Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Mỹ bác bỏ phần lớn luật di trú của bang Arizona


Anh Jorge Mendez đứng trong các dây thép gai tham gia một buổi cầu nguyện phản đối luật di trú nghiêm khắc của tiểu bang Arizona
Anh Jorge Mendez đứng trong các dây thép gai tham gia một buổi cầu nguyện phản đối luật di trú nghiêm khắc của tiểu bang Arizona
Tối cao Pháp viện Mỹ vừa bác bỏ phần lớn các qui định của luật di trú nghiêm khắc của tiểu bang Arizona, là bộ luật có mục đích tạo điều kiện dễ dàng hơn để cho nhân viên cảnh sát tiểu bang bắt giữ những người di dân bất hợp pháp.

Quyết định của Tối cao Pháp viện về luật di trú của Arizona

Tóm tắt quyết định của Tối cao Pháp viện liên quan đến luật di trú của Arizona

GIỮ LẠI:

Yêu cầu các nhân viên cảnh sát tiểu bang nếu có “những nghi ngờ chính đáng” có thể kiểm tra tình trạng di trú của những người bị chặn xét vì những nguyên nhân khác.

BÁC BỎ:

- Xem là có tội những di dân không có giấy phép lao động kiếm việc làm

- Xem như một tội phạm những di dân không mang theo giấy tờ tùy thân

- Cho phép cảnh sát bắt giữ bất cứ di dân nào họ tin có thể bị trục xuất được

Tuy nhiên, tòa án đã giữ nguyên một trong những yếu tố gây tranh cãi của đạo luật - đó là đòi hỏi nhân viên cảnh sát tiểu bang khi có “sự nghi ngờ hợp lý” phải kiểm tra qui chế di trú của người mà họ chặn lại vì những lý do khác.

Các vị thẩm phán cũng bác bỏ 3 qui định khác của luật Arizona – một qui định cho rằng người di dân không có giấp phép làm việc mà xin việc làm là một tội phạm, một điều khoản khác cho rằng người di dân phạm tội khi không mang theo giấy tờ đăng ký, và một qui định cho phép cảnh sát bắt người khi họ tin rằng người đó thuộc diện bị trục xuất.

Năm vị thẩm phán trong nhóm đa số để bác bỏ 3 qui định vừa kể. Những thẩm phán bất đồng ý kiến thì nói rằng toàn bộ luật này cần được giữ nguyên.

Cơ quan lập pháp tiểu bang Arizona đã thông qua luật này năm 2010. Các nhà lãnh đạo tiểu bang nói rằng cần có luật này để ngăn chận làn sóng di dân bất hợp pháp, phần lớn đến từ Nam Mỹ và Trung Mỹ. Họ nói rằng chính phủ liên bang đã không chấp hành đầy đủ các luật lệ di trú của quốc gia.

Những người chống đối, trong đó có các tổ chức của người gốc Châu Mỹ La Tinh, nói rằng luật này buộc cảnh sát xếp loại người dân dựa trên yếu tố chủng tộc.

Chính phủ của Tổng thống Obama cũng nói rằng hiến pháp Mỹ giao trách nhiệm chấp hành luật di trú cho chính phủ liên bang, chứ không phải chính phủ tiểu bang.

Tối cao Pháp viện hôm nay trên cơ bản đã đồng ý rằng vấn đề di trú là nhiệm vụ của chính phủ liên bang, chứ không phải của tiểu bang.

Phán quyết được loan báo không lâu sau khi Tổng thống Obama ký một mệnh lệnh hành chánh hồi đầu tháng này để tạm ngưng việc trục xuất một số di dân bất hợp pháp trẻ tuổi.

Vấn đề di dân dự kiến sẽ là một vấn đề quan trọng trong các cuộc bầu cử năm nay, kể cả cuộc tranh đua giành chức Tổng thống giữa ông Obama với ông Mitt Romney, người có phần chắc sẽ là ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Ảnh hưởng của khối dân gốc Châu Mỹ La Tinh trong các cuộc bầu cử ở Mỹ hiện đang trên đà gia tăng và một số các nhà phân tích chính trị nói rằng những cử tri này có thể sẽ định đoạt kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.

VOA Express

XS
SM
MD
LG