Đường dẫn truy cập

Việt Nam, Nam Phi ký cam kết chống buôn bán sừng tê giác


Chính phủ Nam Phi và Việt Nam mới ký một thỏa thuận về chống săn trộm tê giác và buôn lậu sừng của chúng.

Đại diện chính phủ hai nước hôm 10/12 đã ký kết văn bản ghi nhớ về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học trong đó có việc chống tình trạng buôn lậu sừng tê giác.

Bà Edna Molewa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi, cho biết Nam Phi rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các đối tác phía Việt Nam, để sớm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát khẳng định rằng Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các Công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học.

Ông Phát cũng cho rằng Bộ này cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trình buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật sừng tê giác.

Thông điệp này cũng giống như một sự răn đe đối với những người tiêu thụ ở các nước Đông Nam Á và đặc biệt là đối với những người buôn bán phi pháp trên khắp thế giới...
Nguyễn Văn Thịnh, phát ngôn viên WWF - Vietnam.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Văn Thịnh, phát ngôn viên của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên WWF – Vietnam cho biết việc ký cam kết đã thể hiện một sự cam kết rất mạnh mẽ, và cũng là một thông điệp kêu gọi cả thế giới cùng chung tay bảo vệ động vật quý hiếm, đặc biệt là tê giác.

Ông Thịnh nói: "Thông điệp này cũng giống như một sự răn đe đối với những người tiêu thụ ở các nước Đông Nam Á và đặc biệt là đối với những người buôn bán phi pháp trên khắp thế giới để họ hiểu rằng chính phủ không những của hai nước Việt Nam-Nam Phi mà cả các quốc gia trên thế giới đang tăng cường để hạn chế cũng như cam kết thực thi pháp luật để tiến tới chấm dứt việc buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác."

Báo chí trong nước đưa tin, từ năm 2004 tới nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý 12 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác từ châu Phi.

Mới đây, chính phủ Nam Phi đã cấm không cho người Việt Nam được săn bắn tê giác hợp pháp tại Nam Phi.

Từ đâu năm tới nay, hơn 600 con tê giác đã bị săn bắn trộm ở Nam Phi, và nhiều sừng của những con vật này bị nghi chuyển lậu sang Việt Nam.

Nguồn: VOA's interview; AFP

VOA Express

XS
SM
MD
LG