Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên im lặng trước quyết định điều tra nhân quyền của LHQ


Những người Bắc Triều Tiên đào tị, đang sống ở Nam Triều Tiên, biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul, yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên
Những người Bắc Triều Tiên đào tị, đang sống ở Nam Triều Tiên, biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul, yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên
Chưa có phản ứng chính thức từ phía Bình Nhưỡng sau khi một ủy ban của Liên Hiệp Quốc nhất trí biểu quyết cho phép thực hiện một cuộc điều tra chưa từng có về những vụ vi phạm nhân quyền thường xảy ra ở Bắc Triều Tiên.

Chính phủ Nam Triều Tiên cho biết họ hy vọng cuộc điều tra một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc sẽ góp phần cải thiện tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.

Trong cuộc họp tại Geneva hôm qua, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhất trí biểu quyết tiến hành điều tra điều họ coi là tình trạng ‘vi phạm nhân quyền trầm trọng, rộng khắp và xảy ra thường xuyên’ ở Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc bỏ tù và hành quyết công dân Bắc Triều Tiên vì những tội gọi là chính trị cũng như các vụ tra tấn và bắt cóc người nước ngoài trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Kim Yun-tae, Tổng thư ký Mạng lưới Dân chủ và Nhân quyền Bắc Triều Tiên có trụ sở ở Seoul đã ca ngợi hành động của Liên Hiệp Quốc là một điểm tiến bộ.

Ông Kim nêu ra rằng các nghị quyết trước đây của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền của Bắc Triều Tiên chỉ là những lời tuyên bố suông. Nhưng ông dự đoán rằng quyết định lần này có thể dẫn tới hành động pháp lý nhắm vào Bình Nhưỡng nếu các nhà điều tra xác định rằng miền Bắc đã phạm tội ác chống lại nhân loại.

Ông Kim nói rằng mặc dầu có phần chắc là Bắc Triều Tiên sẽ không chấp nhận các kết quả điều tra của ủy ban vừa kể thì ủy ban vẫn có thể đóng một vai trò tâm lý dẫn tới việc cải thiện tình trạng của những người sống dưới chế độ áp bức này.

Theo quyết định của Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ba chuyên gia sẽ dành một năm để điều tra tường tận về các vụ vi phạm nhân quyền và đặc biệt là những hành động vi phạm ‘có thể đi tới mức độ tội ác chống lại nhân loại’.

Quyết định này cũng được các tổ chức phi chính phủ ca ngợi.

Tổ chức Human Rights Watch nói rằng việc thành lập một ủy ban điều tra “gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng rằng thế giới đang theo dõi và họ phải chấm dứt những vụ vi phạm.”

Trong một thông cáo, Hội Ân xá Quốc tế kêu gọi phải ghi nhận phạm vi hoạt động của hệ thống trại cải tạo ở Bắc Triều Tiên và không chỉ dựa vào các hình ảnh vệ tinh để làm điều đó. Hội cũng nói rằng các nhà quan sát nhân quyền độc lập cần phải được tự do tiếp cận ngay lập tức những nơi này.

Dường như có rất ít có cơ may điều đó sẽ xảy ra.

Tuy Bình Nhưỡng chưa chính thức đưa ra phản ứng, đại diện của nước này tại hội đồng trước đó đã lên án phúc trình yêu cầu Hội đồng phải hành động và gọi đó là một âm mưu chống lại Bắc Triều Tiên do các nước phương Tây dẫn đầu.

Đại sứ So Se Pyong cảnh báo rằng điều đó sẽ đưa đến ‘các hậu quả nghiêm trọng’ từ phía Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye, vừa hoạt động được một tháng, đã chấp thuận việc chuyển hàng cứu trợ sang miền Bắc của một tổ chức thiện nguyện tư nhân.

Quỹ Eugene Bell có trụ sở ở Seoul sẽ được phép chuyển các loại thuốc trị bệnh lao trị giá tới hơn 600 nghìn đôla tới 8 chẩn y viện mà họ quản lý ở quốc gia nghèo khó và bị cô lập này.

Một phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên đặc trách quan hệ với miền Bắc nhấn mạnh rằng phải coi việc chấp thuận vừa chỉ mang tính cách nhân đạo, chứ không phải là một cử chỉ mang tính hòa giải vào một thời điểm mà các căng thẳng quân sự trên bán đảo đang ở mức ‘rất cao’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG