Đường dẫn truy cập

Việt Nam, Trung Quốc lại tranh cãi về vấn đề chủ quyền


Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa (hình chụp ngày 13/4/2010)
Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa (hình chụp ngày 13/4/2010)

Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa khẩu chiến qua lại, tố cáo nhau vi phạm chủ quyền trên lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15/3 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, luật pháp quốc tế, cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn nhân Lương Thanh Nghị của Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại Hoàng Sa-Trường Sa là ‘bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam’.

Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Hoàng Sa, bao gồm việc đấu thầu dầu khí 19 lô ở phía Bắc Biển Đông, diễn tập bắn đạn thật ở Hoàng Sa hôm 2/3, tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao vào cuối tháng này, và lên kế hoạch mở rộng du lịch tại đây trong tương lai. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng loan báo sẽ thành lập trung tâm khảo cổ ở Biển Đông và trạm công tác tại Hoàng Sa.

Trong khi đó, hôm 13/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa lên tiếng khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và các vùng lãnh hải lân cận.

Phát ngôn nhân Lưu Vị Dân nói Trung Quốc hy vọng phía Việt Nam tuân thủ tinh thần bản Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông cũng như Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển mà hai nước Việt-Trung đã ký kết nhằm tăng cường sự hợp tác và ổn định trên Biển Đông thay cho các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Đây là phản hồi của Bắc Kinh sau khi có tin về việc Việt Nam gửi 6 nhà sư ra quần đảo Trường Sa để lập lại 3 ngôi chùa bị bỏ hoang tại đây hồi năm 1975 nhưng mới được trùng tu, một hành động được xem là nỗ lực của Hà Nội khẳng định chủ quyền tại khu vực tranh chấp giàu tài nguyên này.

Hòa thượng Thích Giác Nghĩa cho hãng thông tấn AFP biết kế hoạch này được tỉnh Khánh Hòa chấp thuận hồi đầu tháng và đoàn tăng sư sẽ khởi hành tới Trường Sa ngay khi nào hải quân có thể đưa họ ra đó. Sáu nhà sư tình nguyện này dự kiến sẽ lưu lại đây tới 1 năm.

Loan báo của phía Việt Nam được đưa ra 1 ngày trước dịp kỷ niệm 24 năm ngày Trung Quốc tấn công vào đảo Gạc Ma, khiến 64 binh sĩ Việt Nam bị thiệt mạng hôm 14/3/1988.




Nguồn: Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam, AP, AFP

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG