hoạt động nhân đạo, và tăng cường ổn định trong khu vực.”

Bắc Triều Tiên thường xuyên lên án các cuộc thao diễn quân sự giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên là thực tập chuẩn bị xâm lược.

Nhưng trong những ngày gần đây Bắc Triều Tiên cũng phát động những lập luận và phỉ báng qua lại với Nam Triều Tiên và các nhà lãnh đạo nước này, sau khi một sự nồng ấm trong bang giao lại bị nguội lạnh trở lại.

Ông John Delury là trợ lý giáo sư về Khảo cứu Ðông Á tại trường đại học Yonsei. Ông nói nhà lãnh đạo trẻ cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un vẫn còn đang củng cố quyền lực và tính hợp pháp của ông ta.

Giáo sư Delury nói: “Tôi nghĩ Kim Jong Un cần phải hết sức mạnh và cần có khả năng trưng bầy sức mạnh đó ở trong nước. Vì thế, đây không phải là lúc mưu tìm ý chí chính trị ở Bắc Triều Tiên để đưa ra những dung hòa khó khăn về vấn đề hạt nhân.”

Ông Kim Jong Un kế nhiệm cha ông là Kim Jong Il, sau khi ông này qua đời hồi tháng 12 năm 2011, và được cho là ước chừng 30 tuổi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG