Đường dẫn truy cập

Nhật Bản định thực hiện tuần tiểu trên không để bảo vệ quần đảo tranh chấp


Chỉ huy lực lượng tuần duyên Nhật Bản Takashi Kitamura nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Tokyo, 13/12/12. Nhật Bản phản đối sau khi máy báy của Trung Quốc bay vào không phận vùng đảo tranh chấp
Chỉ huy lực lượng tuần duyên Nhật Bản Takashi Kitamura nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Tokyo, 13/12/12. Nhật Bản phản đối sau khi máy báy của Trung Quốc bay vào không phận vùng đảo tranh chấp
Nhật Bản cho biết họ định tăng cường hoạt động trinh sát trên không với hy vọng ngăn chận sự tái diễn của một vụ việc trước đó chưa từng có đã xảy ra hôm thứ Năm, khi một chiếc máy bay của chính phủ Trung Quốc bay gần quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa.

Các giới chức Nhật Bản cho biết quân đội nước họ cần cải thiện khả năng trinh sát trên không trong lúc Trung Quốc gia tăng những hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền đối với một nhóm đảo nhỏ đang do Nhật Bản kiểm soát.

Không lực Tự vệ của Nhật Bản đã vội vã phái 8 chiếc chiến đấu cơ F-15 bay lên để chuẩn bị ứng phó với tình hình sau khi nhận điện của một chiếc tàu tuần cho biết một chiếc máy bay của Trung Quốc đang bay ở phía nam của hòn đảo lớn nhất của quần đảo có tranh chấp.

Ra-đa trên mặt đất của Nhật Bản đã không phát hiện được chiếc máy bay trinh sát bay thấp của Trung Quốc.

Hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời các câu hỏi của báo chí về vụ việc này.

Ông Hồng Lỗi nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản ngưng chỉ điều mà ông gọi là “những hoạt động phi pháp” trong không phận và hải phận của quần đảo Điếu Ngư, kể cả việc yêu cầu Nhật Bản rút máy bay của họ ra khỏi khu vực này.

Ông Hồng cho biết Nhật Bản đã không phúc đáp yêu cầu đó. Ông nói thêm rằng việc một chiếc tàu trinh sát biển Trung Quốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc là “hoàn toàn bình thường.”

Giới hữu trách Nhật Bản cho rằng hành động chưa từng có trước đây của Trung Quốc là xâm phạm không phận của Nhật Bản.

Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Osamu Fujimura, nói rằng những vụ việc như vậy trong tương lai sẽ được xử lý một cách kiên quyết.

Người phát ngôn của chính phủ Nhật nói rằng Bộ Quốc phòng đang xem xét tới việc sử dụng các loại máy bay cảnh báo sớm E2C và AWACS để thực hiện những cuộc tuần tiểu.

Ông Fujimura nói thêm rằng Nhật Bản muốn sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ không phận của mình.

Chuyến bay khiêu khích hôm thứ Năm được thực hiện trong tuần lễ mà Trung Quốc cũng đã phái nhiều tàu hải quân đến gần quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Sự hiện diện của các tàu hải quân diễn ra tiếp theo sau những hoạt động hầu như diễn ra hàng ngày của các tàu hải giám của Trung Quốc gần khu vực này.

Vụ tranh chấp lãnh thổ lâu đời này đã trở nên kịch liệt hơn trong năm nay sau khi chính phủ trung ương Nhật Bản mua lại các hòn đảo từ tay sở hữu chủ là một gia đình người Nhật. Hành động đó có mục đích ngăn chận một kế hoạch mua đảo của đô trưởng Tokyo lúc đó là ông Shintaro Ishihara. Ông này đã từ chức và đứng ra thành lập một đảng mới.

Đảng Phục Hưng Nhật Bản của ông Ishihira đang hy vọng chiếm đủ ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện vào chủ nhật này để có ảnh hưởng trong việc thành lập chính phủ mới.

Theo dự liệu, đảng Dân chủ Nhật Bản đương quyền sẽ bị đánh bại. Đảng lớn nhất có lập trường bảo thủ là Đảng Dân chủ Tự do hy vọng họ sẽ giành đủ ghế để lãnh tụ của họ là cựu Thủ tướng Shinzo Abe có thể lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ một lần nữa.

Ông Abe là người có chủ trương cứng rắn đối với Trung Quốc.

Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 40% cử tri Nhật chưa quyết định bỏ phiếu cho đảng nào và kinh tế là vấn đề mà đại đa số người dân Nhật Bản hiện nay đang quan tâm. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị nói rằng sự lo ngại của công chúng đối với sự gia tăng của các hoạt động của tàu bè Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku có thể làm gia tăng sự ủng hộ cho các đảng chính trị của hai ông Abe và Ishihara.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG