Đường dẫn truy cập

World Bank tăng quyền biểu quyết cho Trung Quốc


Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm qua loan báo việc thông qua một kế hoạch cải cách được cho là có tính cách “lịch sử” vào cuối các cuộc họp chính của giới lãnh đạo tài chính toàn cầu. Kế hoạch bao gồm một khoản gia tăng khổng lồ về vốn dành cho tổ chức này, lần đầu tiên trong 20 năm, và sự gia tăng quyền biểu quyết dành cho Trung Quốc và các nước đang phát triển và đang trỗi dậy. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ nần của Hy Lạp cũng được thảo luận tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Thông tín viên VOA William Ide tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick tuyên bố kế hoạch đã được chấp thuận trong mấy ngày vừa qua thay đổi tổ chức này một cách sâu rộng. Ông nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử của cơ chế cho vay tiền với số hội viên hiện nay là 186 quốc gia có sự điều chỉnh về quyền biểu quyết trong khi yêu cầu gia tăng vốn.

Ông Zoellick nói: “Đây là một sự phối hợp vĩ đại – một số người còn cho là quá vĩ đại. Nhưng chúng tôi đã thảo luận rất kỹ với các quốc gia thành viên để chứng tỏ rằng giá trị của chúng tôi thêm vào nhằm hình thành một thỏa thuận đáp ứng với các lợi ích chung. Đây chính là một hình thức thực tế hiện đại của chủ nghĩa hợp tác quốc tế.”

Ngân hàng Thế giới đồng ý tăng các nguồn vốn cho vay thêm hơn 86 tỷ vào một thời điểm mà thế giới còn đang phục hồi sau một cơn suy thoái kinh tế. Ông Zoellick cho biết hơn phần nửa ngân khoản gia tăng này sẽ xuất phát từ các nước đang phát triển.

Ông Zoellick nói tiếp: “Số vốn bổ sung có nghĩa là chúng ta không còn đứng trước khả năng phải cắt giảm việc cho vay trong giai đoạn sắp tới trong năm nay. Chúng ta đi vào cuộc khủng hoảng này với trang bị vốn đầy đủ. Chúng ta đã cung cấp hỗ trợ tài chính ở mức kỷ lục là 105 tỷ đôla kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2008.”

Phát biểu sau một cuộc họp của Ủy ban Phát triển có chức năng quyết định chính sách của ngân hàng, ông Zoellick nói rằng Ngân hàng Thế giới cũng tiến hành một bước quan trọng qua việc gia tăng quyền biểu quyết của các nước đang phát triển tới hơn 47%.

Ông Zoellick nói thêm: “Việc tán thành sự thay đổi trong quyền biểu quyết là điều cấp thiết cho tính hợp pháp của Ngân hàng. Nó thừa nhận rằng chúng ta cần phải đưa các khái niệm lỗi thời như “Thế giới thứ ba” vào kho sử sách. Ngày nay, thế giới đang tiến tới một nền kinh tế mới đa cực và đầy biến chuyển.”

Bước vừa nói đặt quyền lực của Trung Quốc tại ngân hàng lên trên nhiều cường quốc Tây phương, xếp nước này vào hàng thứ ba, chỉ sau có Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Sự thống trị của Hoa Kỳ và các nước lớn ở châu Âu trong các quyết định của ngân hàng lâu nay vẫn là nguồn gốc gây chỉ trích từ phía các nước như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhà khoa học chính trị Martin Edwards thuộc trường Đại học Seton Hall ở New Jersey cho rằng sự chuyển biến trong quyền biểu quyết phản ánh sự phân bổ quyền lực kinh tế đang thay đổi trên thế giới.

Ông Edwards nhận xét: “Rõ ràng là sự tăng trưởng của Trung Quốc đã là một điều mà mọi người đang bàn đến. Trung Quốc đã cung cấp 50 tỷ đôla cho Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF trong năm nay. Thực khó mà coi Trung Quốc như một nước đang phát triển. Họ đang ngày càng trở nên một phần của quyền lực thống trị toàn cầu.”

Nỗ lực của Ngân hàng Thế giới nhằm tăng cường ảnh hưởng của các nước đang phát triển trong các hoạt động của Ngân hàng là một mục tiêu chủ yếu được các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong nhóm G-20 định ra hồi tháng 9 năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng quyết định của Ngân hàng Thế giới có thể đặt ra một tiêu chuẩn cho các thay đổi tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. IMF đã không đạt được một thỏa thuận về quyền biểu quyết trong các cuộc họp hôm thứ Bảy tuần rồi.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ nần của Hy Lạp vẫn là một đề tài chính bên lề các cuộc đàm phán tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Washington.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở IMF hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ông George Papaconstinou bầy tỏ sự tin tưởng rằng Athens sẽ nhận được hỗ trợ tài chính quốc tế kịp thời để tránh việc không trả được nợ nần vào tháng tới.

Ông Papaconstinou nói: “Tôi nghĩ rằng thượng tuần tháng 5 là một thời điểm có thể ước định. Tôi không muốn đề ra một thời điểm cụ thể. Chúng ta đều biết rằng các cuộc thương nghị có thể phải mất nhiều tuần. Chúng ta đang cố gắng rất nhanh chóng.”

Ông Papaconstinantinou nói rằng khung sường của kế hoạch cho vay có các điều kiện vững vàng giúp trấn an các cơ chế cho vay của châu Âu và IMF, cũng như các biện pháp tài chính để trấn an người dân Hy Lạp rằng các nỗ lực đang được thực hiện nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính trong nước.

Giám đốc điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn, nói rằng mọi người tìm cách giúp Hy Lạp đều hiểu rõ “sự cần thiết phải tăng tốc.”

Các giới chức ở châu Aâu và tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã xác định rõ với Hy Lạp rằng sự ủng hộ của họ tùy thuộc vào các nỗ lực của Athens phải sắp xếp lại trật tự tài chính của mình.

Hy Lạp đã đồng ý bắt đầu một chương trình kiệm ước cắt giảm lương bổng và đình chỉ trả hưu bổng cho công chức, và tăng thuế. Chương trình này đã châm ngòi cho các cuộc xuống đường ồ ạt và các cuộc đình công của giới lao động ở Hy Lạp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG