Đường dẫn truy cập

Chú ý lại tập trung vào dinh tổng thống vào lúc Đức Giáo Hoàng thăm Thổ Nhĩ Kỳ


Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan duyệt hàng quân danh dự tại dinh tổng thống ở Ankara, 28/11/14
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan duyệt hàng quân danh dự tại dinh tổng thống ở Ankara, 28/11/14

Theo dự kiến, Tổng thống Recep Tayyip Ergogan sẽ tiếp Đức giáo hoàng Phanxicô đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm nay, tại dinh tổng thống mới đang gây nhiều tranh cãi, một dinh thự lớn nhất và tốn tiền nhất thế giới. Tuy nhiên, Đức giáo hoàng không che giấu việc ngài không thích sự khoa trương quá mức, và sự kiện này củng cố thêm quan điểm bên trong Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đảng AK cầm quyền, có gốc là đạo Hồi chính trị, đã mất đi la bàn đạo đức của mình. Từ Istanbul, thông tín viên VOA Dorian Jones ghi nhận chi tiết.

Tổng thống Erdogan sẽ tiếp Đức giáo hoàng Phanxico tại dinh thự mới có 1 ngàn phòng. Cây cối trang hoàng nhập từ Italia và những phòng tắm có tường được lót bằng lụa cho thấy việc chi tiêu không tiếc tiền. Được xây theo chỉ thị của ông Erdogan, Bạch Cung, như tên thường gọi, không những là dinh thự lớn nhất thế giới, mà còn là dinh thự tốn kém nhất, với giá đã lên tới 700 triệu và còn đang tăng thêm. Là người nổi tiếng là tránh sự phô trương, Đức giáo hoàng sẽ phản ứng ra sao trước dinh thự này? Theo các chuyên gia, đó là một câu hỏi trên đầu môi của nhiều người.

Chuyến thăm của Đức giáo hoàng đang thu hút sự chú ý trở lại vào dinh thự này, đã trở thành biểu tượng của sự chuyển biến ngoạn mục của đảng AK gốc Hồi giáo trong thập niên cai trị Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những năm đầu, đảng AK quảng bá là đảng của những người thiếu thốn, chống tham nhũng và lãng phí. Ngày nay, theo lời giải thích của bà Istar Gozaydin, một chuyên gia về tôn giáo và nhà nước tại trưởng Đại học Dogus ở Istanbul, cương lĩnh của Tổng thống Erdogan là phát triển và xây dựng một “nước Thổ Nhĩ Kỳ mới.” Bà nói:

“Rõ ràng, có một sự thay đổi to lớn: đảng AK đã bắt đầu từ một nguồn gốc rất khiêm tốn nhưng điểm mà họ đi tới hiện nay là một cái nhìn khác, và đó là cách thức mà viễn ảnh này được mô tả - khái quát hoá một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới."

Nhưng những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát về một dự án phát triển khác, tại một trong các cứ địa chính của đảng AK ở Istanbul. Quyết định phá huỷ một trong những khoảng trống xanh tươi cuối cùng còn lại của thành phố để xây một thương xá và khu gia cư sang trọng đã gây phẫn nộ, tuy rằng các kế hoạch cũng bao gồm cả việc xây một nhà thờ hồi giáo.

Người phụ nữ cao tuổi này lên án đảng là đã từ bỏ các nguyên tắc của mình.

Bà nói “Tôi quyến luyến biết bao mảnh đất này, đó là nơi cho tất cả mọi người”. Đảng AK là của nhân dân, lương thiện, thuần thành và khiêm nhường, nhưng nay không phải thế nữa. Hãy nhìn nơi tổng thống ở.

Song các kênh truyền hình của Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập những quảng cáo các ngôi nhà sang trọng, hàng tiêu thụ và những thứ tương tự, và những người ủng hộ đảng AK nằm trong số những người chủ yếu được hưởng lợi ích của một thập niên tăng trưởng kinh tế chưa từng có từ trước đến nay. Một giới trung lưu tôn giáo mới đã phá rào bước vào cuộc sống tiêu thụ trước đây chỉ chủ yếu dành cho giới thế tục.

Nhà khoa học chính trị Cengiz Aktar của trường Đại học Suleyman Sah ở Istanbul nói nhiều người ủng hộ đảng AK, và nhất là ủng hộ tổng thống, vẫn trung thành một cách mù quáng. Ông nói:

“Họ rất lấy làm hãnh diện về dinh thự đó, một số người còn cho là nó chưa đủ lớn. Họ vui mừng vì tổng thống của họ đang có một dinh thự lớn nhất thế giới. Đấy là một thái độ mang tính cách rất Thổ Nhĩ Kỳ, sự mưu tìm cái vĩ đại, như những người con vĩ đại của Đế chế Ottoman và tất cả những huyền thoại mà họ sống cùng. Họ thậm chí không nhận ra rằng họ đang phải trả bằng chính tiền của mình.”

Nhưng Bạch Cung đã gây chia rẽ công luận ngay cả trên các đường phố ở Uskudar, một trong những quận có tính cách tôn giáo nhất ở Istanbul.

“Hoàn toàn sai lầm. Thật là một nỗi hổ thẹn lớn khi chi hàng trăm triệu đôla vào một dinh thự trong khi chúng ta có quá nhiều người cần sự giúp đỡ. Dinh thự này là dinh thự của một chế độ độc tài, chứ không phải của một thể chế dân chủ.

Nhưng một người đàn ông khác không đồng ý. Ông nói:

“Tôi nghĩ đây là một toà nhà rất đẹp và thực ra cũng cần thiết nữa. Tôi cho rằng dinh thự trước đây quá cũ kỹ và không đủ. Khách nước ngoài đến đây, như Đức giáo hoàng chẳng hạn, và lại còn những dịp quan trọng, vì thế dinh thự càng lớn càng đẹp. Dù gì thì đó là một dinh thự cơ mà, chi ra mấy trăm triệu đôla thì có gì là sai trái.”

Chuyến thăm của Đức giáo hoàng châm ngòi thêm cho cuộc tranh luận giận dữ về Bạch Cung. Cuộc tranh luận đó có phần chắc sẽ còn tiếp tục thêm một thời gian nữa, nhất là sau khi có thông báo rằng dinh thự chưa đủ lớn và sẽ xây thêm 250 phòng nữa trong tương lai gần đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG