Đường dẫn truy cập

Việt Nam theo đuổi chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc


Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết mặc dù Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam vẫn nhất định theo đuổi đường lối hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết mặc dù Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam vẫn nhất định theo đuổi đường lối hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm thứ tư cho biết khu vực Á Châu Thái Bình Dương đang đối mặt với những thách thức to lớn và Việt Nam sẽ dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Phạm Bình Minh phát biểu như vậy tại New York trong lúc đến dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Từ New York, thông tín viên đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Khi diễn thuyết tại Hội Á châu ở New York hôm thứ tư (24-9-2014), ông Phạm Bình Minh đã chỉ trích điều mà ông gọi là những hành động đơn phương, phô trương sức mạnh, trong những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông Trung Hoa (East China Sea) và Biển Nam Trung Hoa (South China Sea / Việt Nam gọi là Biển Đông).

Lời chỉ trích này giống như những lời chỉ trích nhắm vào chính phủ ở Bắc Kinh mà nhiều nước trên thế giới đã đưa ra trong vài năm gần đây giữa lúc căng thẳng leo thang ở Đông Á vì những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản, và giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và một số nước khác ở Đông Nam Á.

Ông Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ dựa vào luật pháp quốc tế để tìm cách giải quyết vụ tranh chấp với Trung Quốc. Ông cho biết mặc dù Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam vẫn nhất định theo đuổi đường lối hòa bình để giải quyết tranh chấp.

"Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam bằng vũ lực vào năm 1956 và năm 1974. Bây giờ Trung Quốc vẫn còn chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Lập trường của chúng tôi là giải quyết bằng phương tiện hòa bình. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc làm như vậy. Nhưng Trung Quốc vẫn còn từ khước và nói rằng Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Đó là sự khác biệt về lập trường giữa Việt Nam với Trung Quốc."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam cũng nói rằng Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước theo xã hội chủ nghĩa và có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện. Ông cho biết trong vụ Trung Quốc mang giàn khoan dầu đến đặt trong vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đôi bên đã thương thảo với nhau khoảng 40 lần, trước khi Trung Quốc dời giàn khoan đi nơi khác.

Ông Phạm Bình Minh cho đài VOA biết rằng Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc về vụ tranh chấp Hoàng Sa, nhưng vụ tranh chấp Trường Sa phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương.

"Có một vụ tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Đó là về quần đảo Hoàng Sa. Vụ tranh chấp quần đảo Trường Sa có liên quan tới 5 nước và 1 vùng lãnh thổ. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei là 5 nước yêu sách chủ quyền và một vùng lãnh thổ là Đài Loan, Trung Quốc. Giải quyết vấn đề về Hoàng Sa là giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trường Sa có liên hệ tới nhiều quốc gia cho nên phải được giải quyết bằng đường lối đa phương."

Trong bối cảnh nhiều nước Đông Á cảm thấy lo ngại trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc về mặt quân sự, ông Phạm Bình Minh tỏ ý tán dương những hành động được cho là tích cực của Washington nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam. Nhưng ông khẳng định chính sách “ba không” của Hà Nội.

"Tôi có thể nhắc lại chính sách chúng tôi gọi là ba không: không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam, và không liên minh chống lại bất kỳ nước nào. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không liên minh để chống lại một nước thứ ba."

Một nhà hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt gốc Mỹ, bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, cho đài VOA biết rằng bà không tán thành đường lối của chính quyền Hà Nội trong việc giải quyết những vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phụ nữ điều hành trang mạng Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt cho biết nhiều người Việt Nam muốn Hà Nội dựa vào luật pháp để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Bà nói thêm rằng người dân Việt Nam hy vọng thông qua việc thiết lập quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ để bảo vệ cho an ninh và ổn định của khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

XS
SM
MD
LG