Đường dẫn truy cập

Lật xe đò ở miền Trung, ít nhất 36 người chết


Ít nhất 36 người thiệt mạng và gần 20 người bị thương khi chiếc xe đò chở gần 60 hành khách trên tuyến đường từ Dak Lak đi về TPHCM bất ngờ lao xuống sông tối ngày 17/5.

Các hãng thông tấn quốc tế ngày 18/5 trích thuật tin tức từ Việt Nam cho hay khi di chuyển tới đoạn cầu 14 trên sông Serepok giữa 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông, chiếc xe khách 50 chỗ ngồi của Hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng bị mất kiểm soát, đâm thẳng vào thành cầu rồi rơi lật ngược xuống sông từ độ cao khoảng 18m.

Đến 3 giờ sáng ngày 18/5, công tác cứu hộ đã hoàn tất với báo cáo 34 người đã thiệt mạng tại hiện trường trong đó có 2 tài xế. Hai nạn nhân khác tử vong trong lúc được cấp cứu tại bệnh viện Dak Lak.

Tin AP dẫn lời một hành khách còn sống sót cho biết tai nạn xảy ra khi tất cả hành khách đang ngủ trên chuyến xe đêm. Lực lượng cứu hộ đã mất khoảng 4 giờ đồng hồ để kéo thi thể các nạn nhân ra khỏi xe.

Giới chức bệnh viện Dak Lak cho hay trong số gần 20 người bị thương có 16 người trong tình trạng nguy kịch.

Tối 18/5, ông Bảo, một viên chức của Hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng, cho VOA Việt ngữ biết:

“Xong xuôi hết rồi, giờ chúng tôi đang đi thăm từng nạn nhân. Trước mắt, đơn vị hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi nạn nhân. Một số dân ở đó nói có một xe máy ép đối đầu, họ đâm thẳng vào đầu xe, khiến tài xế theo quán tính lách ra.”

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 11 ngàn người chết vì tai nạn xe cộ và mỗi ngày trung bình khoảng 35 người thiệt mạng vì giao thông đường bộ. Một người tham gia giao thông tại Hà Nội tên Sơn cho rằng nguyên nhân không chỉ do người điều khiển giao thông:

“Khủng khiếp, tôi chỉ có thể dùng từ khủng khiếp. Con số tỷ lệ quá cao như vậy là hậu quả khẳng định tất cả hạ tầng cơ sở giao thông, ý thức giao thông, một loạt các yếu tố khách quan dẫn tới việc người ta vi phạm giao thông. Đường sá làm rất ẩu mặc dù tiền đầu tư rất lớn. Đó là vấn đề tham nhũng, bòn rút, làm những công trình kém chất lượng. Cảnh sát giao thông tham ô. Biển báo giao thông tùy tiện, gần như một cái bẫy. Có một loạt các yếu tố đẩy người ta đến vi phạm giao thông. Tất cả người cầm lái ở Việt Nam đều ý thức về luật lệ giao thông, nhưng những yếu tố hạn chế và những tiêu cực về đường sá, luật lệ tác động tâm lý rất xấu đến người cầm lái. Khi một tai nạn giao thông xảy ra không phải hoàn toàn do lỗi người cầm lái mà còn rất nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới điều đó.”

Trong số các khu vực có số người chết do tai nạn giao thông nhiều nhất nước, có Sài Gòn. Tuy nhiên, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải TP.HCM, cho rằng tỷ lệ tử vong vì giao thông trong thành phố là không cao, so với dân số ở đây:

“Số lượng (tai nạn giao thông) quá lớn vì TPHCM gần 10 triệu dân. So trên tỷ lệ dân thì (tỷ lệ tai nạn giao thông tại TPHCM) không cao.”

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất trên thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG