Đường dẫn truy cập

Báo cáo nhân quyền về Bắc Triều Tiên có ít hiệu quả tức thời


Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW Phil Robertson nói báo cáo sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới khó lòng làm ngơ vấn đề chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên
Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW Phil Robertson nói báo cáo sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới khó lòng làm ngơ vấn đề chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên
Uỷ ban Ðiều tra của Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra một báo cáo mới với những tài liệu về tội ác chống lại loài người ở Bắc Triều Tiên, bao gồm cưỡng bức lao động và bỏ đói trong nhà tù, xâm hại tình dụng các tù nhân và hành quyết công khai các tội phạm chính trị. Ủy ban này kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa Bình Nhưỡng ra Toà án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên các chuyên gia về nhân quyền nói rằng điều này có phần chắc sẽ không xảy ra. Thông tín viên Liên Hiệp Quốc của đài VOA Margaret Besheer tường trình hiệu quả thực sự mà báo cáo này có thể gây ra cho Bắc Triều Tiên.

Bản phúc trình nêu ra những hành vi ngược đãi một cách hệ thống của các giới chức hàng đầu, thậm chí có thể là nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận về bản báo cáo này vào ngày 17 tháng 3 sắp tới. Hội đồng có phần chắc sẽ thông qua một nghị quyết để đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo An và dẫn đến chỗ đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa Án Hình sự Quốc tế.

Tuy nhiên, nhà phân tích của Hội Á châu, ông Mike Kulma, cho rằng Trung Quốc có phần chắc sẽ phủ quyết bất cứ nỗ lực nào nhằm thực hiện việc này. Ông nói:

“Tôi không nghĩ nó có thể thông qua Hội đồng Bảo An. Trung Quốc sẽ không đồng ý, tuy không phải mình đặt mọi thứ lên người Trung Quốc, nhưng Trung Quốc chắc chắn là sẽ không đồng ý với điều đó”.

Nhưng ngay cả như vậy, ông Ivan Simonovic, trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc đặc trách nhân quyền, nói rằng cơ quan của ông ủng hộ việc đưa ra Toà án Hình sự Quốc tế và bản báo cáo này có thể đóng một vai trò quan trọng của việc khởi tố trong tương lai. Ông nhận định:

“Tôi nghĩ sau báo cáo kinh khủng này, sẽ có áp lực từ các nước thành viên để bảo đảm điều gì đó được thực hiện. Thay mặt cho cơ quan của tôi, văn phòng Nhân quyền thu thập tài liệu và làm nơi lưu trữ của những lời khai, của bằng chứng khác nhau, mà vào một lúc nào đó sẽ được sử dụng trong quá trình truy tố hình sự chống lại các thủ phạm”.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, cho biết báo cáo sẽ khiến các lãnh đạo thế giới khó lòng làm ngơ vấn đề chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Ông nói:

“Và nó phải là như vậy. Bởi vì thành thật mà nói, nếu chúng ta nhìn vào sự áp bức nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, chính quyền sử dụng nỗi sợ hãi để duy trì quyền cai trị của họ. Nỗi sợ bị đưa vào trại tù chính trị, sợ bị bắt giữ, tra tấn, đánh đập và có thể là bị hành quyết công khai đã làm cho người dân Bắc Triều Tiên không dám làm trái ý nhà cầm quyền”.

Ông Kulma của Hội Á châu nói thêm rằng nhân quyền có thể trở thành một vấn đề không ngừng được đề cập tới trong các cuộc thảo luận về những vấn đề khác của Bắc Triều Tiên:

"Báo cáo này sẽ có tác động như thế nào khi các nước trong Liên Hiệp Quốc cân nhắc tới việc phản ứng như thế nào, ví dụ như với một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác của Bắc Triều Tiên? Hoặc họ sẽ phản ứng như thế nào đối với một vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên? Họ sẽ làm gì để tăng cường những lệnh trừng phạt đã được đưa ra để chống lại Bắc Triều Tiên?”.

Các nhà phân tích về Bắc Triều Tiên cho rằng trong ngắn hạn, báo cáo của Liên Hiệp Quốc có phần chắc sẽ không khiến Bình Nhưỡng thay đổi thái độ. Nhưng về lâu dài, áp lực quốc tế bền bỉ sẽ có một vài tác dụng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG