Đường dẫn truy cập

Việt Nam cam kết thay đổi để xây dựng nền kinh tế hiện đại


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự lễ khai mạc Đại hội Ðảng lần thứ 11 tại Hà Nội, ngày 12/1/2011. Ông Dũng dường như đã vượt qua những thách thức đối với vai trò lãnh đạo của ông và có phần chắc sẽ được tiếp tục giữ chức thủ tướng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự lễ khai mạc Đại hội Ðảng lần thứ 11 tại Hà Nội, ngày 12/1/2011. Ông Dũng dường như đã vượt qua những thách thức đối với vai trò lãnh đạo của ông và có phần chắc sẽ được tiếp tục giữ chức thủ tướng

AFP tường thuật rằng đại hội Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần này diễn ra trong lúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Việt Nam đang gặp nguy cơ và hệ thống chính trị biến chuyển một cách chậm chạp.

Bài tường thuật trích lời các nhà quan sát nói rằng nhà nước độc đảng này đang ra sức xây dựng một "nước công nghiệp hóa hiện đại" trước năm 2020 nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trước mắt, bao gồm lạm phát cao, chỉ tệ yếu, tham nhũng có hệ thống và khu vực công quá đỗi cồng kềnh.

Một nhà ngoại giao Á châu nêu lên sự cạnh tranh mới bắt đầu xuất hiện từ các nước láng giềng như Indonesia và Philippines và nói rằng "bất kỳ đội ngũ lãnh đạo mới nào cũng đều không có lựa chọn nào khác hơn là thúc đẩy để cải cách kinh tế nhiều hơn nữa."

Tuy nhiên, những người chỉ trích đã tỏ ý hoài nghi là các đại biểu sẽ không muốn có thay đổi lớn trong một nước vẫn duy trì "vai trò chủ đạo" của khu vực công trong công cuộc phát triển nền kinh tế gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa."

Kinh tế gia Nguyễn Quang A từng làm Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho tới khi tổ chức này tự ý đóng cửa cách nay hai năm để phản đối mưu toan kiểm soát của chính quyền. Ông nói với hãng thông tấn Pháp rằng "chúng tôi không nhận thấy có thay đổi nào đáng kể."

Theo các nhà quan sát, những thách thức về kinh tế có phần chắc sẽ được mang ra tranh luận trong thời gian đại hội vì chủ trương gọi là "tăng cường dân chủ trong đảng" đã được thể hiện phần nào qua những phát biểu ngày càng thẳng thắn ở Quốc hội do đảng Cộng sản khống chế.

Ông Ben Kerkvliet, giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho biết các tổ chức xã hội dân sự cũng mạnh hơn so với một thập niên trước và nói rằng "tôi nhận thấy Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực về chính trị hơn Philippines trong 20 năm qua."

Mặc dù vậy, các phần tử cộng sản đã loại bỏ khả năng sẽ có thay đổi lớn về chính trị.

Hôm thứ Hai vừa qua, một thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng tuyên bố rằng "Việt nam không có nhu cầu và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng." Lâu nay một số người ở Việt Nam đã bị chính quyền cầm tù vì lên tiếng cổ xướng cho đa nguyên đa đảng.

Phái viên của AFP ghi nhận rằng người dân bình thường cho biết họ muốn chính phủ có hành động để chống tham nhũng, nhưng họ cũng bày tỏ sự hài lòng là kinh tế đất nước đã phát triển.

Các nhà quan sát cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có nhiều tham vọng và biết cách lợi dụng giới truyền thông, dường như đã vượt qua những thách thức đối với vai trò lãnh đạo của ông và có phần chắc sẽ được tiếp tục giữ chức thủ tướng.

Nguồn: AFP/AP/Bloomberg

VOA Express

XS
SM
MD
LG