Đường dẫn truy cập

Ban Việt ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA được thành lập từ bao giờ?


Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đài VOA, hôm nay ban Việt ngữ xin gửi đến quí vị đôi nét về lịch sử của ban Việt ngữ của đài và bài phỏng vấn một số nhân viên kỳ cựu từng phục vụ cho đài trên 30 năm trong quá khứ cũng như ý kiến của vài thính giả cả thế hệ lớn tuổi lẫn thế hệ trẻ. Mời quí vị theo dõi Lan Phương trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này.

Đài tiếng Nói Hoa Kỳ VOA thành lập năm 1942 ngay sau vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng với ban Đức ngữ, Pháp ngữ và Ý ngữ bắt đầu vào ngày 1 tháng Hai năm 1942, kế tiếp là ban Anh ngữ vào ngày 8 tháng 3. Ban Việt ngữ xuất hiện không lâu sau đó, theo lời tường thuật của vị Giám đốc đầu tiên của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, cụ Walter Roberts, năm nay đã 95 tuổi. Ngày đó cụ làm việc với phân bộ châu Âu nên không biết nhiều về ban Việt ngữ nhưng căn cứ vào tài liệu riêng được ghi lại và hiện vẫn còn giữ, cụ cho biết:

"Theo tài liệu này, ban Việt ngữ bắt đầu từ năm 1943, nhưng không có tên là ban Việt ngữ mà là ban Annamese. Ban Annamese ngưng hoạt động năm 1946 và bắt đầu lại năm 1951. Tôi chắc chắn đây là những sự kiện chính xác."

Và từ năm 1951, khi đài hoạt động trở lại, một phụ nữ làm việc cho tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam, bà Lê Thị Bài, đã được tuyển dụng cùng với 3 nam nhân viên. Ngay từ thời phụ nữ còn bị kỳ thị rất nhiều trong thị trường công việc làm, và nhất là ngành truyền thông, bà Lê Thị Bài đã trở thành phụ nữ đầu tiên làm việc cho đài và từ bước đầu là một phát thanh viên với giọng miền nam, căn bản học chương trình Pháp, tiếng Việt không bằng các đồng nghiệp khác, bà đã cố gắng học hỏi. Bà cho biết những khó khăn ban đầu:

Bà Lê thị Bài
Bà Lê thị Bài
"Cô biết không mỗi ngày tôi phải xem lại bài mà mấy ổng (đồng nghiệp) dịch, hai nữa là phải đem báo tiếng Việt về nhà xem, học hỏi tiếng Việt. Nhờ trời, nếu cố gắng mình vẫn tiến tới chứ không chịu ngốc hoài. Đó là kinh nghiệm đầu tiên mà nhiều người nghe tôi nói ai cũng cười. Nhưng sau tôi đâu có thua gì ai, mấy ông dịch mau tôi cũng dịch mau, chứ không phải như lúc đầu không đủ thời giờ làm. Thành ra đây cũng là một kinh nghiệm rất hay."

Từ những khó khăn bước đầu khi còn rất hiếm phụ nữ trong ngành truyền thông và không có kinh nhgiệm báo chí cũng như phát thanh, bà đã cố gắng học hỏi để tiến lên:

"Rồi đến thời chiến tranh ở bên nhà, nhân viên không có nhiều mà phải làm hai ba chương trình phát thanh mỗi ngày. Nhưng thấy thính giả ai cũng muốn biết tin tức, người ta theo dõi đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nên đó là nguyên nhân thúc đẩy để mình cố gắng làm. Sau nhờ làm khá nên người ta cho tôi làm biên tập viên, soạn chương trình và lo về nhân viên. Đó là kinh nghiệm khác. Qua bên xứ Mỹ này tôi học được rất nhiều và tôi rất gần gũi với thính giả. Ngày nào mình cũng biết là ai cũng muốn theo dõi nghe tin tức, hai nữa tôi cố gắng là vì những người ở Việt Nam có gia đình ở bên này muốn biết tin tức, muốn biết đời sống ra sao thành thử ngoài giờ làm trong sở, tôi lấy giờ riêng đi với một ông engineer (chuyên viên thu thanh) đến mỗi nhà hỏi thăm rất là linh động."

Từ lúc bỡ ngỡ bước chân vào đài năm 1951 không có chút kinh nghiệm ở vào một thời điểm mà phụ nữ còn rất bị kỳ thị, bà Lê thị Bài đã trở thành Trưởng ban Việt ngữ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ năm 1972. Đến năm 1982 bà phải xin về hưu non để chăm sóc thân mẫu bị đau nặng. Năm nay đã 87 tuổi, bà vẫn còn lái xe và tự lo lấy mọi sinh hoạt hàng ngày.

Và những thính giả theo dõi đài lâu năm chắc hẳn không ai không nhớ đến Lê Văn, chủ biên của ban Việt ngữ trong một thời gian dài. Anh Lê Văn bắt đầu làm với đài từ lúc còn là sinh viên cao học về Bang giao quốc tế tại đại học Georgetown trong tư cách nhân viên lương khoán, đến năm 1967 anh mới trở thành nhân viên chính thức. Anh thuật lại những thay đổi về nhân sự và số giờ phát thanh:

Ông Lê Văn
Ông Lê Văn
"Lên xuống rất nhiều. Khi tôi mới bắt đầu vào làm chỉ có chừng mươi, mười hai người. Đó là kể cả những người như tôi lúc ban đầu làm khoán, làm công nhật thôi. Lúc đó Việt Nam không phải là một ưu tiên của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Phải nói thế này, đài VOA do quốc hội thành lập, nhắm mục đích phát thanh đi toàn cầu. Nhưng nó tùy tầm quan trọng của mỗi một vùng trên trái đất đối với chính sách đối ngoại như thế nào mà nó được tăng lên hay giảm bớt đi, tùy theo lúc đó và tùy theo vùng đất đó."

Anh Lê Văn cho biết thời cao điểm của chiến tranh Việt Nam số nhân viên của ban Việt ngữ tăng lên rất cao khoảng 40 người, và số giờ phát thanh cũng lên đến 8 tiếng một ngày, chưa kể được liên tục phát lại hầu như 24 tiếng. Nhưng sau chiến tranh chỉ còn có 3 tiếng, rồi 2 tiếng. Có lúc lên, có lúc xuống tùy theo nhu cầu của chính phủ Mỹ.

Anh cho biết một trong những biến cố gây chấn động mà anh còn nhớ là vụ tổng tấn công tết Mậu thân:

"Chúng tôi nhớ là năm 1968 điều làm chấn động ban Việt ngữ đài VOA là vụ tổng tấn công tết Mậu thân, xảy ra thật bất ngờ. Bất ngờ chẳng những là đối với người dân, bất ngờ đối với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy, mà bất ngờ luôn cả ban Việt ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Họ không nghĩ là tự nhiên lại xảy ra cuộc tấn công của Việt Cộng, dĩ nhiên là với phe Bắc Việt đứng đằng sau. Họ (Việt cộng) hy sinh rất nhiều những ổ nằm vùng ở Sài Gòn, ở các tỉnh lớn và biến cố tết Mậu thân mặc dầu rất tai hại cho Việt Cộng, mặc dầu cơ sở họ bị phá vỡ gần hết, mặc dầu họ bị tổn thất hầu như gần hết binh sỹ chính qui, nhưng họ lại ghi được một thắng lợi lớn là nó làm chấn động dư luận thế giới, đặc biệt là làm cho thanh thế phe phản chiến ở Hoa Kỳ nhảy vọt lên, và vận động với các dân biểu nghị sỹ tại Quốc hội để chấm dứt chiến tranh Việt Nam càng sớm càng hay. Sự khởi đầu của việc rút lui khỏi Việt Nam có lẽ đã được bắt đầu từ năm 1968. Biến cố đầu tiên mà tôi nhớ là tết Mậu Thân 1968."

Năm 1972 cũng là thời điểm sôi động mà anh Lê Văn vẫn còn nhớ rất rõ khi nó đi kèm với mức độ gấp rút trong công việc:

"Kế đến là mùa hè đỏ lửa 1972, tin tức chiến sự khiến tôi cứ phải chạy ra chạy vào studio để đưa những tin tức mới nhất, bởi vì vừa trước đây mấy phút, chưa có lệnh, chẳng hạn như phong tỏa Hải Phòng, oanh tạc cảng Hải Phòng, đó là những tin giờ chót, tin chấn động, tôi lại phải lấy những tin đó dịch gấp, có khi còn không dịch nữa, cứ thế cầm bản tin tiếng Anh, chạy vào đọc lúc bắt đầu chương trình phát thanh tin tức cho nó sốt dẻo, cho kịp thời. Vì vậy mùa hè đỏ lửa lại là một thời điểm khác đáng ghi nhớ đối với tôi."

Và dĩ nhiên là những ngày cuối cùng của miền nam Việt Nam với nhiều chỉ dấu cho thấy là người Mỹ sẽ triệt thoái, rồi hình ảnh ông đại sứ Mỹ lên máy bay rời khỏi Việt Nam, những người Việt leo lên những chiếc trực thăng cuối cùng để được di tản ra tàu biển thì đấy là những điều mà anh còn nhớ rất nhiều.

Sau khi chiến tranh kết thúc, phong trào vượt biển lên cao, anh và các đồng nghiệp trong ban biên tập phụ trách hàng loạt bài về người tỵ nạn và sau khi dân tỵ nạn được định cư, là một loạt các chương trình về sinh hoạt của cộng đồng hải ngoại, được rất nhiều thính giả theo dõi, theo như tin của những người mới ra khỏi trại tỵ nạn cho biết, người ở Việt Nam lúc đó họ “trùm chăn nghe đài VOA” (để tránh sự theo dõi của công an.)

Những chương trình như thế giúp cho người ở Việt Nam biết về đời sống của thân nhân, bởi vì lúc đó sự liên lạc hầu như bị cắt đứt hoàn toàn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Những người ra đi coi như không bao giờ trở lại Việt Nam một lần nữa và những người ở lại Việt Nam coi như anh em, bạn bè, họ hàng một khi đi khỏi Việt nam rồi sẽ không bao giờ trở về được.

Anh Lê Văn nói: "Bây giờ thì người ta về Việt Nam hoài hoài tôi không nói làm gì, nhưng những năm đầu tiên đó tôi nghĩ chương trình mà chúng tôi, ở đài VOA phát khởi, không phải riêng tôi, mà bằng ấy anh em mỗi người tiếp vào một tay, đã bắc được một nhịp cầu nối liền người Việt ở hải ngoại và đồng bào trong nước."

Anh Lê Văn đã về hưu năm 2002. Nhưng hiện nay anh vẫn còn hoạt động trong ngành truyền thông, giữ một số chương trình cho các đài phát thanh và truyền hình tại Houston, bang Texas.

Phạm Trần tại 1 tiệm ăn ngay dưới lầu Eden Building, nơi có Văn phòng của VOA ở Sàigòn, trước trụ sở Hạ Nghị Viện cũ (bây giờ là Nhà hát lớn Tp Hồ Chí Minh), giữa 2 Khách sạn Continental and Caravelle (khoảng 1970)
Phạm Trần tại 1 tiệm ăn ngay dưới lầu Eden Building, nơi có Văn phòng của VOA ở Sàigòn, trước trụ sở Hạ Nghị Viện cũ (bây giờ là Nhà hát lớn Tp Hồ Chí Minh), giữa 2 Khách sạn Continental and Caravelle (khoảng 1970)
Một nhân viên người Việt kỳ cựu khác mà thính giả chưa bao giờ được nghe giọng trên làn sóng phát thanh của đài VOA là anh Phạm Trần, vừa nghỉ hưu vào cuối năm ngoái.

Anh bắt đầu làm thông tín viên cho văn phòng của đài VOA tại Sài Gòn từ năm 1968 và cùng với 2 đồng nghiệp người Mỹ rời khỏi Việt Nam 48 tiếng đồng hồ trước khi Sài Gòn thất thủ. Sang đến Hoa Kỳ anh vẫn tiếp tục làm cho phòng tin của đài, phụ trách phần tin Việt Nam và Đông Nam Á. Anh cho biết điều gây ấn tượng mạnh trong thời gian làm việc cho đài tại Việt Nam:

"Công việc của thông tín viên là tường thuật về cuộc chiến, tường thuật về tình hình chính trị tại Việt Nam cho đến ngày 28 chúng tôi rời khỏi Sài Gòn. Ấn tượng tôi ghi nhớ nhất là phản ứng của người dân. Từ thành thị đến thôn quê, lúc nào người ta cũng đón nghe tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, kể cả trong thời gian không sôi nổi chăng nữa, người ta vẫn theo dõi ban Việt ngữ của đài rất chặt chẽ, rất sát, in hệt như với đài phát thanh BBC vậy."

Sau đây là cảm nghĩ của anh khi phải chia tay với nơi anh đã làm việc trong nhiều năm dài:

Ông Phạm Trần ở bàn làm việc tại VOA
Ông Phạm Trần ở bàn làm việc tại VOA
"Giai đoạn mà mình đã trải qua trong thời gian chiến tranh cũng như thời gian được sống hòa bình ở Hoa Kỳ thì đài VOA đã gắn liền với cuộc đời tôi trong một thời gian rất dài, 44 năm, và rất nhiều kỷ niệm với đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Đài lúc nào cũng đóng một vài trò quan trọng về lãnh vực truyền thông, đặc biệt là những chương trình tiếng ngoại quốc, trong đó có chương trình tiếng Việt rất được người Việt chú ý, không những là người trong nước mà cả những người đã ra nước ngoài nữa. Cho đến giờ này họ vẫn theo dõi, và đây là điều an ủi cho người về hưu như tôi đấy, thưa chị."

Anh cho biết sẽ cố gắng hoàn tất 2 cuốn sách, một so sánh tình hình Việt Nam từ năm 1954 đến 1975 và từ 1975 đến nay, cuốn kia viết về tình hình báo chí của người Việt hải ngoại.

Chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến một thính giả trung thành của đài năm nay đã 72 tuổi, ông Lê Văn Quan, từng phải đi tù cải tạo, một người vẫn nghe đài từ năm 25 tuổi đến nay:

"Ở bên này tôi vẫn tiếp tục nghe qua tiếp vận của các đài phát thanh Việt ngữ của mình ở đây. Những đề tài thu hút tôi nhiều nhất là đề tài liên quan đến Việt Nam. Là một người Việt ở xa xứ tôi vẫn nhớ đến một quê hương của mình đang bị cộng sản thống trị thành thử tôi rất chú ý đến những tin liên quan đến Việt Nam."

Và không phải chỉ có thế hệ lớn tuổi mới theo dõi đài. Anh Vũ Lê, một thanh niên 25 tuổi, cho hay anh biết đến đài VOA là do người trong gia đình và qua tiếp vận của các đài phát thanh địa phương tại California. Như nhiều người trẻ khác, anh không có nhiều thì giờ thường xuyên theo dõi chương trình phát thanh, chỉ 1 lần 1 tuần mà thôi, nhưng Anh rất thích video clip VOA 60 giây của đài vì nó ngắn mà rất đầy đủ chi tiết.

Ngoài ra anh cho biết chương trình hấp dẫn anh nhiều là diễn đàn bạn trẻ.

Anh nói: "Vũ thích chương trình các cuộc phỏng vấn các bạn trẻ, những người từ nhiều vùng khác nhau, họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã học được, chúng ta cần biết được những quan tâm của nhiều bạn trẻ khác ở nhiều nơi trên đất nước này. Họ có một tấm lòng cho đất nước Việt Nam, đó là điều mà Vũ thấy rất là chung. Họ hiểu được tâm trạng mà đất nước Việt Nam đang phải trải qua. Hiện nay họ chỉ muốn lên tiếng và họ đã dùng đài VOA là phương tiện để bày tỏ những hiểu biết của họ."

VOA Express

XS
SM
MD
LG